Kỷ niệm chương "3 không" và sự hờ hững của giáo viên

07/04/2021 06:30
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhận bằng kỷ niệm chương mà vật chất, thành tích không có, cũng không có thêm quyền lợi gì, nên giáo viên thường thờ ơ cũng là lẽ thường tình.

Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” là một hình thức ghi nhận công lao đối với những nhà giáo, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng một lần cho cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thukyluat.vn.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thukyluat.vn.

Nói kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì lẽ ra đây sẽ là niềm vinh hạnh tự hào cho những ai được công nhận.

Người ngoài ngành nghe cụm từ kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” đôi khi cũng nghĩ to lớn, vĩ đại và đáng ngưỡng mộ lắm. Tuy nhiên theo quan sát của người viết cũng là một nhà giáo đang đứng lớp, trong thực tế nhiều giáo viên chẳng mặn mà gì khi được yêu cầu làm hồ sơ để được nhận kỷ niệm chương.

Vì sao lại thế? Vì cách người ta đang đối xử với danh hiệu này không đúng với tên gọi .

3 không cho kỷ niệm chương

Không phần thưởng, không làm lễ trao nhận, không ghi nhận thành tích cho người nhận kỷ niệm chương sau khi đã đạt đầy đủ quy định và bỏ thời gian, công sức làm hồ sơ cho việc xét duyệt.

Khi được công nhận, giáo viên sẽ nhận về một tờ giấy ghi “Bằng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục”.

Nếu như nhiều năm về trước, nhận kèm bằng kỷ niệm chương là 200 ngàn đồng, số tiền quá nhỏ thì dăm năm trở lại đây số tiền thưởng nhỏ nhoi ấy cũng không còn.

Chỉ còn một tờ giấy chứng nhận be bé màu đỏ ghi dòng chữ Bằng vì sự nghiệp giáo dục cùng một chiếc huy hiệu.

Bằng kỷ niệm chương này, cũng được ngành giáo dục trao một cách đặc biệt. Có trường, văn thư qua phòng giáo dục lấy bằng kỷ niệm chương về đưa cho giáo viên ở bất cứ nơi nào gặp trong trường.

Có trường, chủ tịch công đoàn nhận tấm bằng và huy hiệu về để trong văn phòng. Chủ tịch công đoàn thông báo bằng miệng kiểu “có bằng công nhận vì sự nghiệp giáo dục rồi, đang để trong phòng khi nào rảnh thì các thầy cô lấy đem về”.

Nếu chỉ là hình thức, có nên duy trì việc xét kỷ niệm chương?

Nói về bằng kỷ niệm chương nhiều nhà giáo đều có chung một cách nói: đến hẹn lại lên chứ có gì đâu.

Đến hẹn lại lên được hiểu là giáo viên có thời gian công tác trong ngành giáo dục đủ 20 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Có thể vì những quy định thế này gần như ai đi dạy đến 20 năm hoặc gần 20 năm (có quy đổi số năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua nếu có) cũng đều được nhận kỷ niệm chương.

Nhận bằng kỷ niệm chương cũng không có thêm quyền lợi gì, vật chất không có, thành tích cũng không nên giáo viên thường thờ ơ cũng là lẽ thường tình.

Có thầy cô nói rằng không muốn nhận vì cũng chẳng được gì, đã thế còn mất công làm hồ sơ để nộp.

Nhưng chỉ khen mà không thưởng, cùng với cách trao kỷ niệm chương như chúng tôi đã phản ánh đã làm nhiều thầy cô không thấy hào hứng, không thấy vinh dự và tự hào.

Không ít giáo viên tới kỳ làm hồ sơ đề nghị xét tặng kỷ niệm chương mà nhà trường nhắc nhiều lần nhưng vẫn cương quyết không chịu làm.

Nhận bằng kỷ niệm chương - hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong tâm thế miễn cưỡng, bắt buộc. Vậy, có nên duy trì hình thức khen thưởng kiểu này không?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên