Kiểm tra "đầu vào" bất ngờ, chiêu trò ép học sinh chính khóa đến lò dạy thêm

06/10/2020 06:38
Kim Oanh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều đáng buồn là trong bức tranh dạy thêm hiện nay có những giáo viên đã dùng những chiêu trò để ép học sinh của mình đến nhà học thêm với mình.

Năm học 2020-2021 vẫn sẽ là một năm học khó khăn đối với ngành giáo dục bởi dịch bệnh covid-19 vẫn đang là nỗi lo thường trực cho mọi người trong bối cảnh hiện nay.

Vì thế, một số Sở Giáo dục trên cả nước đã ra công văn yêu cầu các nhà trường, giáo viên tạm dừng việc dạy thêm ở giai đoạn này nhưng rồi việc dạy thêm vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực thành thị.

Điều đáng buồn là trong bức tranh dạy thêm hiện nay có những giáo viên đã dùng những chiêu trò để ép học sinh của mình đến nhà học thêm với mình. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy không còn được vẹn nguyên trong mắt phụ huynh nữa.

Bức tranh dạy thêm hiện nay vẫn khá phức tạp (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Bức tranh dạy thêm hiện nay vẫn khá phức tạp (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Kiểm tra đầu năm không báo trước

Ngay đầu năm học này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Tại Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT cũng đã quy định rất rõ số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và chúng ta thấy số lượng bài kiểm tra đã giảm xuống rất nhiều so với trước đây.

Hơn nữa, việc kiểm tra dù là kiểm tra thường xuyên thì các tổ chuyên môn và trường học đều có lịch rất cụ thể về số lượng bài, thời gian kiểm tra.

Vậy nhưng, vẫn có những giáo viên cho học sinh kiểm tra thường xuyên (15 phút) ngay tuần học đầu tiên với lý do để nắm tình hình lớp học nhưng thực chất là để “hạ gục” học sinh của mình.

Một phụ huynh kể với chúng tôi chuyện cô giáo dạy Tiếng Anh cho học sinh kiểm tra 15 phút ngay tuần đầu tiên của năm học này.

Lúc đầu, chúng tôi không tin vì mới vào học thì kiểm tra cái gì. Tức thì, vị phụ huynh này chụp cho chúng tôi tin nhắn mà 2 phụ huynh đã nhắn cho nhau.

Được biết, cô giáo này “có tiếng” về chiêu trò trong việc dạy thêm.

Cứ đầu năm học là cô cho học sinh kiểm tra bất ngờ, không hẹn trước để học sinh bị điểm thấp. Khi học sinh bị điểm thấp thì cô giáo bắt đầu giới thiệu cơ sở dạy thêm của mình.

Học sinh mà không đi học thêm thì thường không thể hiểu được bài vì đến lớp phần nhiều là cô chỉ giảng qua loa sau đó gọi học sinh không học thêm lên làm bài tập...

Tin nhắn trao đổi giữa 2 vị phụ huynh về chiêu trò kiểm tra bất chợt "đầu vào" để ép học sinh đến lớp dạy thêm của một giáo viên tiếng Anh.

Tin nhắn trao đổi giữa 2 vị phụ huynh về chiêu trò kiểm tra bất chợt "đầu vào" để ép học sinh đến lớp dạy thêm của một giáo viên tiếng Anh.

Nhưng những em nào học thêm với cô giáo này thì ít bị cô giáo lớn tiếng trên lớp- dù cho việc làm bài tập trên lớp không tốt.

Thường thì điểm kiểm tra của những học sinh học thêm rất cao. Vì cô có thói quen là cho học sinh học thêm “làm nháp” bài kiểm tra trước khi “kiểm tra thật” ở trên lớp.

Vì thế, mỗi khi mà phụ huynh nghe con mình học với cô giáo này thì ai cũng ái ngại bởi cô quá xem trọng chuyện dạy thêm và hời hợt với việc dạy chính khóa trên lớp.

Giới hạn nội dung kiểm tra với học sinh học thêm nhưng không giới hạn với học sinh không học thêm

Không chỉ có chiêu trò kiểm tra bất thình lình để học sinh bị điểm thấp nhằm lôi kéo học sinh đi học thêm để “bổ sung kiến thức” mà có những giáo viên còn đối xử không phù hợp với những em không học thêm.

Đó là tình trạng khi kiểm tra thì thông thường giáo viên sẽ giới hạn một số đơn vị kiến thức trọng tâm đã học để học sinh học ôn tập bài trước khi kiểm tra. Nhưng, một số giáo viên đầu năm họ không làm như vậy.

Những thầy cô này chỉ nói là ngày nào đó kiểm tra nhưng không giới hạn kiến thức ôn tập. Trong khi, có những môn học nhiều tiết nên học sinh không thể nào ôn hết được. Vì thế, khi làm bài sẽ không tốt và dĩ nhiên là điểm kiểm tra sẽ thấp.

Trong khi đó, những em đi học thêm thì giáo viên lại giới hạn cụ thể bài nào, chương nào cho học sinh học. Vì vậy, khi kiểm tra thì những em đi học thêm với thầy cô sẽ được điểm cao hơn.

Những em bị điểm thấp sẽ là lý do để thầy cô nhắc nhở cần phải học thêm, nếu không học thêm thì sẽ không nắm được kiến thức và kết quả học tập sẽ thấp.

Nhiều phụ huynh dù không muốn cho con đi học thêm nhiều môn vì thấy con mình quá tải, hoặc là các thầy cô đang dạy con mình họ thấy không êm bằng những thầy cô khác.

Nhưng vì điểm số, vì sự yên ổn của con em mình trong lớp học mà họ đành phải ngậm ngùi để con đi học thêm với những giáo viên đang được phân công dạy chính khóa.

Méo mó hình ảnh người thầy vì dạy thêm học sinh chính khóa

Thực tế, có nhiều thầy cô dạy giỏi, họ mở lớp dạy thêm trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Trong những lớp dạy thêm của mình thì giáo viên không thu tiền những em học sinh khó khăn, thậm chí còn giúp đỡ thêm về vật chất cho học trò của mình.

Những thầy cô như vậy bao giờ cũng được học sinh kính trọng, phụ huynh mến phục. Nhất là những thầy cô đã khơi dậy lòng say mê học tập của học trò, giúp học trò tiến bộ và đỗ đạt cao.

Tuy nhiên, vẫn có những thầy cô dạy thêm không phải vì mình hay, mình giỏi mà là vì mình đang là giáo viên dạy chính khóa trên lớp và có một số chiêu trò để lôi kéo học trò đi học thêm.

Một số giáo viên quá xem trọng đồng tiền mà làm mất đi hình ảnh của người thầy. Chỉ tiếc, những trường hợp như vậy bây giờ không khó tìm trong các trường phổ thông…

Bao giờ chấm dứt được tình trạng dạy thêm, học thêm ở các trường phổ thông? Có thể không bao giờ chấm dứt được bởi ngoài lý do là chương trình, sác giáo khoa nặng kiến thức thì còn rất nhiều lý do khác nữa.

Những lý do này thì nhiều phụ huynh biết lắm nhưng rồi cũng đành phải gắng gượng cho con mình đến nhà thầy cô để học thêm dù trong lòng không hề muốn chút nào.

Kim Oanh