“Không nên bắt giáo viên làm những điều phi thường"

04/11/2014 06:48
Xuân Trung
(GDVN) - Đây là quan điểm của ông Đặng Quang Ngàn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình khi trao đổi về nội dung đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ngày 3/11, tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã tiến hành tọa đàm trao đổi về những việc đã thực hiện, những điều còn thách thức khi triển khai áp dụng Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục. 

Trong buổi tọa đàm có các nhà sư phạm, các chuyên gia, nguyên lãnh đạo các Bộ GD&ĐT gồm: GS. Trần Hồng Quân –nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; GS. Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; GS. Nguyễn Minh Đường, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ TB&XH), Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục; GS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Đại học Giáo dục.

Các trường chủ động tự đổi mới

Quán triệt tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới, căn bản toàn diện nền giáo dục và đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục, nhiều trường học đã chủ động vận dụng linh hoạt các hoạt động dạy và học trong quá trình thực hiện đổi mới.

Bà Nguyễn Thị Thuận, hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, do là trường chuẩn quốc gia nên cũng có thuận lợi và khó khăn. Khó khăn nhất là diện tích nhỏ hẹp, do đó chú ý đến yếu tố sư phạm, đầu tiên là khung cảnh sư phạm và tiến hành huy động xã hội hóa giáo dục.

Trong việc thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục theo tình thần Nghị quyết 29, theo bà Thuận nhà trường đã thực hiện sáng tạo trong việc dạy và học, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin kết hợp với bản đồ tư duy trong dạy học. Bản đồ tư duy có thể sử dụng trong môn toán, từ đó cho học sinh tiếp cận hoặc đưa vào các tiết dạy chuyên đề, tuyên truyền các tệ nạn xã hội. 

“Không nên bắt giáo viên làm những điều phi thường" ảnh 1

Ảnh minh họa, nguồn Báo Tiền Phong.

Cũng trong năm học 2014, trường đã bắt đầu triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột”, đồng thời thực hiện các sáng tạo, linh hoạt trong các tiết học truyền thống, như dạy những bài học lịch sử. 

Ví như giai đoạn miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, kèm them đó là những nhân vật lịch sử như Anh hùng Phạm Tuân, trường có thể mời trực tiếp về nói chuyện cùng học sinh, cho các em học hỏi, trao đổi tình cảm, từ đó khắc sâu trong lòng học sinh tình yêu lịch sử.

Đổi mới, sáng tạo để thực hiện cho kỳ được nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục, theo bà Nguyễn Thị Thuận, một trong những đổi mới của trường là tăng cường trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Trường đã dành ra một quỹ đất với 7 ha, tại khu vườn này dành cho học sinh trải nghiệm ở một số bộ môn như Sinh vật, Hóa học hay Địa lý và Văn học. 

“Không nên bắt giáo viên làm những điều phi thường" ảnh 2Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục: Chúng ta đã làm được những gì?

(GDVN) - Từ khi Nghị quyết 29 ra đời để đổi mới cải cách toàn diện nền giáo dục, ngành giáo dục đã làm được gì và những gì còn tồn tại?

“Mỗi giờ dạy chúng tôi đều tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh, như kỹ năng lao động, kỹ năng tự bảo vệ. Mục đích cuối cùng giúp học sinh không chỉ biết về lý thuyết mà biết nhiều về thực hành. Trường có thể sử dụng liên môn để xây dựng các đề tài đầu năm học cho các lớp” bà Thuận cho hay.

Cô Trần Thị Thùy Dung, đến từ trường Tiểu học Lê Ngọc Hân của tỉnh Lào Cai cho biết, là một trường miền núi có áp dụng mô hình trường học mới (VNEN), từ khi thực hiện đổi mới theo Nghị quyết 29 trường quán triệt đổi mới sâu trong cách học, các đánh giá.

Đặc biệt là vai trò tự học, tự đổi mới của giáo viên, bởi VNEN là mô hình mở, tạo điều kiện thực hiện khả năng sáng tạo và phát huy tối đa tiềm năng của giáo viên. Theo đó, các vấn đề đổi mới của giáo dục không chỉ có giáo viên mà còn có cả phụ huynh được tham gia tập huấn. Qua những đợt tập huấn đó sẽ phát hiện ra những nòng cốt từ giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh, đề từ đó có những đổi mới phù hợp cho từng năm học, có sự đồng thuận hơn.

Đối với những giáo viên “ngại” đổi mới, theo cô giáo Thùy Dung lúc đó sẽ bồi dưỡng năng lực cho học sinh, đặc biệt là năng lực đề xuất cho học sinh. Như vậy buộc giáo viên phải lấy học sinh làm trung tâm, từ đó tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với học sinh.

Ngoài ra, để thực hiện đổi mới thì trường đã cho giáo viên tự hoàn thiện kỹ thuật dạy học, làm sao tạo cho học sinh một tâm lý thích học. Ngay từ đầu năm học tất cả giáo viên được đề xuất các ý tưởng để cho năm học hoàn thiện và thực tế hơn. 

“Mô hình trường học VNEN sẽ có các ban, học sinh sẽ ở các ban và đề xuất ý tưởng với giáo viên với những nhiệm vụ của học sinh. Ví như Ban đối ngoại, nhiều học sinh được trải nghiệm thực tế, cũng lo lắng việc đón thầy cô và các bạn trường khác đến trường mình như thế nào, học sinh được chủ động lập kế hoạch theo nhiệm vụ của mình” cô Thùy Dung cho biết.

Thầy Đoàn Trọng Bình, hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh cũng cho biết, đây là Nghị quyết rất sát với trường, giống như một chiếc “gậy” cho trường và học sinh thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều đổi mới đầu tiên của trường là chú trọng phát triển năng lực học sinh, dạy theo cách tinh giản. 

Thực hiện tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29, Trường THDT Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cô giáo Đinh Thị Thanh Tươi cho rằng, để thực hiện được Nghị quyết này thì mỗi trường phải xây dựng được môi trường học thân thiện. Ở trường THDT Lạc Sơn đã tổ chức được những câu lạc bộ kỹ năng sống, sáng tạo trẻ, chương trình phát thanh học đường để tuyên truyền học sinh, phụ huynh về chủ trương.
“Trong chương trình học, cho học sinh được trải nghiệm thực tế để thấy được ngoài lý thuyết còn có thực hành. Đổi mới dạy môn Lịch sử, giáo viên đã giúp học sinh có những tìm hiểu danh lam thắng cảnh, những giá trị văn hóa của huyện và tỉnh” cô Tươi chia sẻ.

Là một trong những trường có tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số khá cao (năm học 2014 là 77%), ngay từ đầu năm học trường đã tiến hành hướng nghiệp cho học sinh, bởi việc tiếp cận phương tiện của học sinh còn hạn chế.

“Chúng tôi vẫn thường bảo các em, với những em gia đình khó khăn thì nên chọn nghề gì cho phù hợp, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số. Qua đó phần nào các em đã hiểu được cơ cấu nghề nghiệp và có những lựa chọn khối thi thực tế hơn” chô Tươi cho biết.

Cô Đặng Thị Kim Thoa, hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội), cho biết những khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 29 cơ bản tập trung cơ bản vào khâu giáo viên. Theo cô giáo Thoa, mặc dù đã được quán triệt quyết liệt về dạy liên môn, đó là điều vất vả cho giáo viên, bởi phần lớn các giáo viên được đào tạo chuyên sâu cho một môn. 

“Trường đã phải đề nghị các giáo viên chăm đọc sách, có thể một môn nhưng phải đọc từ lớp 6 đến lớp 9, đọc phân phối chương trình, đọc sách giáo viên và cuối cùng đưa ra ý kiến, xem bài nào có thể tích hợp được trong chương trình” cô Thoa nêu thực trạng.

Giáo viên không nên làm điều phi thường

Trao đổi thêm về thực trạng khi các cơ sở thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tình thần Nghị quyết 29, ông Đặng Quang Ngàn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, cái khó của giáo dục Việt Nam là chưa có hệ thống, mặc dù trên thế giới có cái gì thì ở Việt Nam có thứ đó. 

“Không nên bắt giáo viên làm những điều phi thường" ảnh 3Hội nhập giáo dục và hội nhập kinh tế toàn cầu

(GDVN) - Hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và các nước luôn được coi là ưu tiên trong các vấn đề hợp tác song phương.

Cơ hội tiếp cận thông tin của giáo viên ở vùng xa xôi nhất với Thủ đô là như nhau, nhưng điều kiện người dân lại có sự khác nhau. “Sơn La có học sinh được nhận Huân chương lao động, vậy chúng ta nói vùng khó khăn mà không có nguồn trí tuệ cao thì không đúng, mà vấn đề tạo cơ hội để cho trí tuệ đó phát triển mà thôi. Do đó, đừng bắt giáo viên làm những việc phi thường”.

Nói thêm, ông Ngạn cho rằng, việc dạy tích hợp các môn lại với nhau sẽ còn là câu chuyện để bàn, bởi phải xem trường sư phạm đã đào tạo giáo viên cho việc này chưa? 

Ông Trần Đình Châu – Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, cho biết nội dung đổi mới trong Nghị quyết 29 thì có nhiều, nhưng trước hết là đổi mới giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và huy động tổng hợp các lực lượng từ gia đình, xã hội. Hội đồng quốc gia đổi mới giáo dục quan tâm đến tất cả các yếu tố để cho nền giáo dục Việt Nam phát triển.

Những buổi tọa đàm như thế này là dịp để lắng nghe các nhà khoa học, các chuyên gia, thầy cô giáo giới thiệu cách làm hay, giải pháp tốt và những sáng kiến xuất phát từ cơ sở để chung sức cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt nhất Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Ông Châu cũng cho rằng, đổi mới lần này trên cơ sở kế thừa và phát triển, chúng ta kế thừa những thành tựu của giáo dục cách mạng, đồng thời tiếp thu mạnh những tinh hoa của giáo dục nhân loại, làm sao đào tạo được thế hệ trẻ chúng ta là những công dân toàn cầu, vừa là con người đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đại biểu trong các cuộc hội đàm sẽ là những người đến từ những vùng miền khác nhau của đất nước, nhưng nơi nào cũng có những đóng góp cho giáo dục, mỗi nơi có cách làm riêng, làm cho bức tranh giáo dục sáng dần lên.

Trong quá trình đổi mới người giáo viên phải tự học, tự đổi mới, trách nhiệm người giáo viên ngày càng nặng, vì thông tin đến các em học sinh ngày càng nhiều. Về những ý tưởng sáng tạo của các địa phương, ông Châu cho rằng, theo tinh thần chung là chúng ta đang cổ vũ sự sáng tạo, cũng có một số điểm cần điều chỉnh dần, ví dụ với mẫu giáo đổi mới không có nghĩa là đưa máy vi tính vào học, mà tăng các hoạt động lên…

Còn nữa…

Xuân Trung