Không thừa nhận cái mới giáo viên đâu dám sáng tạo

06/01/2019 00:35
Phan Tuyết
(GDVN) - Hô hào đổi mới nhưng chính những người có trách nhiệm của ngành không chịu đổi mới tư duy thì đổi mới trong giáo dục mãi cũng chỉ nằm trên giấy.

LTS: Đưa ra những chia sẻ về việc đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nhà giáo Phan Tuyết - một người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Thi thoảng xem những cuộc thi hát trên truyền hình, tôi khá ấn tượng với những nhận xét của một số vị giám khảo kiểu như:

“Em đã làm mới ca khúc này, cách hát của em không giống bất kì ai. Mặc dù bài hát còn đôi chỗ chênh phô nhưng tôi thích và đánh giá cao tiết mục này vì em không chọn cách an toàn mà dám làm mới nó”.

Đã không ít lần tôi và nhiều đồng nghiệp của mình thầm ước “giá trong giáo dục những người có trách nhiệm cũng có được suy nghĩ như một số vị giám khảo ca nhạc kia thì đỡ biết nhường nào?

Không thừa nhận cái mới giáo viên đâu dám sáng tạo (Ảnh minh họa: vov.vn).
 Không thừa nhận cái mới giáo viên đâu dám sáng tạo (Ảnh minh họa: vov.vn).

Lúc đó thì giáo viên mới dám tự mình thay đổi cái mô tuýp quen thuộc, rập khuôn để làm mới những bài dạy của mình mà không sợ bắt bẻ, không sợ bất lợi trong xếp loại”.

Từ sáng kiến kinh nghiệm

Năm nào giáo viên cũng phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Một huyện thị phải có tới hàng ngàn sáng kiến ở cả ba cấp học.

Những đề tài quen thuộc luôn được thầy cô chọn viết cho an toàn như một số biện pháp rèn học sinh yếu, nâng cao tính tự chủ, tự quản, biện pháp giải nghĩa từ, giáo dục đạo đức học sinh, rèn viết chính tả, đọc diễn cảm…những sáng kiến kiểu này luôn khá giống nhau dù chẳng ai nhìn ai để viết.

Bởi, cũng chỉ có những giải pháp ấy (giáo viên ai mà chẳng biết, chẳng áp dụng thường xuyên)…thế nhưng đề tài nào cũng đạt.

Cách làm mới, viết mới thường ít đạt bởi người chấm cho rằng không khả thi, chẳng hiệu quả. Giáo viên hầu như ít người dám mạo hiểm vì tỉ lệ đạt không cao.

Nhớ lại cách đây vài năm, tôi kết hợp cùng một giáo viên (rất vững về chuyên môn) trong tổ để cùng nhau thực hiện một đề tài chúng tôi cho là tâm đắc và đã được thực hiện thành công trong thực tế.

Đề tài có tên “Tháo gỡ một số vướng mắc theo chương trình giảm tải ở bài tập làm văn tuần 6 lớp 2”.

Không thừa nhận cái mới giáo viên đâu dám sáng tạo ảnh 2Bất thường trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm tại Bình Thuận?

Cô bạn đồng nghiệp có chút phân vân “em sợ bị chấm rớt quá chị ạ vì mình dám sửa nội dung giảng dạy đã ghi trong sách. Hay cứ chọn mấy đề tài quen thuộc cho an toàn?”.

Tôi đã quả quyết “em cứ yên tâm, dù chưa hoàn hảo nhưng chí ít họ cũng phải ghi nhận chị em mình đã dám mạnh dạn thay đổi những nội dung bất hợp lý trong giảng dạy”.

Lời nói chắc chắn như đinh đóng cột của tôi làm cô bạn đồng nghiệp khá yên tâm.  

Chúng tôi chăm chút cho đề tài của mình khá công phu, hết lớp bạn dạy thử nghiệm lại đến lớp tôi đối chứng và lớp đồng nghiệp khác thực nghiệm…Chúng tôi hài lòng bởi hiệu quả của tiết dạy mang lại.

