Khung trình độ quốc gia sẽ khắc phục tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo đại học

02/07/2020 06:00
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiếp cận theo chuẩn đầu ra là một cách tiếp cận tiên tiến, khoa học trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo.

Ngày 18/10/2016, Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam với tám bậc (trong đó giáo dục nghề nghiệp có năm bậc và giáo dục đại học gồm có ba bậc).

Đến ngày 30/3/2020 vừa qua, Thủ tướng ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 1982/QĐ-TTg.

Đây là tiền đề và là điều kiện để các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục đại học cùng các bên liên quan phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại việc triển khai Khung trình độ quốc gia và việc xây dựng các chuẩn chương trình sắp tới theo hướng tiếp cận “chuẩn năng lực đầu ra” sẽ gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo.

Trước tình hình này, ngày 30/6, phóng viên Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội để dư luận hiểu rõ hơn.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, Khung trình độ quốc gia Việt Nam có khắc phục tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo đại học?

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức: Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng việc ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam là việc làm rất đúng đắn và cần thiết.

Năm mục tiêu của việc ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam là:

(1) Phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;

(2) Thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo thông qua các hoạt động đào tạo, đo lường, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng;

(3) Làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực;

(4) Thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực;

Và (5) Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Với những mục tiêu này, tôi cho rằng, nếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và đúng hướng, rõ ràng nó không chỉ góp phần khắc phục tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo đại học mà còn góp phần nâng tầm và nâng cao tính hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam đối với giáo dục trong khu vực và trên thế giới.

Song, hiệu quả đạt được ở mức nào phụ thuộc rất nhiều vào cách thức và mức độ thực hiện của tất cả các bên liên quan.

Một số chuyên gia lo ngại việc triển khai khung chương trình có thể rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ” của chương trình khung trước đây. Trong khi thực tế những quy định chương trình khung trước đây đã “trói buộc” các trường trong việc tự chủ, tự quyết xây dựng chương trình, Giáo sư nghĩ sao về ý kiến này?

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức: Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong đó các yếu tố cơ bản, quan trọng nhất là: đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng đầu vào của người học, chương trình và nội dung đào tạo, quá trình tổ chức và quản lý đào tạo và chuẩn đầu ra.

Như vậy có thể thấy việc có rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ” của chương trình khung trước đây hay không còn phụ thuộc vào cách triển khai.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VNU)

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VNU)

Theo tôi, với xu hướng ngày càng đề cao tính tự chủ của các trường đại học học, và với tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, các chương trình đào tạo ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí đã ngày càng xóa nhòa biên giới giữa các ngành trong cùng một lĩnh vực.

Hơn nữa, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động tổ chức và quản lý đào tạo ngày càng có tính cá thể hóa, do đó chỉ nên quy định các chuẩn đầu ra cơ bản và tối thiểu, không nên quy định quá cứng về cấu trúc và thời lượng của từng khối kiến thức.

Nên để các cơ sở giáo dục có thể linh hoạt trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, thế mạnh của mình, miễn là chương trình đào tạo đó phải đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo tương ứng đã được quy định tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Hơn nữa, hiện nay số lượng các chương trình đào tạo bậc đại học rất lớn và không ngừng biến động, đổi mới.

Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng sẽ rất khả thi nếu việc xây dựng và ban hành Chuẩn chương trình thực hiện đối với một số ngành/nhóm ngành nhất định.

Có thể trước hết ưu tiên thực hiện chuẩn chương trình đào tạo đối với những ngành đào tạo “có nghề” một cách rõ rệt như các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, y dược, luật, các ngành đào tạo kỹ sư, công nghệ, kỹ thuật,… và các ngành thuộc những lĩnh vực ngành nghề được phép di chuyển trong ASEAN (nhằm hướng tới mục tiêu công nhận lẫn nhau trong ASEAN).

Còn lại, có thể xây dựng chuẩn đầu ra chung nhất cho một số nhóm ngành (ví dụ như chuẩn đầu ra của cử nhân khoa học xã hội, bao gồm nhóm các ngành khoa học xã hội như triết học, nhân học, xã hội học, ….như một số nước đang làm).

