Kỷ luật tích cực không phải là buông thả học sinh

04/01/2021 06:38
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mình phải có sự độ lượng khi học sinh đã nhận ra cái sai, các con được giãi bày, giải tỏa tâm lý, thấy được sự độ lượng từ giáo viên các em sẽ độ lượng với bạn.

“Đang giảng bài, tôi nghe phía sau có tiếng vỡ rất to của một vật gì đó, quay lại tôi nhìn thấy có một học sinh nam đang cầm thước kẻ như sắp đánh một bạn khác trong lớp.

Tôi bước đến cầm tay em đang cầm thước kẻ và hỏi: Có chuyện gì vậy con? Bạn đó trả lời rằng bạn kia trêu con quá đáng, con đã nhịn mãi rồi nhưng không chịu được nên đã bức xúc đập vỡ hộp bút của bạn kia.

Tôi nói: Bài học hôm nay rất dài nhưng có lẽ trong lúc này bài học làm người cô thấy cần thiết hơn, vậy nên cô muốn hai con giải thích sự việc này. Sau khi giải thích và được tôi khuyên nhủ, cả hai con đã làm lành với nhau và hứa sẽ không tiếp diễn như vậy nữa.

Tôi phân tích để cả hai nhận thấy những điều chưa được khi có những hành động không hay, bạn kia trêu trọc bạn là sai, cần phải rút kinh nghiệm. Còn việc đập vỡ hộp bút của bạn, cái sai đó thuộc về con nên con phải giúp bạn sửa lại hộp bút.

Nếu trong sự việc này tôi xử lý bằng cách đuổi cả hai con ra khỏi lớp, đưa lên ban giám hiệu viết kiểm điểm hoặc thi hành kỷ luật…thì chỉ làm cho sự thù hằn khắc sâu hơn mà thôi, có thể các con ra ngoài cổng trường lại vẫn xô xát.

Mình cần phải có sự độ lượng khi học sinh đã nhận ra cái sai, các con được giãi bày, giải tỏa tâm lý cũng như thấy được sự độ lượng từ giáo viên trước những lỗi mà các em mắc phải thì các em cũng sẽ độ lượng với bạn. Đó mới là kỷ luật tích cực”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nghiêm Thị Thu Trang – Tổ trưởng tổ bộ môn Giáo dục công dân của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội đã chia sẻ.

Cô Trang cho biết: "Vẫn phải phạt nhưng trên tinh thần để các con hiểu, nhận ra và tự chịu trách nhiệm, chứ không nên để các con ấm ức không hiểu tại sao mọi người lại đối xử với mình như vậy? Thời gian và tuổi thanh xuân của các con còn rất dài, vậy nên không có gì là quá muộn”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Trang cho biết: "Vẫn phải phạt nhưng trên tinh thần để các con hiểu, nhận ra và tự chịu trách nhiệm, chứ không nên để các con ấm ức không hiểu tại sao mọi người lại đối xử với mình như vậy? Thời gian và tuổi thanh xuân của các con còn rất dài, vậy nên không có gì là quá muộn”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Luôn dạy học sinh kiểm soát cảm xúc

Cô Trang cho biết: “Tất cả các môn học đều dạy học sinh nên người, nhưng với môn Giáo dục công dân thì gần gũi và đặc biệt hơn. Ngoài các chương trình trong sách giáo khoa, chúng tôi còn lồng ghép rất nhiều các tiết dạy ngoại khóa.

Chủ đề ngoại khóa rất phong phú với nhiều nội dung, từ việc dạy học sinh ứng phó với các tình huống nguy hiểm như khi phát hiện có kẻ trộm vào nhà, bị kẹt trong thang máy, bị cướp giật, hỏa hoạn…Cùng nhiều kỹ năng mà mọi công dân đều cần phải biết.

Kỹ năng kiểm soát cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc, quản lý thời gian, giải quyết các tình huống cụ thể. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc được chúng tôi rất chú trọng vì khi cảm xúc của con người không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả tiêu cực.

Để chuẩn bị cho bài dạy này có rất nhiều hoạt động, trò chơi trải nghiệm đơn giản, từ đó học sinh rút ra được những bài học. Ví dụ trò chơi thổi bóng rất vui và em nào cũng thích.

Quả bóng được học sinh thổi lên, lớn lên giống như cảm xúc của con người, nhưng một khi cảm xúc đó được thổi lên quá đà thì quả bóng sẽ vỡ và khi quả bóng bị vỡ sẽ làm người khác sợ, thậm chí xác bóng sẽ làm tổn thương người xung quanh và có thể mình cũng bị thương.

Đó là bài học kiểm soát cảm xúc, nếu không kiểm soát được thì tự mình làm đau mình, đau người xung quanh, vậy tại sao mình phải làm như thế?

