Kinh nghiệm, biện pháp giáo dục, xử lý học sinh đánh nhau

29/05/2015 06:58
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Không chỉ có Việt Nam ta, nhiều nước phát triển, có nền giáo dục tiên tiến, hiện nay cũng đang “đau đầu” về tình trạng bạo lực học đường gia tăng.

LTS: Mấy hôm nay, vấn đề bạo lực học đường và nguyên nhân của nó được các thầy cô giáo bàn bạc rất sôi nổi.

Nhiều góp ý đã được gửi đến Tòa soạn, và một trong đó là của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, một tác giả quen thuộc trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thời gian qua, trên mạng, có không ít Clip quay cảnh học sinh bị đám bạn đánh hội đồng rất dã man ngay trong trường, giữa ban ngày, không ai căn ngăn, nạn nhân không trình thưa với nhà trường, phụ huynh, thầy, cô giáo chẳng hề hay biết, khiến dư luận xã hội dấy lên lo lắng về tình trạng bạo lực học đường cùng với những hệ lụy của nó.

Các nguyên nhân gây nên vấn nạn này đã từng được các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý phân tích, mổ xẻ nhiều, trong đó có các yếu tố chính như: xã hội, gia đình, nhà trường.

Không chỉ có Việt Nam ta, nhiều nước phát triển, có nền giáo dục tiên tiến, hiện nay cũng đang “ đau đầu” về tình trạng bạo lực học đường gia tăng.

Vậy đâu là những cách thức, biện pháp được xem là khả thi để giải quyết tốt nạn bạo lực học đường? Sau đây là những ý kiến, chia sẻ tâm huyết của những người trong cuộc, từng xử lý nhiều vụ việc học sinh cá biệt, gây gổ đánh nhau.

Thầy Lê Văn Quyền, tổ giám thị trường THCS Nguyễn Chánh, huyện Sơn Tịnh ( Quảng Ngãi) nêu kinh nghiệm: "Dưới tác động ảnh hưởng tiêu cực của xã hội, phim ảnh bạo lực, game online hiện nay, cộng với hiểu biết, nhân cách chưa hoàn chỉnh; bản tính nông nổi, thiếu kìm chế khi bốc đồng, có những mâu thuẫn, ngờ vực… ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh phổ thông thì hiện tượng học sinh gây gổ đánh nhau…  không thể tránh khỏi.

Kinh nghiệm, biện pháp giáo dục, xử lý học sinh đánh nhau ảnh 1

Quan điểm về "bạo lực học đường " của bạn sẽ thay đổi sau khi đọc bài này

(GDVN) - Không chỉ những học sinh trong trường mới sợ những đại ca học đường mà ngay chính các thầy cô giáo, cũng rất sợ những “đại ca” của lớp, của trường.

Vấn đề đặt ra là cách giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu của chúng ta như thế nào, đến đâu? Bằng kinh nghiệm thực tiễn của tôi thì công tác ngăn ngừa, phối hợp giữa các thành tố trong nhà trường, nhất là tổ giám thị và giáo viên chủ nhiệm, sự liên lạc, phối hợp giữa nhà trường và gia đình, phụ huynh là rất quan trọng.

Mỗi lớp, chúng tôi có cài cắm những học sinh “ mật”, các em này có nhiệm vụ nghe ngóng, nắm bắt và phản ánh nhà trường về những trường hợp học sinh trộm cắp, đánh nhau…Tổ giám thị, bảo vệ… tích cực đi dạo xung quanh trường, nơi hàng quán, nhà dân, thời điểm tan trường…

Đã từng nắm bắt và “phá” được nhiều vụ học sinh trong trường, liên kết với thanh niên bên ngoài chuẩn bị hung khí, tổ chức đánh nhau tập thể. Ngăn chặn từ xa, triệt phá những vụ việc chưa xảy ra trong học sinh, góp phần giảm thiểu đáng kể tác động xấu của nạn bạo lực học đường.”

Thầy Nguyễn Văn Luận, trưởng ban Quản sinh, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ( thành phố Quảng Ngãi) cho biết: "Tôi có 15 năm làm công việc quản sinh, đã giải quyết hàng trăm vụ học sinh mâu thuẫn, xích mích dẫn đến đánh nhau, có trường hợp gây thương tích vỡ đầu, chảy máu.

Lý thuyết, văn bản thì dễ lắm, nhưng đi vào thực tế xử lý thì lại vô cùng khó khăn, vì tính phức tạp của nó, nhiều khi căng đầu, tốn khá nhiều thời gian để xác minh, tìm hiểu. Khi xảy ra sự việc, một số em có liên quan, rất  ngoan cố, quanh co ( vì nhiều lý do), chối tội. Chúng tôi kiên trì khai thác, đấu tranh bằng nhiều biện pháp khác nhau, mời phụ huynh đến cùng giải quyết, có trách nhiệm.

Phân tích hành vi đúng sai, phải trái để học sinh, phụ huynh nhận ra lỗi lầm và trách nhiệm của mình. Có ngay hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm, thông báo ở lớp hay toàn trường. Nhờ giải quyết, xử lý kịp thời, kiên quyết nên vấn nạn bạo lực trong học sinh trường mấy năm nay đỡ đi nhiều.”

Thầy Trần Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Xiện ( tỉnh Kiên Giang) cho rằng: "Nói thật, hiện tượng học sinh bạo lực, đánh nhau ở đâu, trường nào chẳng có, chỉ có điều ít hay nhiều, đơn giản hay nghiêm trọng mà thôi. Chúng ta chấp nhận thực tế này và trách nhiệm thuộc về 4 phía: xã hội, nhà trường, gia đình và bản thân học sinh.

Cái tâm lý im lặng, giấu diếm, nhút nhát, ngại đấu tranh, không dám bộc bạch, bày tỏ chính kiến ở một bộ phận xã hội, trong đó có học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo…tồn tại lâu nay đã dung dưỡng, chở che cho những hành vi bạo lực, thói xấu phát triển, trội dậy.

Kinh nghiệm, biện pháp giáo dục, xử lý học sinh đánh nhau ảnh 2

Cách chức hiệu trưởng có làm giảm bạo lực học đường?

(GDVN) - Để giảm bạo lực học đường cần có sự chung tay của toàn xã hội chứ cách chức ban giám hiệu, kỷ luật thầy cô giáo đôi khi cũng chẳng cải thiện được gì.

Trong tiết chào cờ, hoạt động ngoại khóa, nhà trường chúng tôi quan tâm, đề cập nhiều về khía cạnh này, những em mạnh dạn “ tố giác” chúng tôi khen thưởng, những thầy cô giải quyết học sinh cá biệt, những vụ  học sinh đánh nhau chưa tốt, chúng tôi phê bình. Mọi sự vụ đều công khai rộng rãi, không giấu diếm, không vì thành tích này nọ.

Nếu giáo dục, uốn nắn không tiến bộ, thay đổi thì chúng ta cũng nên mạnh dạn kỷ luật học sinh bằng hình thức buộc thôi học có thời hạn từ 1 tuần đến 1 năm, như vậy sức răn đe, trách nhiệm của học sinh, gia đình sẽ cao hơn. Đừng nhu mỳ, yếu đuối quá, học sinh cá biệt được lừng, dễ lờn mặt. Giáo dục luôn gắn với chế tài và kỷ luật”.

​Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan nghênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn. 
Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi. 
Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền. Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành. 
Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

Tòa soạn trân trọng cảm ơn!

ĐỖ TẤN NGỌC