Không có tiền, hàng trăm học sinh chắc chắn vẫn phải lội bùn tới lớp

21/08/2014 06:18
Hà Linh
(GDVN) - Theo ông Phan Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM, đường Tô Ký xuống cấp là do chưa có kinh phí sửa chữa.

Liên quan đến tình trạng con đường đau khổ Tô Ký (phường Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM) khiến cho hàng học sinh, sinh viên của nhiều trường Đại học, tiểu học, trung tâm GDTX Q.12 và trường chuyên biệt Ánh Dương ngày ngày lội bùn, sình lầy tới trường, sáng ngày 20/8, trao đổi cùng với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Thành Tâm – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp cho biết: Sở dĩ con đường này bị xuống cấp là do chưa có kinh phí sửa chữa.

Không có tiền, hàng trăm học sinh chắc chắn vẫn phải lội bùn tới lớp ảnh 1

Con đường Tô Ký cứ mưa xuống là ngập úng, đường đầy bùn sầy

Theo ông Tâm cho biết, con đường này nguyên là hẻm 638 Tô Ký, đã hư hỏng từ vài năm nay. Nắm bắt được tình trạng này, từ năm 2011, phường và Q.12 đã có đề xuất, được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (Khu quản lý giao thông đô thị số 3) đồng ý đưa vào danh sách đầu tư kinh phí nâng cấp mới.

Tuy nhiên, đã 3 năm nay, dù năm nào, phường và Q.12 cũng có kiến nghị sớm nâng cấp con đường đau khổ nói trên, nhưng năm nào, khu quản lý giao thông đô thị số 3 cũng nói chưa có kinh phí.

Năm nay, cơ quan quản lý TP.HCM cũng vừa có thông báo sẽ không có kinh phí (khoảng 3,4 tỷ đồng) để thực hiện nâng cấp toàn bộ đoạn đường nói trên.

Chính vì vậy, phường Tân Chánh Hiệp, Q.12 cũng vừa có văn bản kiến nghị với lãnh đạo Q.12 đề xuất với Khu quản lý giao thông đô thị số 3 tiếp tục cân đối, tạo điều kiện kinh phí cho việc nâng cao đoạn đường này trong năm tới.

Ngoài ra, để thực hiện chương trình nâng cấp hẻm thành đường, giải quyết áp lực giao thông của đường Tô Ký thông ra đường Nguyễn Ảnh Thủ, đồng thời nhằm phục vụ cho năm học mới sắp tới, phường đã đề xuất sửa chữa lại đoạn đường Tô Ký này theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp – ông Phan Thành Tâm giải thích: Có nghĩa rằng trong trường hợp này, người dân sẽ chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống thoát nước, nền hạ cho đoạn đường, còn địa phương sẽ chịu trách nhiệm làm phần mặt đường.

“Hiện người dân đã đồng ý hiến đất trong trường hợp bị giải tỏa để nâng cấp hẻm thành đường, nhưng còn chuyện đầu tư cùng với địa phương thì vài ngày nữa sẽ phải tổ chức họp người dân lại để xin ý kiến” – ông Tâm nói tiếp.

Cũng theo ông Phan Thành Tâm, dù năm 2013, đoạn đường này đã từng được duy tu, dặm đá, sửa chữa, nhưng chỉ sau vài tháng thì tình trạng lại như cũ. Lý do được ông Tâm giải thích là do khu vực này chưa có hệ thống thoát nước, cứ mỗi khi mưa hay gió bụi sẽ không thể thoát ra ngoài.

Song song đó, chính vì TP.HCM đã đưa đoạn đường vào diện đầu tư kinh phí, nên địa phương không làm việc này, vì sợ bị trùng lắp, chứ “không phải chính quyền không biết, không quan tâm như người dân suy nghĩ”.

Hà Linh