Trò chơi trải nghiệm chuyền quả táo, các em hãy suy nghĩ tích cực nhất truyền một lời yêu thương với một ai đó đồng thời nhìn vào quả táo rồi di chuyển đến hết lớp. Kết thúc trò chơi quả táo vẫn nguyên vẹn đẹp đẽ.

Nhưng ngược lại nếu các con nghĩ đến lúc tức giận nhất, hãy nói một câu để hết tức giận và hãy nói với quả táo, hành động với nó và mỗi học sinh thể hiện một kiểu.

Có con sau khi nói lời tức giận đã cắn một miếng quả táo, có con lại đâm cây bút vào, có con đập vỡ quả táo và cho đến cuối lớp thì quả táo không còn nguyên vẹn nữa.

Sự giập nát tổn thương đã không thể lấy lại được, nó giống như việc các con tức giận và trút giận vào ai đó, mình cảm thấy hả dạ lúc đó nhưng sẽ ân hận sau này, sẽ làm tổn thương người khác mãi mãi và đôi khi không thể trở lại như ban đầu. Đó cũng là cách mà tôi thường dạy học sinh”.

Cô giáo Trang và các em học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô giáo Trang và các em học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Có trường chưa coi trọng môn Giáo dục công dân

Với quan điểm cá nhân, cô Trang nói: “Môi trường tôi đang công tác rất chú trọng, coi trọng môn Giáo dục công dân nhưng không phải trường nào cũng như vậy.

Tôi đã có thời gian giảng dạy ở một số môi trường khác và nhận thấy họ đã có chú trọng hơn ngày xưa vì ba năm gần đây môn này được đưa vào thi trung học phổ thông quốc gia và năm ngoái là thi tốt nghiệp.

Tất nhiên là có coi trọng hơn nhưng nếu để nói được chú trọng thật sự thì chưa phải trường nào cũng vậy, họ chưa có những tiết tăng cường ngoại khóa và chưa tạo điều kiện thực sự cho môn Giáo dục công dân.

Đa số là không có nhiều thời gian nên chỉ tập chung vào các chủ đề trong chương trình sách giáo khoa, và ở đâu đó cũng có lồng ghép nhưng do không có tiết tăng cường nên không tổ chức được thành các chủ đề riêng như chúng tôi.

Môn Giáo dục công dân được nhà trường chúng tôi triển khai dạy kỹ hơn, mổ xẻ các khía cạnh của vấn đề giúp học sinh hiểu được cặn kẽ từng nguyên nhân và nguồn gốc của hành vi, mọi vấn đề trong cuộc sống”.

Cô Trang chia sẻ thêm: “Hiện tượng học sinh đánh nhau, bạo lực học đường như hiện nay thì nguyên nhân đến từ nhiều hướng, không phải từ mỗi nhà trường mà còn từ gia đình, xã hội…

Ngoài xã hội các con được tiếp cận với nhiều kênh thông tin, game bạo lực, còn ở gia đình đôi khi cha mẹ ít có thời gian quan tâm đến con hoặc do hoàn cảnh gia đình khiến cho trẻ thường xuyên chứng kiến bạo lực thì cũng làm cho trẻ gia tăng xu hướng bạo lực với người khác.

Cũng có một phần trách nhiệm từ phía nhà trường, từ các cấp quản lý, từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn…không nắm bắt được diễn biến tâm lý hoặc xích mích mâu thuẫn của các con dẫn đến việc gây gổ.

Nếu chúng ta chỉ hô hào chung chung thì không bao giờ có được hiệu quả mà cần lắm sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Khi một học sinh đánh nhau với bạn thì giáo viên không thể mắng, lăng mạ, làm nhục hoặc đánh con.

Cũng không thể gọi phụ huynh các con đến để mách, trách móc, đổ lỗi…dẫn đến việc phụ huynh bực mình về nhà lại đánh mắng các con. Giáo dục ở đây quan trọng nhất là sự kết hợp, lắng nghe tích cực rằng tại sao điều này lại xảy ra?

Khi thầy cô lắng nghe tích cực, cha mẹ cũng vậy và các con được trải lòng thì tất cả sẽ hiểu được nguyên nhân tại sao lại dẫn đến điều đó. Khi biết được nguyên nhân các con đã làm sai thì các con phải tự nhận ra, tự chịu trách nhiệm.

Khi đã hiểu cái sai của mình con phải chịu phạt nhưng trên tinh thần con hiểu và tự nguyện, chứ không phải bị phạt mà ấm ức, tức giận thì chỉ tăng thêm lòng thù hận trong con trẻ”.

Kỷ luật tích cực có dạy con trẻ thành người?

