Kiến thức đâu thể ngày 1 ngày 2 "rơi rụng", giao bài Tết có làm cũng là đối phó

07/02/2021 06:20
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên và học sinh thể hiện sự đồng tình với công văn về việc "Nghỉ Tết không áp lực học tập” của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 26/1, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh khi nghỉ Tết Nguyên đán. Cụ thể, văn bản nêu rõ:

“Trong những năm qua, không ít phụ huynh phàn nàn về số lượng bài tập thầy cô yêu cầu học sinh phải hoàn thành trong thời gian nghỉ Tết quá nhiều; Để học sinh không suy nghĩ với số bài tập trong thời gian nghỉ Tết; Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Phòng Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các trường thuộc thẩm quyền quản lý một số nội dung như sau:

- Bắt đầu từ Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021 trở đi, giáo viên không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết;

- Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết, hãy để các em có khoảng thời gian nghỉ Tết được sum họp bên gia đình, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, đảm bảo an toàn sức khỏe.

- Giáo viên dặn dò học sinh và phối hợp với phụ huynh, đến khi chuẩn bị hết kỳ nghỉ Tết (còn khoảng 1-2 ngày) hãy cùng con ôn lại công thức, quy tắc trong sách giáo khoa và chuẩn bị bài kỹ trước khi đến lớp sau thời gian nghỉ Tết”.

Sau khi văn bản này được công bố, bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có không ít những ý kiến cho rằng vẫn phải giao bài tập về nhà dịp Tết cho học sinh.

Theo luồng quan điểm này, nếu không giao bài cho học sinh, ra Tết học sinh sẽ bị “rơi rụng” kiến thức.

Em Nguyễn Thùy Linh (ở giữa), học sinh lớp 11D3, Trường Trung học phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Em Nguyễn Thùy Linh (ở giữa), học sinh lớp 11D3, Trường Trung học phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 11D3, Trường Trung học phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn với văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Linh cho biết việc học là cả một quá trình, không thể vì mấy ngày Tết mà “rơi rụng” kiến thức được:

“Tết là dịp để nghỉ ngơi, thoải mái vui chơi bên bạn bè và gia đình, nếu thầy cô giao quá nhiều bài tập sẽ khiến chúng em bị áp lực, qua đó sẽ mất đi ý nghĩa của việc nghỉ Tết.

Dù biết giáo viên giao bài tập Tết là muốn học sinh không quá mải chơi mà quên mất kiến thức, nhưng học tập là cả năm, không vì mấy ngày nghỉ mà chúng em "rơi rụng" kiến thức”.

Đồng tình với quan điểm của Linh, em Vũ Trần Thảo Vân, học sinh lớp 11 Hóa, Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ:

“Năm trước, đúng hôm 30 Tết, gia đình em đang chuẩn bị ăn tất niên thì cô giáo giao bài tập vào trong nhóm của lớp. Để làm hết số bài tập đó em đã mất luôn 3 ngày Tết.

Thực tế làm bài tập dịp Tết gần như là "đối phó". Có nhiều bạn còn mượn vở bài tập của nhau để chép cho đầy đủ, làm đúng thông lệ cô giáo kiểm tra là "thoát nạn".

Thảo Vân cho rằng, thay vì giao những bài tập siêu hóc búa, giáo viên có thể thay bằng các bài tập trải nghiệm:

“Em thấy rằng việc các thầy cô giao bài tập tết về nhà cũng là có ý tốt cho chúng em, thế nhưng thay vì giao những bài siêu hóc búa, thầy cô có thể thay bằng những bài tập trải nghiệm như: Giúp đỡ ông bà, cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng thì sẽ ý nghĩa hơn”.

Trong khi học sinh muốn có kỳ nghỉ Tết không phải lo chuyện bài tập về nhà, thì giáo viên lại trăn trở nếu làm như vậy các em sẽ bị quên kiến thức, hay có tâm lý "ngại học" sau Tết.

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, cô Phạm Thái Lê, giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ:

“Sau nhiều lần "lì xì" học sinh bằng bài tập, tôi nghiệm ra rằng việc giao nhiều bài tập cũng không giúp học sinh giỏi lên. Học sinh phải làm bài tập trong tâm lý không thoải mái, không hứng thú thì cũng không có nhiều tác dụng, thậm chí là đối phó bằng nhiều hình thức như chép bài của nhau.

Vài năm trở lại đây tôi không giao bài tập Tết cho học sinh nữa, tôi chỉ yêu cầu các em về nhà vui Tết an toàn, lành mạnh, ngoan ngoãn và soạn bài kỹ trước khi đến lớp sau kỳ nghỉ là được. Quan điểm này của tôi nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh và học sinh”.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, 20 năm gắn bó với nghề, thầy chưa bao giờ giao bài tập Tết cho học sinh.

“Trong 20 năm làm thầy giáo, tôi chưa bao giờ giao bài tập Tết cho học sinh. Lý do là hiện nay việc học tập của học sinh Việt Nam khá căng thẳng. Ngoài học chính khóa, nhiều học sinh phải "chạy sô" học thêm.

Nếu trong kỳ nghỉ Tết, các em lại bị giao bài tập, căng thẳng càng bị đẩy lên cao. Kỳ nghỉ Tết nên để các em có thời gian giúp đỡ ba mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cũng là thời gian nghỉ ngơi. Quan trọng nhất là giáo viên tuyên truyền cho học sinh ăn Tết và vui Tết lành mạnh”, thầy Tùng nhấn mạnh.

Đình Hùng