Không đóng thuế học phí hệ đại trà, có trường bị đóng băng tài khoản

23/04/2022 12:39
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật về thuế đối với các đơn vị sự nghiệp chưa có sự thống nhất nên mỗi trường hiểu một kiểu, mỗi cơ quan thuế lại thực hiện một kiểu.

Đại diện nhiều đơn vị đại học đã có chia sẻ những vướng mắc, khó khăn về thuế tại toạ đàm chủ đề "Công tác thuế, phí trong tự chủ đại học- thực trạng và kiến nghị” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/4.

Đại diện nhiều đơn vị đại học đã có chia sẻ những vướng mắc, khó khăn về thuế tại toạ đàm chủ đề” Công tác thuế, phí trong tự chủ đại học- thực trạng và kiến nghị” (ảnh: Lê Phương)

Đại diện nhiều đơn vị đại học đã có chia sẻ những vướng mắc, khó khăn về thuế tại toạ đàm chủ đề” Công tác thuế, phí trong tự chủ đại học- thực trạng và kiến nghị” (ảnh: Lê Phương)

Không đóng thuế học phí, trường bị đóng băng tài khoản

Ngay tại toạ đàm, lãnh đạo nhiều trường đại học nêu thực tế khó khăn đang gặp phải khi thực hiện chính sách thuế. Trong đó, ý kiến phát biểu của Phó giáo sư Nguyễn Chí Ngôn, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ được đặc biệt chú ý.

Phó giáo sư Nguyễn Chí Ngôn, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ nêu vấn đề khó khăn trường đang gặp phải (ảnh: Lê Phương)

Phó giáo sư Nguyễn Chí Ngôn, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ nêu vấn đề khó khăn trường đang gặp phải (ảnh: Lê Phương)

Phó giáo sư Nguyễn Chí Ngôn chia sẻ: “Trong toạ đàm này, các trường đều cho biết học phí hệ đại trà không bị thu thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên trường Đại học Cần Thơ thời gian qua lại vướng ngay chỗ này. Đầu năm 2021, Thanh tra thuế của thành phố Cần Thơ đến trường truy thu thuế. Theo đó, Thanh tra thuế kết luận trường Đại học Cần Thơ phải nộp bổ sung 2% các khoản thu từ học phí ở các tất cả các loại hình đào tạo”.

Ông Ngôn cho biết phía trường đã gửi văn bản “cầu cứu” đến nhiều nơi như Cục thuế Thành phố Cần Thơ, Uỷ ban nhân dân Thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ vấn đề. Thậm chí trong giai đoạn đó, Cục thuế thành phố Cần Thơ đóng băng các tài khoản của nhà trường và tiến hành cưỡng chế hơn 30 tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngôn bày tỏ băn khoăn: “Cùng một luật về thuế nhưng tại sao mỗi nơi lại áp dụng khác nhau như thế, làm cho trường chúng tôi hết sức khó khăn”.

Văn bản chưa rõ ràng

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường - Kế toán trưởng, trường Đại học Thủ Dầu Một thì cho rằng thuế đương nhiên phải nộp nhưng vấn đề là nộp như thế nào?

"Ở trường chúng tôi tự chủ chi thường xuyên chưa tự chủ chi đầu tư nên chỉ nộp thuế các khoản dịch vụ. Riêng học phí thì các cơ quan kiểm toán, cục thuế yêu cầu nhưng trường không nộp, nếu phạt thì cứ phạt. Khi văn bản luật chưa rõ ràng, hiện các hướng dẫn luật vẫn chưa thống nhất thì chưa thể nộp được”, ông Trường nói.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường, Kế toán trưởng, trường Đại học Thủ Dầu Một (ảnh: Lê Phương)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường, Kế toán trưởng, trường Đại học Thủ Dầu Một (ảnh: Lê Phương)

Do đó, ông Trường kiến nghị cần có văn bản chính sách về thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp đối với các trường đại học, cao đẳng công lập rõ ràng về đối tượng chịu thuế, mức thuế và các danh mục dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, cách giải quyết trong công tác thuế tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một cách khác. Chia sẻ tại tọa đàm, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Thái, Kế toán trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, là một trong những trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, là một trong 23 trường đại học được tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, trường cũng là một trong 2 đơn vị được phê duyệt tự chủ cuối cùng trong giai đoạn 2017-2021, theo Nghị định 60 nhà trường đang xây dựng kế hoạch tự chủ theo giai đoạn tiếp theo.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang đóng thuế các hoạt động dịch vụ với mức 5%, học phí đào tạo ngắn hạn 2% và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở học phí hệ chất lượng cao. Hiện tại, nhà trường đóng thuế cho hệ không chính quy và mức chênh lệnh học phí giữa hệ đại trà và chương trình chất lượng cao cùng ở mức là 2%, còn học phí hệ đào tạo đại trà không phải đóng thuế.

Ông Thái cũng cho biết: “Năm 2019, cơ quan kiểm toán nhà nước đến kiểm toán tài chính những trường tự chủ giai đoạn 2016-2018 có yêu cầu tất cả các trường trong Bộ Giáo dục đào tạo phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho loại hình đào tạo chất lượng cao. Nếu lúc đó phải đóng tiền thuế và tiền phạt, chỉ riêng trường chúng tôi cũng sẽ mất tới hơn 40 tỷ đồng”.

Thạc sĩ Nguyễn Hùng Thái, Kế toán trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Lê Phương)

Thạc sĩ Nguyễn Hùng Thái, Kế toán trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Lê Phương)

Theo thạc sĩ Thái, lúc đó trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lập luận rằng loại hình đào tạo chất lượng cao với học phí tương ứng nhưng thực tế cho sinh viên học cơ sở vật chất tốt hơn với phòng máy lạnh, lớp sĩ số ít. Hơn nữa trường sử dụng phần thu học phí cao để đầu tư các phòng thí nghiệm để sinh viên hệ đại trà cũng được tiếp cận cùng với hệ chất lượng cao. Sau nhiều cuộc họp lắng nghe ý kiến thì Kiểm toán nhà nước không thu hồi thuế của các trường.

Sau đó thanh tra thuế của Thành phố Hồ Chí Minh cũng làm việc với nhà trường và lại yêu cầu nộp thuế. Trường cũng đã nộp thuế học phí hệ chất lượng cao và hệ đào tạo không chính quy. Trả lời bên thuế, nhà trường khẳng định việc tuyển sinh theo chỉ tiêu nhà nước cho phép, không hề tuyển ngoài để làm dịch vụ. Các trường xây dựng cơ chế thu học phí theo giá thì phải đóng thuế còn với các trường thuộc đơn vị giáo dục sự nghiệp thu học phí theo chỉ tiêu nhà nước thì không cần đóng thuế.

Tuy nhiên Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu trường gửi văn bản cho Tổng cục thuế nếu được đồng ý thì sẽ được hoàn thuế.

Ông Thái cho rằng, luật về thuế đối với các đơn vị sự nghiệp nên có sự thống nhất, tránh việc mỗi trường hiểu một kiểu, mỗi cơ quan thuế lại thực hiện một kiểu. “Mong sao các trường đại học cùng có tiếng nói chung để kiến nghị lên Quốc hội cần thiết nên sửa lại Luật thuế cho phù hợp”, vị đại diện trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị.

Lê Phương