Không trả bài kiểm tra cho học sinh, phụ huynh dễ nghi ngờ giáo viên thiên vị

27/06/2022 06:38
Nguyễn Nguyên Lương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kết quả bài kiểm tra của mỗi học sinh, giúp giáo viên đánh giá học sinh, học sinh tự đánh giá mình, vì vậy giáo viên nên trả, sửa bài kiểm tra cho học sinh.

Năm học 2021-2022 lớp 1, 2, 6 đã thực hiện chương trình mới, cùng với đó là cách đánh giá, khen thưởng mới.

Với tiểu học, các cơ sở giáo dục áp dụng Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT để kiểm tra đánh giá, khen thưởng học sinh.

Với học sinh trung học cơ sở, các cơ sở áp dụng Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT đánh giá, khen thưởng.

Đánh giá, khen thưởng theo thông tư 27/2020/TT-BGDĐT và Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT, học sinh thật sự có phẩm chất và năng lực vượt trội, có sự cố gắng phấn đấu suốt năm học mới được khen thưởng, nên cuối năm học 2021-2022 ở lớp 1,2,6 không còn cảnh “mưa giấy khen” như trước đây.

Không ít phụ huynh ngậm ngùi khi đi họp phụ huynh cuối năm, nghe giáo viên chủ nhiệm thông báo con mình không được “Học sinh xuất sắc”, “Học sinh Tiêu biểu” ở lớp 1, lớp 2; “Học sinh xuất sắc”, "Học sinh Giỏi" ở lớp 6.

Càng buồn hơn khi thấy con mình đi dự lễ tổng kết cuối năm về “trắng tay”, không phần thưởng, không giấy khen, trong khi đó học sinh các lớp chương trình cũ vui vẻ cùng giấy khen và phần thưởng.

Không trả bài kiểm tra, phụ huynh dễ nghi ngờ giáo viên thiên vị

Thực tế, giấy khen ngoài ý nghĩa quà tặng tinh thần cho gia đình, còn là “minh chứng” để cơ quan, xí nghiệp khen thưởng cho học sinh, bố mẹ cũng "mạnh mày mạnh mặt” với anh em ở cơ quan, đơn vị.

Vì thế, không ít phụ huynh khi thấy con mình không có giấy khen lại “than”, nghi ngờ giáo viên thiên vị, vì không thấy con mình đem bài kiểm tra về.

Có phụ huynh đã chia sẻ nghi ngờ của mình trên mạng xã hội, đã nhận được nhiều bình luận, và buồn hơn có rất nhiều phụ huynh cùng đồng cảm.

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Vậy giáo viên có phải bắt buộc trả bài kiểm tra cho học sinh hay không?

Trong tất cả các văn bản: Luật Giáo dục 2019, Thông tư Số: 28/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường Tiểu học, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS và THPT;

Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT khi nói về nhiệm vụ của giáo viên, đều không ghi nhiệm vụ trả bài kiểm tra cho học sinh.

Ví dụ, Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: Nhiệm vụ của giáo viên

1. Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

2. Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

3. Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.

4. Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Tham gia công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương.

6. Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành Giáo dục, các quyết định của hiệu trưởng; thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.

7. Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, gia đình học sinh và các tổ chức xã hội liên quan để tổ chức hoạt động giáo dục.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Hoặc trong Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cấp tiểu học, cụ thể hóa nhiệm vụ giáo viên ở Khoản 1, Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, cũng tuyệt đối không có nhiệm vụ yêu cầu giáo viên trả bài kiểm tra cho học sinh.

Thực tế, người viết thấy, phần lớn giáo viên sau khi chấm bài kiểm định kì xong, đều trả bài, chữa bài cho học sinh.

Thường thì bài kiểm tra cuối năm rơi vào tuần 35, khi giáo viên chấm xong, có thể đã hết chương trình, học sinh đã nghỉ học, chờ ngày tổng kết, giáo viên có muốn trả bài, chữa bài cho học sinh cũng không thực hiện được.

Như vậy, sẽ có những trường hợp bài kiểm tra không thể công khai cho học sinh được, đó là một thực tế.

Để tránh dị nghị về việc đánh giá, tổng kết không công bằng, các cơ sở giáo dục nên công khai, hướng dẫn, đánh giá, khen thưởng cho phụ huynh, học sinh được biết.

Bên cạnh đó, sau khi kiểm tra định kì, nhà trường cần công khai đáp án, biểu điểm chấm trên cổng thông tin điện tử nhà trường. Giáo viên sau khi chấm bài kiểm tra xong, cần trả bài, sửa bài cho học sinh.

Việc công khai đáp án, biểu điểm bài kiểm tra, sẽ giúp học sinh biết được mình sai chỗ nào, phụ huynh giám sát được kết quả học tập của con em mình.

Ngoài ra, công khai đề, đáp án, biểu điểm bài kiểm tra cũng là hình thức thể hiện dân chủ hóa, minh bạch hóa, là nguồn tài nguyên cho học sinh các lớp sau khi tự học.

Kết quả bài kiểm tra của mỗi học sinh, giúp giáo viên đánh giá học sinh, học sinh tự đánh giá mình, vì vậy giáo viên phải trả, sửa bài kiểm tra cho học sinh, trừ trường hợp “bất khả kháng”.

Tài liệu tham khảo:

Luật Giáo dục 2019, Thông tư Số: 28/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT, Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nguyên Lương