Không công khai danh tính là sai lầm, em nào có bản lĩnh sẽ biết vượt lên

31/03/2019 06:08
Trinh Phúc
(GDVN) - Bà Bùi Thị An cho rằng: “Nếu muốn để cho các em phát triển tốt đẹp hãy để các em biết lỗi của các em, biết lỗi của gia đình các em đã làm việc ấy".

Trước vấn đề công khai hay không công khai danh sách thí sinh gian lận điểm thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình và Sơn La, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13.

Theo bà Bùi Thị An: “Quan điểm của tôi là đề nghị công khai danh tính các em học sinh, các phụ huynh học sinh trong vụ việc gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La.

Đây không phải vấn đề nhạy cảm hay vấn đề cần thiết phải che giấu để bảo vệ các em”.

Giải thích cho quan điểm của mình, bà Bùi Thị An cho rằng: “Nếu muốn để các em phát triển tốt đẹp thì hãy để các em biết lỗi các em, biết lỗi của gia đình các em đã làm việc ấy.

Còn các em nay đã hơn 18 tuổi mà lại chủ trương che giấu việc này sẽ làm cản trở bước đường đi của các em và làm cho các em này tiếp tục sai lầm sau này”.

Bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khóa 13 (ảnh quochoi.vn).
Bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khóa 13 (ảnh quochoi.vn).

Bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Công khai danh tính là cần thiết. Còn không công khai mà cho rằng bảo vệ các em là một ý kiến sai lầm.

Bảo vệ các em là bảo vệ quyền lợi chính đáng chứ không công khai danh tính là tiếp tục che giấu danh tính, làm cho các em không nhận thức ra sai phạm của mình nên dễ tiếp tục mắc sai lầm tiếp theo”.

Theo suy luận của vị này thì chuyện nâng điểm các em sẽ biết. Khi làm bài, các em sẽ biết năng lực của mình nên việc nâng đến 26 điểm mà không nhận thức ra được vấn đề là khó tin.

Không công khai danh tính là sai lầm, em nào có bản lĩnh sẽ biết vượt lên ảnh 2Ông Dương Trung Quốc: Phải làm rõ động cơ, rồi công khai thí sinh được sửa điểm

Vị này còn cho rằng: “Nếu các em tiếp tục dựa dẫm vào những cái không đúng để phát triển thì chất lượng nguồn lực của nước ta sẽ rất yếu kém.

Vì thế, tôi đề nghị công khai danh tính các em ra.

Em nào có bản lĩnh thì biết vượt lên. Những việc ấy để các em ý thức được luôn rèn luyện, sửa chữa sai lầm của gia đình và của chính các em”.

Cuối cùng bà An cho rằng: “Để các em phát triển lành mạnh thì nên công bố danh tính.

Các em đã vi phạm, dù là phụ huynh vi phạm thì các em cũng phải nhận trách nhiệm. Các em phải biết việc này, các em đã 18 tuổi rồi chứ không phải 10 tuổi nữa”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, phóng viên đã trao đổi với ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội của đoàn Đồng Nai, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc Hội.

Theo ông Dương Trung Quốc thì nên công khai danh sách thí sinh và ông cũng cho rằng, phải xem nguyên nhân, động cơ của người sửa điểm do đâu, để thấy trách nhiệm của từng thí sinh liên quan.

Theo phân tích của ông Dương Trung Quốc: “Đứng về lý thuyết mà nói, có thể người ta tự ý sửa điểm của thí sinh chứ không phải được nhờ, hay thuê.

Do đó, cần làm rõ trách nhiệm, động cơ của người sửa điểm, trách nhiệm của gia đình và thí sinh liên quan”.

Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Trong trường hợp động cơ sửa điểm có nguyên nhân do gia đình và bản thân thí sinh thì như vậy là trái pháp luật.

Trường hợp này phải công khai, minh bạch”.

Không công khai danh tính là sai lầm, em nào có bản lĩnh sẽ biết vượt lên ảnh 3Không công khai danh tính thí sinh được nâng điểm, Bộ Giáo dục nói gì?

Một lần nữa vị này cho rằng: “Trước khi công khai thì phải làm rõ động cơ của người sửa điểm.

Mặc dù, về mặt lô - gích ai cũng biết không có nhờ vả thì không làm.

Phải làm rõ vấn đề này để rõ trách nhiệm của mỗi người liên quan.

Tránh trường hợp cho rằng, không nhờ, không thuê mà người ta vẫn làm. Người ta làm mà tôi lại mang tiếng.

Mặc dù, về lô - gích đời thường không nhờ thì không ai làm nhưng không làm rõ thì họ có quyền nói để bảo vệ lợi ích, danh dự của họ”.

Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Cần phải làm rõ động cơ người sửa điểm của từng đối tượng cụ thể. Có vấn đề thuê tiền bạc không hay có vấn đề quan hệ không?

Phải làm cho rõ việc thì công bố kia mới có cơ sở xác đáng”.

Trước đó, cơ quan chức năng đã làm rõ được tại Hòa Bình có đến có 64 thí sinh (trong đó có 63 thí sinh của năm 2018 và một thí sinh năm 2017) đã có sự thay đổi điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm đã công bố.

56 thí sinh với 47 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm. Trong đó, bài thi được nâng đến 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng điểm 3 môn lên đến 26,45 điểm.

Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 02 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.

Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.

Trinh Phúc