Kỳ thi quốc gia: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói gì?

29/07/2014 18:23
Xuân Trung
(GDVN) - Chỉ đạo định hướng Hội tổng kết năm học và triển khai năm học mới trong sáng nay, PTT Chính phủ Vũ Đức Đam đã lưu ý Bộ GD&ĐT nhiều điểm về kỳ thi quốc gia.

Làm kỳ thi nghiêm túc, trách nhiệm

Về một Kỳ thi THPT quốc gia từ năm tới, PTT Vũ Đức Đam đặt vấn đề, nếu chúng ta không tổ chức một kỳ thi quốc gia thì việc học sẽ bị xao nhãng, lúc đó xã hội chỉ có thể tin vào những đánh giá ở học bạ. 

Theo Phó thủ tướng, nếu ngành giáo dục ở các cơ sở giáo dục đều gương mẫu, đều trong sạch thì chắc không cần thi. Vậy đặt câu hỏi, thi từng trường, từng tỉnh có được không?

Các tỉnh có không vì thành tích mà tỉnh này ra đề thấp, tỉnh kia ra đề cao thì mặt bằng quốc gia lại không đồng nhất. Phó thủ tướng cho rằng, lật đi lật lại mới thấy chưa bỏ thi tốt nghiệp được. 

Kỳ thi quốc gia: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói gì? ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, chỉ đạo Hội nghị sáng nay. Ảnh Xuân Trung

“Hai kỳ thi chứ ba kỳ thi cũng được nếu cần thiết vẫn phải thi. Nhưng thực sự nếu không cần thiết chúng ta phải bỏ. Bây giờ bỏ bớt một nhưng vẫn phải đảm bảo hai mục tiêu. Chúng ta phải tính như thế nào? Về lâu dài, thi phải gắn với chương trình mới” Phó thủ tướng lưu ý.

Chia sẻ ý kiến với Hội nghị, Phó thủ tướng nói tiếp, hiện chúng ta bàn về một kỳ thi THPT quốc gia là hơi “kẹt”, vì hệ thống chưa chốt được mức cuối cùng, chương trình, sách giáo khoa chưa chốt được mức cuối cùng. 

Phó thủ tướng yêu cầu, phải lật đi lật lại vấn đề, phải tính cái được cái mất khi có một kỳ thi quốc gia. Nếu đã thống nhất một kỳ thi phải làm thế nào. Quan điểm của Phó thủ tướng, điều quan trọng không phải là thi môn gì mà ngành giáo dục phải có một quyết tâm đổi mới. Tới đây, nếu còn một kỳ thi phải làm nghiêm túc, trách nhiệm.

Kỳ thi quốc gia: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói gì? ảnh 2

Đã có phương án kỳ thi quốc gia từ năm 2015

(GDVN) -Sáng nay (29/7), trong Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, một kỳ thi THPT quốc gia được thông qua với dự thảo ba phương án.

Về dự thảo một trong ba phương án thi theo bài với 11 môn học ở lớp 12 THPT được chia tổng hợp thành 4 bài thi, điều đó gây khó khăn cho việc chấm thi, phải có nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm một bài thi như bài thi Khoa học Tự nhiên gồm giáo viên của 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học cùng chấm; bài thi Khoa học Xã hội gồm giáo viên của 2 môn Lịch sử, Địa lí cùng chấm…

Phó thủ tướng bày tỏ, nếu tất cả những khó khăn đó cho ngành giáo dục mà lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. Vì chúng ta đặt lợi ích của xã hội, trước mắt là của các học sinh. Nếu cảm thấy một kỳ thi mà giảm tốn kém không chỉ cho học sinh và gia đình và cả xã hội nếu thấy lợi thì vẫn quyết tâm làm. 

Trước sự chứng kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành, lãnh đạo các Sở GD&ĐT tại Hội nghị, Phó thủ tướng thẳng thắn cho rằng, Kỳ thi THPT quốc gia làm nghiêm túc không chỉ một năm, bởi thực tế trước đây chúng ta đã làm nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay năm đó tỷ lệ đỗ tụt xuống chỉ 60%, nhưng 1-2 năm sau lại lên 80-90%, Phó thủ tướng nhắc lại, đổi mới căn bản phải thực sự nghiêm túc.

Đổi mới thi phải gắn với chương trình, sách giáo khoa

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, dù chúng ta sắp tới có chọn phương án thi nào thì cũng phải tính tới việc gắn với chương trình, sách giáo khoa. Phó thủ tướng nhận định,thực tế phương án 1 và 2 chỉ là một phương án, đó là phương án không bắt học sinh thi hết tất cả các môn.

Phương án 3 là học sinh học gì thi đấy. Phương án 1 và phương án 2 chỉ khác nhau thi theo môn, 3 môn và một môn tự chọn và thi theo bài. Còn bài thi KHTN (Toán, Lý, Hóa, Sinh) hay KHXH (Sử, Địa..) thì chưa có tích hợp.

Ông Đam cũng cho rằng, 2-3 năm tới Bộ GD&ĐT cần định hướng lớp 10 hoặc lớp 9 sẽ phân làm hai luồng như thế nào? Một luồng thiên về xã hội, một luồng thiên về khoa học kỹ thuật, cần làm sao để các trường đại học cần gì ở kỳ thi quốc gia này. 

Qua đây, ông Đam cũng đề nghị với các phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo cần lấy ý kiến rộng rãi, thậm chí có thêm phương án nữa, tránh tình trạng sau này làm theo cảm tính. Quan trọng quan điểm của Bộ GD&ĐT làm theo phương án nào, phải nói, phải giái thích bởi trong giáo dục khác với các ngành khác chỉ có đúng và sai, còn giáo dục có nhiều vấn đề không phải chỉ có đúng và sai.

“Chúng ta chỉ nên làm khi chúng ta đã chắc, chắc đầu tiên ngay trong Bộ GD&ĐT.  Bộ đã chắc thì trình lên cộng đồng như thế nào. Làm thi không thể tách rời đổi mới toàn diện chương trình, sách giáo khoa và tính tới lâu dài” Phó thủ tướng lưu ý.

Xuân Trung