Không đi đầu về nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh không thể đi đầu về kinh tế

16/08/2019 11:20
Việt Dũng
(GDVN) - Không đi đầu về chất lượng nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh không thể đi đầu về kinh tế.

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh như trên, tại hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong ngày 15/8.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang tập trung triển khai các bước đi, để tiến tới xây dựng một đô thị thông minh, với nòng cốt là những con người thông minh, đáp ứng các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới, chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L)

Chính vì thế, định hướng trong công tác giáo dục và đào tạo nói chung, định hướng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới.

Năng suất lao động, kỹ năng nghề còn yếu kém

Là một diễn giả tại hội thảo, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Huy Nhựt – Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Chất lượng nguồn nhân lực của ta hiện nay còn bộc lộ nhiều điểm yếu kém, cả về trình độ chuyên môn, năng suất lao động, kỹ năng nghề nghiệp.

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Huy Nhựt đưa ra dẫn chứng: Thống kê vào năm 2013 cho thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam là 18,2%, trong khi đó con số này của Singapore là 61,5%, Hàn Quốc là 62%.

Còn nếu tính cả lao động đã được đào tạo dưới 3 tháng, tỷ lệ này ở nước ta là 49%, còn Malaysia là 62% và Philippines là 67%.

Dù có tăng theo hàng năm, nhưng nhìn chung, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước ở trong cùng khu vực.

Ví dụ: Việt Nam chỉ bằng 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia và 56,7% của Philippines.

Quang cảnh hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Quang cảnh hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, đứng thứ 11/12 nước Châu Á có tham gia xếp hạng.

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta hiện nay đang là một nhu cầu cấp thiết, trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Lao động Việt Nam có khả năng tiếp thu

Ngay sau khi nghe đại diện các Bộ, ban ngành ở trung ương, đại diện các chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp, trường đại học phát biểu về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã có phát biểu kết luận hội thảo.

Đưa ra dẫn chứng Samsung đầu tư vào Việt Nam với quy mô lao động trên 100.000 người, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nói rằng, không phải chất lượng lao động của Việt Nam kém. 

“Tất cả những gì Samsung muốn làm, người Việt Nam đều đáp ứng được” – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (ngoài cùng, phải) trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo (ảnh: SGGP)
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (ngoài cùng, phải) trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo (ảnh: SGGP)

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, lao động Việt Nam có nền tảng đào tạo thì sẽ đáp ứng được nhu cầu. Đối với các lao động chưa tốt, sẽ được đào tạo bổ sung, nhưng quan trọng hơn cả là lao động Việt Nam có khả năng tiếp thu.

Dù dân số Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ chiếm khoảng 10% của cả nước, nhưng năng suất lao động của thành phố đã gấp 3 lần của cả nước, đóng góp gần 25% GDP của cả nước.

Đất nước đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục đi đầu về kinh tế, năng suất lao động gấp 3 lần cả nước hay cũng có thể tăng hơn nữa trong tương lai. Đáp ứng đòi hỏi này là không dễ dàng.

Theo Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, để tiếp tục đi đầu về mặt kinh tế, thì tiền đề là cần đi đầu về chất lượng nguồn nhân lực.

“Không đi đầu về chất lượng nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh không thể đi đầu về kinh tế” – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói tiếp.

Cứ 5 năm thì thành phố lại tăng thêm 1 triệu dân, trong đó có nửa triệu là lao động. Nguồn lực quan trọng nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là có 4,5 triệu lao động sáng tạo. Đó là một vốn quý.

Muốn đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ quốc tế cho thành phố, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Chủ tịch thành phố cần nhắc thành lập Hội đồng tư vấn (có các thành viên nước ngoài).

Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế tài chính phù hợp, nhất là đối với các trường chất lượng cao thì nhất thiết phải trả phí cao, nên có chương trình cho vay để theo học tại những trường như vậy.

Muốn đạt đến trình độ quốc tế, các trường học cần được tăng cường đầu tư, từ phòng ốc đến các trang thiết bị nghiên cứu. Ông Nguyễn Thiện Nhân gợi mở về chương trình cho vay kích cầu, để hình thành các trường đại học đạt trình độ quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cần phát triển mạnh mẽ hợp tác công – tư theo từng nhóm chuyên đề, từng nhu cầu của trường đại học, tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh, đào tạo giáo viên thực hiện được chương trình quốc tế, triển khai các môn học và chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế.

Hợp tác để nâng cao trình độ quản lý của nhà trường, hợp tác nhận chuyển giao công nghệ mới và phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, đẩy mạnh hơn nữa giáo dục thông minh, để các trường phổ thông cũng là trường thông minh, hình thành các chương trình đào tạo mở trên mạng miễn phí, có thể gọi là chương trình đào tạo, học tập suốt đời.

Việc đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế không thể dàn trải ở mọi lĩnh vực, mà chỉ có thể chọn lọc ở một số lĩnh vực mà thành phố cần, như công nghệ thông tin – truyền thông, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và người máy, robot, lĩnh vực y tế, quản trị doanh nghiệp, tài chinh ngân hàng, du lịch.

Việt Dũng