Kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học cần những cú hích mới

04/01/2021 06:38
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tính đến ngày 30/11/2020, hơn 50% các trường đại học Việt Nam đã kiểm định trường và khoảng 10% chương trình đào tạo đạt kiểm định chương trình.

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung nghiên cứu đối sánh kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng bên trong của Hoa Kỳ và Việt Nam. Bà đã có thẻ kiểm định viên vùng HLC- Hoa Kỳ.

Sau khi về nước, bà tiếp tục tham gia hội đồng tư vấn bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng quốc gia tư vấn các chính sách liên quan đến kiểm định chất lượng.

Để hiểu rõ hơn về vai trò của kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung.

Phóng viên: Được biết bà là chuyên gia về đảm bảo chất lượng, xin bà cho biết, để chuẩn bị kiểm định chương trình, điều gì quan trọng nhất đối với các trường?

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung: Kiểm định chất lượng là một trong các công cụ quản lý chất lượng được nhiều nước sử dụng. Kiểm định chất lượng ra đời lâu nhất ở Hoa Kỳ với lịch sử hơn trăm năm, sau đó được các nước châu Âu, châu Úc và châu Á thực hiện. Kiểm định được phân thành hai bậc: kiểm định trường đại học và kiểm định chương trình đào tạo.

Theo số liệu báo cáo của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đến ngày 30/11/2020, hơn 50% các trường đại học Việt Nam đã kiểm định trường và khoảng 10% chương trình đào tạo đạt kiểm định chương trình.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã quy định đối với một chương trình đào tạo khi mở mới:

Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của Luật này.

Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng

Điều này cho thấy kiểm định chương trình, điều quan trọng nhất không chỉ có giấy chứng nhận đạt được chuẩn các tiêu chí kiểm định chương trình mà quan trọng hơn là hỗ trợ các chương trình đào tạo liên tục cải tiến chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung nghiên cứu đối sánh kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng bên trong của Hoa Kỳ và Việt Nam. (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung nghiên cứu đối sánh kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng bên trong của Hoa Kỳ và Việt Nam. (ảnh: NVCC)

Trong khi đó, việc đánh giá, cải tiến chất lượng chương trình đào tạo là một thành tố trong chu trình phát triển chương trình đào tạo, gắn liền với quá trình đảm bảo chất lượng bên trong đối với chương trình đào tạo.

Vì vậy, để chuẩn bị cho kiểm định, điều quan trọng nhất là mỗi cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng cho mình một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong hiệu quả và bền vững để mỗi chương trình đào tạo của trường mình luôn được xây dựng và vận hành đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tại sao bà lại đề cập đến vấn đề đảm bảo chất lượng bên trong? Đảm bảo chất lượng bên trong nghĩa là gì, thưa bà?

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung: Nghiên cứu của tôi về kiểm định chất lượng cở sở giáo dục ở Hoa Kỳ và đối sánh với kiểm định chất lượng Việt Nam nhằm đưa ra những đề xuất cho kiểm định chất lượng Việt Nam, trong đó nghiên cứu sâu về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cho các chương trình đào tạo.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, để chuẩn bị được kiểm định thành công, các trường đại học phải xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong bền vững có cơ chế cải tiến liên tục hàng năm để minh bạch chất lượng cho các bên liên quan và sẵn sàng cho kiểm định định kỳ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng quy định "Hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học bao gồm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài thông qua cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học".

Do đó càng khẳng định để kiểm định, các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng và vận hành được hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cho các chương trình đào tạo để sẵn sàng kiểm định.

Tôi thường hay ví kiểm định như kiểm tra sức khỏe định kỳ và các cơ sở giáo dục là bệnh nhân đến khám. Nếu bệnh nhân ý thức được việc bảo vệ sức khỏe hàng ngày tốt ví dụ tập thể dục đều đặn mỗi ngày 30 phút thì ắt hẳn sẽ có cơ thể khỏe mạnh, lúc đi khám định kỳ sẽ yên tâm mình ít “bệnh” hơn.

Theo tôi, bảo đảm chất lượng bên trong chính là xây dựng quy trình từ việc đặt ra mục tiêu, lên phương án thực hiện, thu thập và phân tích số liệu để giám sát việc hiện và quan trọng nhất là các bên liên quan phải thảo luận, sử dụng các kết quả bảo đảm chất lượng để đưa ra các giải pháp cải tiến chất lượng liên tục.

Như vậy, đảm bảo chất lượng bên trong là rất quan trọng đối với chất lượng đào tạo. Bà có nhận định gì về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong để chuẩn bị cho kiểm định chương trình hiện nay?

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung: Trong thời gian về nước, tôi có cơ hội tham gia vào các nhóm nghiên cứu liên quan đến bảo đảm chất lượng bên trong do quỹ Nafosted tài trợ và tham gia nghiên cứu về việc thực hiện khung trình độ quốc gia, tôi nhận thấy các cơ sở giáo dục hiện nay chưa xây dựng được hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đồng bộ.

Do các hoạt động bảo đảm chất lượng đều để phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng, các trường đại học chỉ ưu tiên nguồn lực cho các chương trình được quy hoạch sẽ kiểm định trong tương lai nên việc quản lý chất lượng bên trong các chương trình đào tạo không đồng đều.