Thế mà vài tháng sau, nhận được kết quả sáng kiến không đạt hai chị em chỉ biết nhìn nhau thở dài.

Một số đồng nghiệp nói rằng rớt là đúng bởi người chấm sáng kiến dù là chuyên viên chỉ đạo chuyên môn của cả thị xã nhưng đã đi dạy thực tế một ngày nào đâu mà biết đánh giá chính xác.

Bài học năm ấy vẫn chưa làm tôi sáng mắt ra. Sáng kiến năm nay, tôi vẫn bị cuốn vào vòng xoáy làm mới cách dạy đã được hướng dẫn sẵn trong sách giáo khoa.

Tôi đã vận dụng sáng kiến của mình vào thực thế giảng dạy nhiều năm nên khá tự tin sáng kiến ấy sẽ được ghi nhận.

Thế nhưng những người cầm cân nảy mức (rất có thể chưa bao giờ dạy được một tiết kể chuyện thành công) đã phán rằng “mất nhiều thời gian, mất nhiều công chuẩn bị nên khó khả thi và không hiệu quả”.

Lại một lần nữa tôi nhận được lời trách dễ thương của một số đồng nghiệp “đã bảo cứ làm như thiên hạ vẫn làm, cứ cắt, cứ ghép, cứ xào đi nấu lại mà không nghe. Ai bảo cứ thích làm khác…”.

Với cách đánh giá, ghi nhận của những người có trách nhiệm như thế thử hỏi giáo viên nào còn dám liều mình đổi mới?

Không thừa nhận cái mới giáo viên đâu dám sáng tạo ảnh 3Thông tư còn đó, địa phương nào dám bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm?

Đến những chuyện khác

Trước đây, trong chương trình hiện hành có một số tiết dạy dành cho giáo dục địa phương.

Nhận thấy việc lồng ghép chưa hiệu quả vì thiếu tài liệu, tôi đã bỏ công tìm hiểu, sưu tầm và viết một sáng kiến “Một số nội dụng giảng dạy văn hóa địa phương trong trường tiểu học”.

Không chỉ nội dung, nhiều hình ảnh đặc trưng của địa phương cũng được tôi tập hợp vào bài dạy để học sinh quan sát, tạo sự hứng thú tìm hiểu cho các em.

Khi đọc sáng kiến ấy, thầy hiệu trưởng rất vui và khen hết lời (thầy rất ít khen ai) rằng “cái đề tài này của em có giá trị lắm. Thầy tin sẽ được ghi nhận”.

Thầy chấm điểm gần tột khung và xếp loại A. Sáng kiến được đưa lên phòng giáo dục thẩm định. Tôi cũng hồi hộp chờ đợi kết quả để bõ công những ngày miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu và viết.

Một ngày thầy gọi tôi ra với giọng buồn buồn “thầy chia buồn với em, sáng kiến ấy bị cấp trên đánh rớt. Thầy đã bảo vệ đến cùng nhưng không được.

Họ nói rằng, việc viết nội dụng dạy học về địa phương không phải trách nhiệm của giáo viên. Việc này là nhóm cốt cán ngoài tỉnh. Dù sao thầy vẫn ghi nhận việc làm ấy của em”.

Tôi hiểu những điều thầy nói, tôi biết dù muốn thầy cũng chẳng thể làm gì vì người chấm bên trên lại không cùng quan điểm với thầy.

Vài năm sau, tài liệu giảng dạy về văn hóa địa phương cũng được đưa về. Là giáo viên giảng dạy, tôi biết rằng người viết là viết chung cho toàn tỉnh thế nên đó chỉ là những gợi ý. Dạy về địa phương nào, chính giáo viên nơi ấy phải tìm hiểu, phải sưu tầm.

Nhưng, có phải thầy cô nào cũng hiểu rõ về địa phương nơi mình đang sống? Và như thế có những tiết học hời hợt qua loa và thiệt thòi chỉ học sinh phải nhận.

Hô hào đổi mới nhưng chính những người có trách nhiệm của ngành không chịu đổi mới tư duy thì đổi mới trong giáo dục mãi cũng chỉ nằm trên giấy.

Phan Tuyết