Theo cô Trang: “Kỷ luật hà khắc chỉ đem lại hậu quả tức thời ngay lúc đó khiến cho con sợ, con chấm dứt nhưng nếu mãi như vậy sẽ không có hiệu quả đối với học sinh.

Tôi ủng hộ kỷ luật tích cực, kỷ luật tích cực là liều thuốc hạn chế bạo lực học đường. ​Khác với kỷ luật hà khắc, kỷ luật tích cực cần nhiều thời gian, sự kiên trì, sự khoan dung, tình yêu và tâm huyết của giáo viên và cả của gia đình, xã hội.

​Nếu kỷ luật hà khắc sử dụng cách trừng phạt, cấm tuyệt đối, làm tổn thương học sinh với các cách như: Đánh, véo tai, bắt học sinh quỳ, bắt úp mặt vào tường, lăng mạ, sỉ nhục, bêu rếu... với mong muốn học sinh sợ và thay đổi. Thì thực tế nó chỉ đem lại hiệu quả trước mắt, còn về lâu dài nó không có tác dụng giáo dục học sinh, thậm chí nó tạo ra cảm xúc chán nản, tự ti, sự căm ghét và lòng thù hận.

​Kỷ luật tích cực không phải là sự buông thả để cho học sinh muốn làm gì thì làm, mà kỷ luật tích cực hướng đến sự tôn trọng học sinh, giáo dục học sinh biết cách tự chịu trách nhiệm, biết cách giải quyết tình huống, cư xử nhã nhặn, không bạo lực.

Học sinh sẽ tự nhận ra đâu là điều nên làm, từ đó thay đổi bản thân, biết cách chuyển hoá cảm xúc, sống hài hoà với mọi người xung quanh. ​Ở lứa tuổi học sinh, với sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi, việc mắc sai lầm là một lẽ tự nhiên, quan trọng là giáo viên phải giúp cho học sinh nhận ra sai lầm ấy và cho học sinh cơ hội để sửa sai.

Bản thân giáo viên cũng phải là tấm gương, luôn nhẫn nại, khoan dung với học sinh “Nếu sống với chỉ trích, em biết cách chê bai. Nếu sống với thù hận, em biết cách gây gổ. Nếu sống trong bao dung, em học lòng kiên nhẫn. Nếu sống trong khích lệ, em có lòng tự tin... Nếu trẻ lớn lên với sự đón nhận và tình yêu thương, em sẽ tìm thấy tình yêu thương trong đời”.

Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Trang nói: “Trước đây kỷ luật hà khắc đã có thời gian tồn tại khá dài trong nhiều nhà trường nên đã tạo ra một quan điểm, một thói quen trong giáo dục.

Để thay đổi thói quen đã tồn tại trong suốt một thời gian dài như vậy thì không thể một sớm một chiều được, cần phải có thời gian để giáo viên nói riêng và cả xã hội nói chung thích nghi, làm quen dần với kỷ luật tích cực.

Khi tất cả mọi người đều nhận ra những hành động tích cực của mình, cách mình kỷ luật tích cực học sinh đem lại tác dụng, lúc này thầy cô thấy phù hợp và sẽ ủng hộ kỷ luật tích cực.

Bản thân ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên nơi tôi công tác đã ủng hộ và áp dụng kỷ luật tích cực từ nhiều năm nay rồi, đi cùng với nó là những kiến thức được lồng ghép, nhiều kỹ năng kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc, và tác dụng của nó đem lại vô cùng lớn, nhất là trong một xã hội nhiều biến động phát triển như hiện nay”.

Cô Trang nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi thì không bao giờ là quá muộn, chỉ cần cho các con một con đường, những việc con đã làm sai con phải chịu trách nhiệm.

Trong một số trường hợp các con đi quá giới hạn và sự việc đã xảy ra rồi thì các con vẫn phải chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, với những việc con đã gây ra và hậu quả đến đâu, mức độ đến đâu các con vẫn cần phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhưng không ai được đánh, lăng mạ, mắng nhiếc đẩy con vào đường cùng mà hãy phân tích cho con hiểu sự việc đúng, sai ở đâu, tại sao con làm như vậy. Một khi con sai thì con cần phải nhận ra để thay đổi và không bao giờ là quá muộn.

Thậm chí việc đình chỉ học tập trong một thời gian cũng là cần thiết, việc đó sẽ giúp con có thời gian bình tâm nhìn lại bản thân, có thời gian suy nghĩ về những việc mình đã gây ra để thay đổi.

Vẫn phải phạt nhưng trên tinh thần để các con hiểu, nhận ra và tự chịu trách nhiệm, chứ không nên để các con ấm ức không hiểu tại sao mọi người lại đối xử với mình như vậy? Thời gian và tuổi thanh xuân của các con còn rất dài, vậy nên không có gì là quá muộn”.

Tùng Dương