Một thực tế là các giảng viên và trưởng khoa có chương trình kiểm định thì được tập huấn và được cấp ngân sách để thực hiện thì hiểu biết về quy trình và nhận thức về cải tiến liên tục tốt hơn. Những chương trình chưa tham gia kiểm định thì hoàn toàn không biết về quy trình này.

Bà có thể cho biết kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cho các chương trình đào tạo?

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung: Quy trình xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cho các chương trình đào tạo Hoa Kỳ chịu một số tác động sau.

Thứ nhất, các chính sách nhằm bảo đảm chất lượng chương trình từ các Bộ giáo dục các Bang, chính sách minh bạch chất lượng thông qua việc hỗ trợ kinh phí ngân sách hàng năm dựa vào thành tích thực hiện (performance-based funding).

Thứ hai là các quy định từ các tổ chức kiểm định. Từ các yêu cầu về chính sách, các tổ chức kiểm định cập nhật và cụ thể hóa vào các tiêu chí kiểm định.

Ví dụ, Bộ Giáo dục cập nhật các tiêu chí về sự thành công của sinh viên không chỉ ở tỉ lệ tiếp tục học, tỉ lệ tốt nghiệp và tỉ lệ có việc làm mà còn yêu cầu minh bạch về việc trường đào tạo đạt được chuẩn đầu ra đã tuyên bố.

Ngay khi sinh viên tốt nghiệp, tổ chức kiểm định vùng hiệp hội đại học (Higher Learning Commission) đã có một tiêu chí 4B ghi rõ các yêu cầu về xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên nhằm cải tiến chất lượng đào tạo chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo.

Từ các quy định về chính sách và kiểm định, các trường đại học xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong thực hiện đồng bộ cho 150 chương trình đào tạo trong trường đại học.

Quy trình bao gồm từ xây dựng các kế hoạch thực hiện như các công việc phải làm, những thời hạn để thực hiện, sổ tay hướng dẫn và mẫu các báo cáo, đến quá trình thực hiện như tổ chức các lớp tập huấn hàng năm cho các trưởng khoa và giảng viên trong trường để thực hiện cũng như các hướng dẫn viết báo cáo trên hệ thống hàng năm.

Để quá trình thực hiện thành công, hội đồng bảo đảm chất lượng bên trong đóng vai trò quan trọng không chỉ tham mưu lãnh đạo các quy trình chính sách mà còn hỗ trợ quá trình đánh giá việc thực hiện quy trình như xây dựng công cụ để đánh giá quy trình, thực hiện đánh giá cung cấp các phản hồi cho các chương trình đào tạo, cung cấp báo cáo bảo đảm chất lượng cho nhà lãnh đạo để đưa ra các quyết định về chính sách nhà trường hay phân bổ tài chính và minh bạch thông tin trên các website của trường.

Quy trình này thực hiện hàng năm đã góp phần xây dựng được văn hóa bảo chất lượng, đặc biệt quy trình dần chuyển đổi từ tuân thủ theo các yêu cầu của các bên liên quan sang quy trình cải tiến liên tục và xây dựng văn hóa cải tiến dựa vào minh chứng.

Hệ thống bảo đảm chất lượng này yêu cầu tất cả các chương trình đào tạo dù có trong quy hoạch kiểm định hay không đều phải thực hiện quá trình rà soát và cải tiến nhằm nâng cao chất lượng quá trình đào tạo và học tập của sinh viên.

Theo bà, khó khăn nhất của việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong hiện nay ở các trường là gì? Để tháo gỡ các khó khăn này cho các trường, theo bà cần phải có giải pháp gì?

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung: Thứ nhất, khoảng 10% chương trình đào tạo đạt kiểm định cho thấy còn nhiều khó khăn cho việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cho tất cả các chương trình đào tạo hiện nay ở các trường.

Thứ hai, chúng ta đang thiếu một chính sách kích hoạt các trường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong bền vững để có tác động đến tất cả các chương trình đào tạo.

Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT có các yêu cầu quản lý về đầu vào và quy trình, có nhắc đến các yêu cầu về đầu ra nhưng để quản lý chất lượng việc thực hiện các chương trình đào tạo có hiệu quả hay không thì văn bản này vẫn chưa đề cập đến nên chưa hỗ trợ các trường “kích hoạt” hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

Thứ ba là nhận thức của các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và tác động của nó đến cải tiến chất lượng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc xây dựng và thực hiện các hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong hiệu quả thường mất thời gian và nguồn lực và tác động của nó mang lại cần thời gian để kiểm chứng, thông thường là từ 5 đến 10 năm.

Thứ tư là nguồn lực tài chính vì hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong thường là hoạt động cần có kinh phí triển khai nên để nó hoạt động hiệu quả thì cần có các nguồn ngân sách cố định và duy trì hàng năm. Hiện nay, tùy vào nhận thức của các hiệu trưởng mà các phòng bảo đảm chất lượng có ngân sách hoạt động hàng năm.

Trong cuộc phỏng vấn với một phó giám đốc đại học cho đề tài nghiên cứu về bảo đảm chất lượng bên trong, ông chia sẻ tùy vào nhận thức của hiệu trưởng mà trường có hạn mục chi cho bảo đảm chất lượng trường hay không.

Thứ năm là về phương diện chính sách, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có các quy định nào liên quan đến bắt buộc các trường phải thực hiện đảm bảo chất lượng bên trong thì tôi tin rằng hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong sẽ được “kích hoạt” trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Thanh Sơn