Không nên xếp loại, so sánh chất lượng giáo dục tỉnh này với tỉnh kia

28/08/2021 07:33
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Bộ chỉ nên thông báo rằng tỉnh này năm nay tỉnh này có kết quả chất lượng giáo dục như này, và phân tích cho người ta tại sao lại như vậy, không nên xếp loại".

Trong bài viết " Giáo dục phổ thông Bộ chưa tập trung đánh giá người học mà đi xếp loại các tỉnh", Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh cho hay, nếu thực hiện việc thành lập ngân hàng đề thi chung cho giáo dục phổ thông, thì Bộ lại có đánh giá tỉnh này tốt hơn tỉnh kia, thì các tỉnh không thích, họ sẽ tìm cách để nâng thành tích.

”Ở Việt Nam rất là sợ không phải đánh giá người học mà là để đánh giá các tập thể, tỉnh nào tốt, tỉnh nào kém…”, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh nói.

Chia sẻ về quan điểm trên, Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết, trong nhiều công việc người ta đánh giá xếp loại để kích thích, nâng cao hiệu quả nhưng cũng có những công việc đánh giá, xếp loại không cẩn thận lại sinh ra tiêu cực.

Giáo sư Dong lấy ví dụ, có quy định về lớp tiên tiến thì phải có nhiều học sinh giỏi, vậy để lớp đạt được thi đua trên thì giáo viên sẽ cho nhiều học sinh có kết quả điểm cao.

Hay như trong các cơ quan sản xuất, lao động không đạt tiên tiến thì là đơn vị đó kém. Từ đây, có số ít lao động tay nghề kém thì tự nhiên đơn vị đó mất thi đua.

“Người ta cứ lấy ra những tiêu chuẩn không thực chất của một phong trào để đánh giá, xếp loại”, Giáo sư Dong nói.

Theo Giáo sư Dong, nếu như Bộ có đánh giá xếp loại chất lượng giáo dục tỉnh này có kết quả thi kém, thì tỉnh đó sang năm có thể sẽ tìm cách này hay cách khác để nâng kết quả thi lên rất nhiều nhưng chưa chắc kết quả đó phản ánh chất lượng thật.

Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh: Vietnamnet).
Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh: Vietnamnet).

Hiện nay quy định xét học bạ học sinh phổ thông chiếm 30% kết quả điểm thi đại học thì người ta sẽ chữa học bạ. Ví dụ một số học sinh có học lực kém nhưng nhà trường vì nể nang phụ huynh hoặc vì thành tích, chỉ tiêu thi đua của chính mình thì nhà trường có thể sẽ thay đổi kết quả học bạ để “tạo điều kiện” cho học sinh.

Từ phân tích trên, Giáo sư Dong cho rằng, không nên đánh giá xếp loại chất lượng giáo dục phổ thông giữa các tỉnh.

“Theo tôi, Bộ chỉ nên thông báo rằng tỉnh này năm nay tỉnh này có kết quả như này, và phân tích cho người ta tại sao lại như vậy. Không nên xếp loại tỉnh này kém tỉnh kia”, Giáo sư Dong cho hay.

Để không đánh giá xếp loại, theo Giáo sư Dong thì phải làm thế nào cho đúng thực chất và phải có cách nhìn nhận, đánh giá để cho các đơn vị thấy mặt yếu kém, từ đó dựa vào Bộ, vào tỉnh để người ta vươn lên, chứ còn xếp loại như nào đó mà người ta “co lại” và người ta tìm cách đối phó là không được.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục nên tìm hiểu sao vì sao lại địa phương lại có chất lượng giáo dục như vậy, sau đó khi biết được nguyên nhân thì phải đầu tư cho địa phương.

“Nếu “chê” chất lượng giáo dục của đơn vị địa phương kém thì cơ quan quản lý nhà nước phải có phương pháp khắc phục cho họ, còn đâu chê xong mà để đó thì đâu vẫn vào đó”, Giáo sư Dong nhấn mạnh.

Là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam, Giáo sư Dong lấy ví dụ thực tiễn từ hoạt động xây dựng phong trào các xã học tập, đơn vị ông không bao giờ so sánh tỉnh này với tỉnh khác. Để cho hoạt động đúng thực chất, Hội luôn phải khuyến khích người ta đánh giá thật, chứ nếu mà so sánh tỉnh này với tỉnh kia thì không được.

“Anh có bảo đảm cho người ta điều kiện như nhau không, hay những cơ hội bình đẳng không. Bây giờ một vùng anh không quan tâm đến như những vùng cao hẻo lánh thì dứt khoát học kém, giờ lại bảo họ kém thì không được”, Giáo sư Dong chia sẻ.

Chia sẻ thêm về chất lượng giáo dục phổ thông, Giáo sư Dong cho rằng, hiện nay phải làm sao để cho mỗi em học sinh khi tốt nghiệp phổ thông, thì phải đảm bảo được kiến thức phổ thông chung nhất mà mỗi người dân cần có.

Bên cạnh đó, nên bỏ kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Bởi lẽ, trong 15 năm qua dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều phương pháp cho kì thi tốt nghiệp này như thi tập trung, gọi trường đại học chấm thi… nhưng năm nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng trên 95%.

“Theo tôi, thì nên cấp chứng chỉ cho học sinh học hết lớp 12 để các em đi xin việc làm. Còn việc tuyển sinh đại học thì giao cho các trường tự chủ”, Giáo sư Dong chia sẻ.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Hường cho biết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, xếp hạng các tỉnh về chất lượng giáo dục phổ thông là cần thiết.

"Qua kết quả đánh giá, các địa phương lấy chất lượng giáo dục phổ thông là một trong những căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng. Từ đó, có cơ sở để xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho hay.

Bà Hường cũng cho hay, bên cạnh đó, khi công khai, minh bạch các chỉ số này cũng sẽ góp phần phát hiện những bất thường, hạn chế tiêu cực trong thi cử, cũng như trong đánh giá kết quả học tập trong học bạ của các địa phương.

Mạnh Đoàn