Kỳ thi quốc gia 2015: Chuyện lỡ rồi nhưng vẫn phải nói!

17/03/2015 07:16
TẠ QUANG SUM
(GDVN) - Không thể nâng tầm giá trị kỳ thi và tạo niềm tin cho các trường đại học bằng cách phân công người dạy đại học đi coi thi và chấm bài.

Giáo dục là một trong những trụ cột của công cuộc phát triển quốc gia. Đổi mới giáo dục luôn cần thiết và cấp bách, nhằm nâng tầm dân trí về văn hóa và năng lực tiếp thu công nghệ phù hợp với trình độ tiến bộ không ngừng của thế giới. 

Nhờ và do hội nhập quốc tế nên đổi mới giáo dục luôn nóng bỏng, là năng lượng tạo ra nguồn động lực thăng tiến. Nhưng đổi mới không thể và không phải chỉ là đổi khác, mà chính là sự liên tục chỉnh lý trên cơ sở những cái đã được đổi để tạo ra cái mới hơn nhằm duy trì và tăng tốc đoàn tàu tránh lạc hậu.

Khảo thí là một phần của khâu kiểm định, chỉ là hoạt động sự vụ nhằm tạo ra phân khúc công đoạn sau cùng một quá trình giáo dục. Chọn thay đổi thi cử nhằm tạo ra đột phá trong cải cách giáo dục phải hết sức cẩn trọng vì không thể mạo hiểm với quy trình ngược. 

Một kỳ thi trung học quốc gia dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 7/2015 theo quy mô và quy cách như đã thông báo, chắc sẽ có nhiều hệ lụy vì những cái mới quá khiên cưỡng. 

Kỳ thi quốc gia 2015: Chuyện lỡ rồi nhưng vẫn phải nói! ảnh 1

Kỷ niệm những kỳ thi "tiêu cực" và mong ước thầy cô ở kỳ thi quốc gia

(GDVN) - Nhiều giáo viên bây giờ "sợ" đi coi thi tốt nghiệp THPT, vì không muốn chứng kiến cảnh bát nháo, tiêu cực. Các thầy cô giáo mong muốn thi cử diễn ra nghiêm túc

Về đại thể, kết quả kỳ thi sẽ không mô tả và đánh giá toàn bộ 12 năm học vì sự thiếu đồng bộ về tổ chức – vì mục tiêu riêng của khu vực thi, nhóm người thi và người coi thi - vì yếu tố may rủi … Như vậy không thể tạo đà để kéo theo sự thay đổi nhiều mặt hữu cơ khác của giáo dục, không thể lấy đó làm tiền đề cơ sở cho việc khởi đầu giai đoạn giáo dục - lao động sau trung học.

Tất nhiên bộ đã chọn giải pháp thì cứ thể nghiệm và cả nước phải trông chờ, nhưng cần thiết phải rút tỉa những kinh nghiệm để đặt ra tiêu chí cho các bước đi kế tiếp:

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải là một kỳ thi quốc gia, mục tiêu chủ yếu đặt ra là kết thúc bậc học phổ thông, không cần thiết kết nối với việc xét tuyển vào cao đẳng – đại học.  Như vậy toàn bộ quá trình diễn ra phải thuộc về hệ thống giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, không liên quan gì đến các trường đại học – cao đẳng.

- Giáo dục sau trung học phải được tái cấu trúc theo đúng chức năng và nhiệm vụ của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Không thể kéo dài tình hình khắp nơi có trường đại học, hoạt động đa ngành – đa khoa – liên thông – liên kết hỗn loạn như hiện nay. Tự chủ cho mỗi loại hình trường là tất yếu cho chiến lược phát triển, bao gồm chủ thể và chủ quản về: nhân sự - đào tạo – tài chính – tuyển sinh….

Bộ Giáo dục & Đào tạo đang trở nên quá tải về công tác quản lý, thì tốt nhất nên tái lập bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp. Nhưng bộ này cũng chỉ quản lý về chiến lược, còn chiến thuật phải để cho các trường tự chủ.

- Chủ đề lớn nhất đang tạo sự quan tâm cho toàn xã hội là việc tuyển sinh của các trường Đại học – Cao đẳng – Trung cấp, đây thuần nhất là mối quan hệ giữa người đi học và trường dạy. 

Hàng triệu con người được cung ứng bởi các nhà trường phổ thông, sẽ qua trường lớp đào tạo để tham gia vào lực lượng lao động mới của xã hội, như đám đông rời khỏi vận động trường sau trận bóng đá. Phải để cho họ quyền và trách nhiệm bản thân trong việc chọn hướng đi của mình. 

Mỗi trường học cần có quy cách riêng để chọn người học, không khuyến khích việc trường nào cũng tổ chức thi tuyển, nhưng không ngăn trở những trường đặc thù phải thi tuyển khắt khe. Tìm trường dạy, chọn ngành học tất nhiên phải hao tốn tâm trí và tiền của cá nhân. 

Không nên nhân danh sự tiết kiệm để đưa trường học đến tận sân nhà người học, đẩy trường học vào cơ chế hoạt động như doanh nghiệp sản xuất nhằm giải quyết thu nhập của lực lượng giảng viên là chủ đạo.

Tóm lại tách bạch hệ giáo dục phổ thông và sau trung học thực sự cần thiết trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia. Sự minh định : Chức năng – nhiệm vụ - quyền lợi – trách nhiệm của mỗi bộ phận giáo dục sẽ tạo ra môi trường hoạt động lành mạnh. Đành rằng hệ thống giáo dục quốc dân như đoàn tàu, mỗi toa có thứ hạng và công năng riêng kéo nhau trên hành trình chứ không chồng lấn lên nhau.

Trở lại với kỳ thi quốc gia dự kiến: Không thể nâng tầm giá trị kỳ thi và tạo niềm tin cho các trường đại học bằng cách phân công người dạy đại học đi coi thi và chấm bài thi thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông !!!

Bài viết này thể hiện quan điểm, góc nhìn của thầy giáo Tạ Quang Sum, giáo viên Trung học cao cấp, Nguyên hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, Cam Ranh, Khánh Hòa.

TẠ QUANG SUM