Không thi tuyển sinh lớp 6 có là "luồng gió mát" cho giáo dục Việt Nam?

23/03/2015 08:40
NGÔ GIA VÕ
(GDVN) - Việc Bộ GD & ĐT quyết định năm học 2015 – 2016 không xét tuyển và nghiêm cấm thi tuyển vào lớp 6 là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân.

Việc Bộ GD & ĐT quyết định năm học 2015 – 2016 không xét tuyển và nghiêm cấm thi tuyển vào lớp 6 là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. 

Việt Nam chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc phổ cập giáo dục tiểu học trên phạm vi cả nước. Do đó, lẽ đương nhiên, hết lớp 5, tất cả học sinh được xếp loại Đạt đều có quyền ghi tên vào các trường THCS phù hợp với các quy định về hộ khẩu thường trú và trên thực tế đã theo học ở các trường tiểu học xã, phường tương ứng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu tâm đến sự khác biệt giữa các kiểu trường và có quy định thật cụ thể, chi tiết để quyết định này đi vào đời sống một cách hiệu quả.

Không thi tuyển sinh lớp 6 có là "luồng gió mát" cho giáo dục Việt Nam? ảnh 1Tiến sĩ Ngô Gia Võ: "Lớp 5 ơi! Tôi lo sợ"

(GDVN) - Học sinh lớp 5 đã học theo kiểu cũ 4 năm rồi, độp một cái không chấm điểm, không giao bài tập về nhà,... liệu các em có đạt chuẩn bước vào lớp 6 không?

Ví dụ đối với hệ thống các trường chuyên, việc thi tuyển không thể không xảy ra. Do đó, quy định thi tuyển ra sao, đối tượng nào được dự thi, cần phải hết sức chặt chẽ; tránh trường hợp thí sinh thi vào quá đông, dẫn đến sự quá tải và  rất có thể lại xảy ra những hiện tượng tiêu cực khác. Còn nếu chủ trương của Bộ GD & ĐT xóa bỏ các trường chuyên THCS, thì cũng cần phải có chỉ đạo ngay để các địa phương chủ động sắp xếp kế hoạch tuyển sinh của mình.

Ở miền núi, đối với hệ thống trường Nội trú, do chỉ tiêu có hạn vì định mức ngân sách, việc học sinh chỉ ghi tên vào là việc bất khả thi. Việc xét tuyển và thi tuyển cũng phải có những quy định cụ thể và chặt chẽ.

Một số tỉnh miền núi, còn có hệ thống trường Bán trú Dân nuôi. Tất nhiên phụ huynh nào cũng muốn con mình được học ở đó để được hưởng những chế độ ưu đãi hơn hẳn các trường bình thường. Chỉ tiêu có hạn, việc xét tuyển hay thi tuyển cũng cần được chỉ dẫn thấu đáo.

Còn phải tính đến một thực tế nữa là ở các thành phố lớn, số lượng học sinh vào các trường THCS luôn biến động. Có năm thì thừa, có năm thì thiếu. Việc san sẻ học sinh cho hợp lý theo biên chế một lớp học cũng cần phải tính toán trước. Tránh trường hợp có trường biên chế một lớp quá đông, có trường lại quá ít.

Thực tế giáo dục ở các huyện miền núi còn cho thấy hầu hết các trường THCS ở thị trấn có điều kiện giáo dục tốt nhất cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể. 

Vì vậy, nhiều cán bộ công tác ở huyện, con đi học tiểu học vẫn cho học ở xã, đến khi vào lớp 6 họ tìm mọi cách để đưa con lên trường thị trấn. Cần phải phối hợp với chính quyền địa phương nghiêm cấm các trường THCS ở thị trấn tuyển sinh ngoài luồng.

Chúng tôi tin rằng Bộ GD & ĐT khi đưa ra quyết định này đã cân nhắc và suy tính đến tất cả những điều đó. Hy vọng quyết định không xét tuyển, không thi tuyển vào lớp 6 của Bộ sẽ là một luồng gió mát lành cho nền giáo dục Việt Nam.

NGÔ GIA VÕ