Thực tế những năm gần đây cũng cho thấy, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cũng như trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhu cầu nguồn nhân lực thường xuyên có sự biến đổi.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực với các yêu cầu “động” này, các chương trình đào tạo hoàn toàn mới chưa từng có trong tiền lệ, đặc biệt là các chương trình mang tính liên ngành, xuyên ngành đã và đang xuất hiện ngày càng nhanh và nhiều trong “bản đồ ngành nghề đào tạo” ở Việt Nam.

Cùng với nó sẽ là sự “biến mất” của những ngành đào tạo không còn nhu cầu xã hội. Nghĩa là, ngay cả danh mục ngành nghề đào tạo sẽ có sự thay đổi, biến động không ngừng, do đó kì vọng về việc xây dựng và ban hành Chuẩn của tất cả các chương trình đào tạo bậc đại học để đuổi kịp sự thay đổi đó, cho tất cả, từng chương trình đào tạo.

Nhất là với những ngành không gắn với nghề và một số ngành khoa học cơ bản là khó khả thi để thực hiện được trọn vẹn cả về nguyên lí phát triển và điều kiện thực hiện.

Do đó, như tôi đã phân tích ở trên, trong những trường hợp này, xây dựng và ban hành chuẩn khung trình độ năng lực đầu ra cho nhóm ngành lại là phương án hợp lý và khả thi.

Bên cạnh đó, triết lí giáo dục STEM và khai phóng với tính đa dạng và toàn cầu hóa hiện đang được áp dụng tại nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ phần nào “gây khó” cho việc đưa ra những khuôn khổ tương đối chặt chẽ của Chuẩn chương trình.

Nguyên lý “cá thể hóa” sẽ là xu thế tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ áp dụng cho người học, mà còn cho cả chương trình đào tạo.

Vì vậy, cùng một tên gọi, chẳng hạn lĩnh vực công nghệ thông tin, sẽ có chuẩn của khung trình độ quốc gia trong lĩnh vực này, nhưng lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đa dạng, có rất nhiều chuyên ngành khác nhau.

Hơn nữa từng cơ sở đào tạo sẽ có những điểm khác biệt, đặc thù, mang sắc thái riêng. Vì vậy, việc xây dựng Chuẩn chương trình để thực hiện thống nhất ở các cơ sở đào tạo khác nhau là việc không hề dễ dàng.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ ban hành chuẩn chương trình đào tạo tiếp cận theo chuẩn đầu ra, vậy theo Giáo sư, quy định như vậy sẽ tác động như thế nào đối với giáo dục đại học?

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức: Tiếp cận theo chuẩn đầu ra là một cách tiếp cận tiên tiến, khoa học trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo.

Nói một cánh nôm na cách tiếp cận này là: Tuyên bố chuẩn đầu ra như thế nào, thì chương trình đào tạo phải có những nội dung hoặc học phần và điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất,… để giúp người học có thể đạt được chuẩn đầu ra như vậy.

Đây là cách tiếp cận được đưa ra trên cơ sở những kết quả nghiên cứu bài bản của các nhà quản lí giáo dục cũng như qua đúc rút kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, và là cách tiếp cận đang được thực hiện ở nhiều trường đại học ở nhiều quốc gia, nhất là ở các quốc gia phát triển trên toàn thế giới.

Việc ban hành chuẩn chương trình đào tạo theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra (ở mức độ chi tiết phù hợp và đối với những ngành nghề phù hợp) sẽ tạo ra những “khuôn khổ”, mực thước, định hình sản phẩm đào tạo theo từng ngành nghề/nhóm ngành nghề nhất định.

Góp phần xóa bỏ tình trạng “lộn xộn”, trăm hoa đua nở, không xác định được chuẩn ngành nghề trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đồng thời giúp cho chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hội nhập với các chuẩn mực khu vực và quốc tế, qua đó tạo thêm cơ hội việc cho người học trên phạm vi toàn cầu.

