Không có sự cố gắng nào là vô nghĩa

10/05/2015 06:36
Phương Thảo
(GDVN) - Thực tế, dưới con mắt của những người “chiêu mộ” người tài thì bằng cấp có quan trọng?

Ngày 9/5/2015 – FPT đã phối hợp cùng Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội tổ chức chương trình “FPT CEO Talk” với chủ đề “Phía sau những thành công” thu hút gần 600 sinh viên tham dự.

Tại buổi nói chuyện này, gần 600 sinh viên khối ngành kinh tế đã được các “nữ tướng” FPT chia sẻ những bài học thành công cũng như thất bại trong cuộc đời làm việc của mình.

Nói chuyện với các sinh viên, chị Vũ Thị Mai Hương, chị Chu Thanh Hà và chị Lê Minh Đức (Tập đoàn FPT) đều nhận định, để thành công các bạn sinh viên cần có được các trải nghiệm thực tế và sự nỗ lực cao nhất của bản thân.

Chu Thanh Hà chia sẻ, với những sinh viên mới ra trường, 3 năm đầu tiên nên cho bản thân mình cơ hội trải nghiệm thực tế nhiều nhất, để từ đó tìm ra môi trường, công việc phù hợp nhất với khả năng của mình và đam mê, phát triển công việc đó.

Không có sự cố gắng nào là vô nghĩa ảnh 1

Nhiều sinh viên khối kinh tế quan tâm tới cuộc nói chuyện. Ảnh Phương Thảo

Những “nữ tướng” của FPT cũng cho rằng, kinh nghiệm cho thấy, khi bắt đầu nhận làm một công việc nào đó, phải có trách nhiệm và cố gắng hết sức cho công việc đó.

Không có sự cố gắng nào là vô nghĩa. Kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được từ bất cứ công việc nào cũng có thể là tiền đề cho thành công tương lai.

Còn với chị Lê Minh Đức, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Telesale, một trong những người tham gia mở rộng thị trường Internet từ những ngày đầu, thì nghĩ luôn có xác xuất thành công cho mọi việc, cần mẫn, tự tin rồi sẽ tìm được công việc hết sức phù hợp, thú vị.

“Luôn tìm đến ngọn nguồn thông tin, hiểu bản chất của việc cần tìm hiểu; tự tin; thành thật; quyết tâm vượt khó khăn theo đuổi công việc một cách kiên trì, không bỏ cuộc giữa chừng là yếu tố giúp bạn tìm kiếm được công việc phù hợp và yêu thích” chị Đức nhấn mạnh.

Không có sự cố gắng nào là vô nghĩa ảnh 2

Các khách mời tham dự sự kiện. Ảnh Phương Thảo

Thực tế, khi đi xin việc hiện nay tại các cơ quan, các xí nghiệp thì chuyện bằng cấp vẫn là yếu tố để xem xét. Vậy, thực tế dưới con mắt của những người “chiêu mộ” người tài thì bằng cấp có quan trọng?

Chia sẻ về điều này, chị Chu Thanh Hà cho rằng, bằng cấp là yếu tố quan trọng khi tuyển dụng. Tuy nhiên với FPT, đó chỉ là điều kiện cân chứ chưa phải điều kiện đủ.

Tham gia hoạt động xã hội, công tác Đoàn, hội trong nhà trường sẽ là những kinh nghiệm bổ trợ cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm.

Sinh viên cần “dám thất bại”, quãng thời gian tốt nghiệp cũng là lúc sinh viên được thất bại. Điều này nói lên trong thành công thì không thể thiếu lúc thất bại – đây là chia sẻ của chị Lê Minh Đức (Giám đốc Trung tâm kinh doanh Telesale).

Tổ chức sự kiện bổ ích này nhiều sinh viên được trao đổi, được học hỏi những kinh nghiệm thực tế từ những người đã thất bại, đã thành công, giúp các em hành trang chuẩn bị chinh phục những thử thách mới.

Đây là sự kiện thứ 10 của chuỗi chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc. CEO Talk với mục tiêu giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, thêm cơ hội khám phá bản thân và đưa ra những quyết định đúng đắn cho con đường phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Phương Thảo