Kiểm tra xếp loại tiếng Anh lớp 1 đúng hay sai, chuyên viên phòng giáo dục mổ xẻ

21/05/2021 06:42
Ngô Xuân Quang (Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn tiếng Anh lớp 1 (là môn học không bắt buộc) nên không có bài kiểm tra cuối kỳ I và cuối năm học.

Hiện nay một số trường tiểu học vẫn ra đề kiểm tra môn Tiếng Anh (tự chọn) cuối năm và xem đây là một môn học quy định để đánh giá và xếp loại cho học sinh lớp Một khiến một số giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh băn khoăn, thắc mắc.

Câu hỏi đặt ra là liệu học sinh có phải thực hiện bài kiểm tra định kỳ môn tự chọn hay không và môn tự chọn có tham gia vào việc tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục học sinh lớp Một tại thời điểm cuối năm học hay không?

Qua một năm học thực hiện Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là chuyên viên giáo dục tiểu học, chúng tôi đề xuất giải quyết hai vấn đề được đặt ra như sau:

1. Theo quy định tại Thông tư 32/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Đối với lớp Một gồm có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật) và Hoạt động trải nghiệm. Các môn tự chọn gồm: Ngoại ngữ 1 và Tiếng dân tộc thiểu số.

2. Theo ý b mục 1 Điều 7 của Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT: Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ có bài kiểm tra định kỳ;

Như vậy, môn tiếng Anh lớp 1 (là môn học không bắt buộc) nên không có bài kiểm tra cuối kỳ I và cuối năm học.

Học sinh lớp 1 (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Phan Tuyết)

Học sinh lớp 1 (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Phan Tuyết)

Do không có bài kiểm tra cuối năm học nên thực hiện đánh giá và nhận xét thường xuyên trong năm học với mục đích khuyến khích động viên học sinh, giúp phụ huynh biết mức độ học tập của môn học tự chọn của con em mình.

Việc đánh giá nhận xét này không tham gia vào đánh giá xếp loại chung học sinh lớp Một (vì nó là môn học tự chọn).

Có ý kiến cho rằng: Môn Tiếng Anh cũng giống như một số môn học ở lớp 1 khác (môn Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Giáo dục Thể chất) và Hoạt động trải nghiệm không có bài kiểm tra định kì nhưng vẫn được đánh giá xếp loại định kì (cuối học kì I và cuối năm), làm căn cứ để đánh giá kết quả giáo dục và xét khen thưởng cuối năm.

Điều đó có cho thấy không có sự khác biệt giữa môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Nghĩa là môn bắt buộc đồng nghĩa với môn tự chọn (môn học mà học sinh có thể không học).

Theo chúng tôi, việc đánh giá nhận xét thường xuyên của môn Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) không tham gia vào đánh giá xếp loại chung học sinh lớp Một bởi hai lý do:

1. Phụ lục 1 của Thông tư 27/TT-BGDĐT quy định Ngoại ngữ 1 là môn học được đánh giá bằng điểm số chứ không phải là môn học được đánh giá bằng nhận xét.

Việc tự ý chuyển đổi môn học được đánh giá bằng điểm số (do không có điểm vì là môn tự chọn ở lớp Một) sang môn học được đánh giá bằng nhận xét để tham gia vào việc đánh giá chung học sinh lớp Một cuối năm của một số giáo viên là không đúng tinh thần của Thông tư 27/TT-BGDĐT.

2. Ngày 04/3/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 681/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn tổ chức dạy học môn Tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2. Tuy nhiên, xét về thời gian và mức độ: Thông tư 27/TT-BGDĐT ban hành ngày 04/9/2020 có giá trị pháp lý cuối cùng để thực hiện việc kiểm tra và đánh giá học sinh tiểu học.

Những trích dẫn theo Thông tư 27/TT-BGDĐT và cách giải quyết như trên, chúng tôi hy vọng với các tình huống thực tiễn tại đơn vị sẽ giúp các giáo viên thực hiện việc đánh giá và xếp loại học sinh lớp Một năm học 2020 – 2021 và lớp Một, lớp Hai trong những năm học tiếp theo đúng tinh thần Thông tư 27/ TT-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Ngô Xuân Quang (Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước)