Kiến thức tiếng Việt lớp 6 rất nặng, chưa học bò đã lo học chạy

13/01/2022 06:49
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kiến thức tiếng Việt trong sách Ngữ văn 6 bỏ qua lý thuyết, thực hành ngay khiến thầy trò gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình dạy và học.

Gần hết học kì 1 năm học 2021-2022, nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với tôi rằng, kiến thức tiếng Việt môn Ngữ văn 6 – bộ Chân trời sáng tạo, tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam làm Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, rất hàn lâm, học sinh khó hiểu.

Chưa học bò đã lo học chạy

Có lẽ, các tác giả sách giáo khoa nghĩ rằng, học sinh 12 tuổi là những thiên tài ngôn ngữ học nên tất các các bài tiếng Việt đều không dạy lí thuyết mà đi vào thực hành ngay. Sách Ngữ văn 6 (tập 1) có một số bài Thực hành tiếng Việt như sau:

Bài Thực hành tiếng Việt (trang 27) yêu cầu học sinh phải nhận diện được: từ đơn, từ phức; từ ghép, từ láy; thành ngữ. Trong đó có một số bài tập, theo ý kiến cá nhân tôi, đến giáo viên còn thấy khó, nói gì học sinh lớp 6.

Ví dụ: Đặt một câu miêu tả khí thế chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn có dùng thành ngữ “chết như rạ” (bài tập 8, trang 28).

Yêu cầu học sinh đặt câu có sử dụng thành ngữ “chết như rạ” thì phải chú thích nghĩa của từ “rạ”. Học sinh ở thành thị nhiều em còn chưa biết “rạ” là gì thì làm sao có thể đặt câu? (Tôi đã kiểm chứng học sinh cấp 3 ở Thành phố Hồ Chí Minh khi dạy bài “Vợ nhặt” – Kim Lân, có câu “người chết như ngả rạ…”)

Hơn nữa, người ta thường nói “chết như ngả rạ” để chỉ người chết hàng loạt, xác nằm ngổn ngang, la liệt khắp mặt đất, chứ hiếm khi hoặc không nói tỉnh lược “chết như rạ”.

Bài Thực hành tiếng Việt (trang 68) đề cập đến nghĩa của từ Hán Việt, biện pháp tu từ. Tôi đọc một số bài tập liên quan đến nghĩa của từ Hán Việt và biện pháp tu từ thì thấy thương cho học sinh phải học những phạm vi kiến thức quá tải thực sự. Chẳng hạn:

Đọc đoạn ca dao sau:

Phồn hoa thứ nhất Long Thành

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,

Bút hoa xin chép bài thơ lưu truyền.

a. Từ “phồn hoa” trong dòng thơ thứ nhất nên được hiểu như thế nào? Liệu có thể thay từ “phồn hoa” bằng từ “phồn vinh” được hay không? Hãy lí giải.

b. Tìm và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu “Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” (bài tập 1, trang 67, 68).

Muốn học sinh hiểu nghĩa của từ “phồn hoa”, “phồn vinh” thì giáo viên phải giải nghĩa của từ chứ sao lại hỏi từ “phồn hoa” trong dòng thơ thứ nhất ( Phồn hoa thứ nhất Long Thành) nên được hiểu như thế nào?

Học sinh rất khó trả lời, liệu có thể thay từ “phồn hoa” bằng từ “phồn vinh” được hay không, bởi trong suy nghĩ của của các em “phồn hoa” và “phồn vinh” cũng na ná nhau, đều chỉ sự phát triển, giàu có. Chỉ có cách tra từ điển mới biết chính xác nghĩa của từ để phân biệt.

Bên cạnh đó, học sinh làm sao hiểu được câu thơ “Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”, chỉ cảnh buôn bán tấp nập, giàu có của mảnh đất kinh thành xưa mà chọn từ cho đúng (phồn hoa)?. Bởi “mắc cửi” có nghĩa là mắc sợi trên khung cửi, bao nhiêu học sinh 12 tuổi biết khung cửi là gì để từ đó suy ra nghĩa của từ?

Ngoài ra, tôi cũng dám chắc nhiều thầy cô còn cảm thấy bối rối với câu hỏi, tìm và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu “Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” (đáp án trong sách tham khảo: biện pháp tu từ so sánh “phố” – “mắc cửi”, “đường” – “bàn cờ”, giúp người đọc hình dung được tính chất sầm uất, đông vui của phố thị).

Với học sinh lớp 6, cần đưa những ví dụ gần gũi, thiết thực giúp các em hiểu được biện pháp tu từ so sánh, chẳng hạn:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (Ca dao)

Ta thấy, “công cha” (A) được so sánh với “núi Thái Sơn” (B); “nghĩa mẹ” (A) – “nước trong nguồn” (B), để nói rằng, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ thật lớn lao vĩ đại.

Bài Thực hành tiếng Việt (trang 121) yêu cầu học sinh nhận diện biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ. Tôi khẳng định, một số bài tập quá tầm hiểu biết của học sinh, có thể liệt kê như sau:

Hãy xác định biện pháp tu từ trong các câu văn dưới đây và cho biết dựa vào đâu để xác định như vậy:

a. Cả làng xóm hình như (…) cùng thức với giời, với đất.

b. Sau nhà có hai đõ ong “sây” lắm.

c. Thời đó đường Bờ Sông chỉ trải đá, chưa tráng nhựa, chiều hè gió ngoài sông thổi vào, bụi mù, thành phố phải dùng những xe bò kéo chở nước đi tưới.

d. Mùa đông, tôi không ra đường chơi được thì ở nhà đọc truyện Tàu cho cả nhà trong (…), nhà ngoài (…) nghe, hết một cuốn thì cầm hai xu chạy vù lại hiệu Cát Thành đầu phố hàng Gai đổi cuốn khác (bài tập 3).

Đáp án (sách tham khảo), dựa vào nội dung câu có thể xác định phép hoán dụ như sau:

a. cả làng xóm (lấy vật chứa để gợi vật được chứa), chỉ người trong xóm.

b. đõ ong (lấy vật chứa để gợi vật được chứa), chỉ những con ong trong đõ.

c. thành phố (lấy vật chứa để gợi vật được chứa), chỉ người dân sống trong thành phố.

d. nhà trong, nhà ngoài (lấy vật chứa để gợi vật được chứa), chỉ những thân sống ở nhà trong và nhà ngoài.

Nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn cấp 2, cấp 3 thừa nhận với tôi rằng, chính thầy cô cũng không thể giải được hết các câu của bài tập 3. Và tôi cũng không biết các nhà biên soạn sách dạy cho học sinh lớp 6 những kiến thức như thế này để làm gì?

Tôi khẳng định, kiến thức về tu từ gây khó không những cho học sinh mà còn cả giáo viên. Trên một số diễn đàn của giáo viên dạy Ngữ văn, khi bàn về biện pháp tu từ thì nhiều lúc xảy ra những tranh cãi không hồi kết.

Dành nhiều thời gian đọc sách Ngữ văn 6 – chương trình mới, tôi thấy rằng, kiến thức các phân môn đều rất nặng so với lứa tuổi 12.

Tài liệu tham khảo:

https://hanhtrangso.nxbgd.vn/ebook/read/ngu-van-6-tap-mot-10785

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương