Không kiến thức, kỹ năng, học sinh lao vào yêu đương sẽ đầy nguy hiểm rình rập

05/03/2021 06:03
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không kiến thức, không kỹ năng, thiếu sự đồng hành từ cha mẹ, nhiều bạn trẻ lao vào chuyện yêu đương với đầy hiểm nguy rình rập.

Sự việc nữ sinh V., học lớp 10 ở Hà Nam bị bạn trai sát hại xảy ra vào cuối tháng 2 vừa qua làm nhiều phụ huynh bủn rủn, rụng rời. Vụ án này đã làm dấy lên lo lắng của phụ huynh về sự bồng bột và suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ về cuộc sống, tình yêu.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng những người nhân danh tình yêu để thực hiện những hành vi bạo lực là điều không thể chấp nhận được.

“Trong tình yêu, người trong cuộc chỉ muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu thương và muốn duy trì, phát triển tình yêu đó.

Trong tình yêu, ai cũng có tính sở hữu, tính ích kỉ, muốn đối phương là duy nhất của mình. Tuy nhiên mức độ sở hữu của mỗi người khác nhau.

Với những bạn trẻ có tính sở hữu cao, tính chiếm hữu lớn, lớn tới mức mất lí trí, nhân danh tình yêu để ghen tuông vô cớ, sẵn sàng hành hạ danh dự, nhân phẩm, thậm chí tước đoạt mạng sống của người khác nếu họ cảm thấy tình yêu họ cho đi nhiều hơn tình yêu họ nhận lại.

Hoặc họ cảm nhận tình yêu của đối phương dành cho họ đang giảm dần theo thời gian.

Có thể vì để “doạ” đối phương, không cho đối phương rời đi, sợ “mất”, cũng có thể vì lúc đó họ không kiểm soát được lý trí.

Việc bạo hành trong tình yêu không chỉ xảy ra với những người có trình độ học vấn thấp mà có thể xảy ra với mọi đối tượng.

Với những người nhân danh tình yêu để thực hiện những hành vi bạo lực là điều không thể chấp nhận được.

Vì trong các mối quan hệ, kể cả quan hệ yêu đương cũng cần có sự bình đẳng, tôn trọng nhau, không thể vì sự ích kỉ của mình mà không nghĩ đến đối phương”, cô Hiền nhấn mạnh.

Cô Hiền chia sẻ, lâu nay, cha mẹ và thầy cô dạy trẻ khá kĩ về cách phòng tránh, đề phòng người lạ.

Những cẩm nang phòng tránh lạm dụng xâm hại cũng vậy, quy tắc bàn tay cũng dặn trẻ cần phòng tránh người lạ.

Nhưng con chúng ta đã, đang và sẽ chết vì người con chọn yêu nhiều nhất. Với những người có mối quan hệ thân thiết đương nhiên sẽ tạo ra sự tin tưởng. Khi có sự tin tưởng thì bức tường thành cảnh giác bị phá bỏ dần.

Khi thiếu đi sự cảnh giác, những kiến thức, những kĩ năng được học trở nên mất dần hữu dụng. Bởi lẽ, người ta chỉ đề cao cảnh giác với người lạ, mấy ai cảnh giác với người thân.

Những người gây án lợi dụng sự tin tưởng, mối quan hệ thân thiết vốn dĩ có để dễ dàng gây án.

Chính vì thế, khi công an tiếp xúc với các vụ án mạng, vấn đề họ muốn tìm hiểu đầu tiên là các mối quan hệ của nạn nhân, trong đó mối quan hệ yêu đương được họ quan tâm hàng đầu.

Trong quá trình giáo dục, thầy cô, bố mẹ luôn giáo dục con kĩ năng sống, trong đó có kĩ năng phòng tránh xâm hại. Tuy nhiên, các vụ việc đau lòng vẫn xảy ra. Cô Hiền đưa ra 2 nguyên nhân:

“Thứ nhất, những bài học phần nhiều ở lý thuyết hoặc thực hành trong môi trường giả định mà người lớn tạo ra, trẻ dễ dàng phân biệt được đó chỉ là hoạt động, là trò chơi chứ không phải hoàn cảnh thật.

Chính vì thế, khi đối diện với tình huống thực tế, các em không vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học để bảo vệ mình.

Thứ 2, tình huống thầy cô, bố mẹ đưa ra ít, trong khi đó, các tình huống trong thực tế đa dạng, khó lường, diễn biến quá trình cũng biến hoá theo từng hoàn cảnh, vì thế học sinh khó lường trước để phòng tránh và đối phó”.

Nếu như trước kia, tình yêu học trò chỉ dừng lại ở ánh mắt thẹn thùng, cái nắm tay e ấp thì hiện nay tình yêu học trò đã bạo dạn hơn rất nhiều, thậm chí với một số bạn học sinh, tình yêu đã xuất hiện tình dục. Vì thế, với sinh viên, tình trạng sống thử xảy ra rất nhiều.

Bản chất của tình yêu không xấu, nhưng do các em còn nhỏ, đây là lứa tuổi học trò, hoạt động chủ đạo của lứa tuổi này là hoạt động học tập. Việc yêu đương có thể làm giảm kết quả học tập của các em, ảnh hưởng tới tương lai các em.

Thêm vào đó, các em chưa có nhiều kiến thức trong tình yêu, kiến thức về sức khoẻ sinh sản dẫn đến nhiều hệ luỵ.

Vì vậy, phụ huynh lo lắng là điều đương nhiên. Khi họ cảm thấy khó kiểm soát vấn đề tình cảm của con mình thì cách duy nhất để không xảy ra các hậu quả từ yêu sớm là sự cấm đoán.

Ở góc độ là cha mẹ, họ chỉ mong con mình học giỏi, có tương lai tốt, khi chứng kiến nhiều học sinh yêu sớm dẫn đến những hệ luỵ lớn, họ tìm cách bảo vệ con họ là điều dễ hiểu.

Nhưng với các em, khi đã yêu rồi thì việc cấm cản không khéo léo sẽ gây bất lợi trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

“Tâm lý tò mò, cảm xúc trỗi dậy, cái gì càng cấm con càng muốn tìm hiểu. Vì thế nhiều gia đình càng cấm càng đẩy con ra xa mình, xa đến mức con cái mất sự tin tưởng vào cha mẹ, thậm chí còn chống đối.

Việc bố mẹ cần làm là ngăn ngừa tình trạng yêu sớm bằng cách tạo môi trường lành mạnh, ngăn ngừa các hình ảnh “nhạy cảm” tiêm nhiễm vào con, làm cho con hạn chế tối đa nhìn thấy, nghe thấy.

Bên cạnh đó, tạo môi trường, tạo hoạt động, tạo hứng thú cho con vào hoạt động học tập, giúp con chuyên tâm học hành.

Việc trang bị kiến thức về tình yêu cho con khi con bước vào giai đoạn dậy thì là việc cần thiết để giúp con có kiến thức đúng đắn.

Tuy nhiên, dạy con kiến thức gì, kĩ năng gì, cách thức trò chuyện với con như thế nào cũng cần đúng cách, tránh cung cấp kiến thức, kĩ năng theo kiểu “vạch đường cho hươu chạy”, cô Hiền nhấn mạnh.

Đối với các con đã “lỡ yêu rồi”, cô Hiền cho biết bố mẹ không nên dùng các biện pháp mạnh để cấm cản tuyệt đối mà nên đồng hành cùng con như người bạn, trang bị cho con kiến thức, kĩ năng, giúp con phòng tránh các vấn đề không tốt có thể xảy ra: “Khi cha mẹ trở thành người bạn để con có thể chia sẻ mọi cảm xúc, cha mẹ cũng đo được mức độ an toàn trong mối quan hệ của con để có biện pháp bảo vệ con kịp thời, dẫn dắt con tự rút ra khỏi mối quan hệ ấy nếu cảm thấy không an toàn, không phù hợp, không tích cực”.

“Học yêu” là điều quan trọng với các bạn đang bước vào tuổi dậy thì, cô Hiền gợi ý một số nội dung để bố mẹ dạy con yêu đúng cách:

“Thứ nhất, trang bị cho con các kiến thức tâm sinh lý khi con vào giai đoạn dậy thì.

Thứ hai, hãy trở thành “người đồng hành” cùng con.

Thứ ba, tôn trọng cảm xúc của con, hãy để con là người quyết định trong các vấn đề tình cảm”.

Đình Hùng