Hơn nữa, do có sẵn khung, chuẩn năng lực trình độ quốc gia nên các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ phần nào tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí trong việc xây dựng chương trình đào tạo tương ứng.

Các đơn vị đào tạo vừa phải đảm bảo đúng “khuôn khổ và yêu cầu” cho phép, vừa phải lồng nghép được những thế mạnh, đặc trưng, đặc sắc của đơn vị mình trong chương trình đào tạo

Chuẩn chương trình đào tạo cũng sẽ là công cụ hữu hiệu đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo, hiệp hội nghề nghiệp, đơn vị tuyển dụng, gia đình và người học trong việc kiểm soát, đánh giá quá trình và chất lượng của các sản phẩm đào tạo.

Chuẩn chương trình đào tạo cũng sẽ là điểm tham chiếu quan trọng để phát triển các chương trình đào tạo và bảo đảm chất lượng cũng như công nhận tương đương các học phần và các văn bằng, chứng chỉ giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Cuối cùng, Chuẩn chương trình đào tạo là cầu nối gắn kết giữa sản phẩm đào tạo của Việt Nam với thị trường lao động khu vực và thế giới.

Thưa Giáo sư, để tránh tình trạng chuẩn đầu ra bị phiến diện, thiếu thực tế hay chỉ đại diện cho một doanh nghiệp nào đó thì chúng ta cần phải làm gì?

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức: Yếu tố quan trọng nhất trong mọi thành công chính là yếu tố con người.

Tham gia xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình cần có đại diện đầy đủ các bên liên quan: nhà nước, nhà trường, đơn vị sử dụng lao động, giảng viên, người học tiềm năng… và đặc biệt là các chuyên gia.

Tiếp theo, chúng ta cần có quy trình thực hiện một cách đầy đủ, chặt chẽ và khoa học. Trong quy trình xây dựng, cần tham khảo chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo tương ứng trên thế giới, đồng thời đặc biệt lưu ý khâu khảo sát ý kiến của các đối tượng liên quan.

Diện khảo sát cần đủ rộng, đối tượng khảo sát cần đủ “tinh”, việc tiếp thu ý kiến qua kết quả khảo sát cần thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để.

Nếu chỉ xây dựng chuẩn đầu ra trên cơ sở ý tưởng của một số người, sản phẩm khó có thể hoàn thiện, dễ rơi vào tình trạng phiến diện, thiếu thực tế.

Nếu chỉ dựa vào một doanh nghiệp nào đó để xây dựng chuẩn đầu ra thì sản phẩm sẽ thuần túy mang hình bóng và đáp ứng yêu cầu chỉ cho doanh nghiệp đó.

Suy cho cùng, để có chuẩn đầu ra đáp ứng đúng với nội hàm của ngành đào tạo, yêu cầu của thị trường lao động, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới, chung ta cần phải có đội ngũ, cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo chất lượng và quy trình tổ chức quản lý đào tạo và kiểm tra, đánh giá một cách rất bài bản, nghiêm túc và khoa học.

Phải gắn đào tạo với nghiên cứu, gắn học với hành, với thực tiễn, với yêu cầu của người sử dụng lao động ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Đồng thời, chuẩn đầu ra chúng ta cũng phải lường trước, dự báo yêu cầu của nguồn nhân lực trong tương lai.

Cũng cần lưu ý cả về tiến độ thực hiện và thường xuyên cập nhật để tránh tình trạng các chuẩn đầu ra vừa ban hành đã bị lạc hậu so với sự phát triển của khoa học công nghệ và với yêu cầu của thị trường lao động.

Cuối cùng, cần khẳng định rằng, việc xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết, cần đầu tư rất nhiều thời gian và công sức.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được ban hành từ năm 2016, song cho đến nay việc triển khai thực hiện chưa được nhiều, cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện trong thời gian tới để nhanh chóng hội nhập với khu vực, thế giới và phát huy hiệu quả và tác động của văn bản rất quan trọng này tới hệ thống giáo dục.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức.

Thùy Linh (thực hiện)