Không có lửa sao có khói, cấm học sinh nói xấu thầy cô được không?

05/11/2018 07:35
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nhiệm vụ của giáo dục là giúp học trò nhìn nhận vấn đề, trên quan điểm nhân văn, khoa học và pháp luật. Vì thế, thay vì cấm đoán, hãy lắng nghe để thấu hiểu...

LTS: Câu chuyện về việc kỷ luật học sinh nói xấu giáo viên trên mạng xã hội đang được nhiều người quan tâm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.

Cha ông ta có câu “ra đường hỏi người già, vô nhà hỏi con trẻ”. Chỉ có con trẻ, mới trả lời thật thà về nhà của nó. Đói, nó trả lời đói, không trả lời no, theo ý của cha mẹ nó được.

Ngày nay, đến trường, về nhà con trẻ bi bô kể chuyện trường, chuyện lớp, yêu ghét gì nó cũng nói thật lòng. Sự thật mất lòng, dẫu sao cũng cần biết và nghe sự thật.

Không có lửa, làm sao có khói? Khẳng định 99,99%, không có thầy cô giáo tốt mà bị học trò nói xấu. Nếu nhận xét, đánh giá về giáo viên tốt, có nói xấu, học sinh cũng để từ xấu trong ngoặc.

Tôi từng đọc lời nói “xấu” của học trò về giáo viên: “thầy ơi, thầy “xấu quá”, vì thầy mà em yêu bộ môn Sử mất rồi”; Thầy ơi, em “ghét thầy” sau tiết dạy đầu tiên rồi; thầy đúng là “kẻ thù của đời em”, thầy làm em hiểu ra, mình cần khiêm tốn hơn;…

Học trò “nói xấu thầy cô” nên xử lý thế nào?Ảnh: Nld.com.vn
Học trò “nói xấu thầy cô” nên xử lý thế nào?Ảnh: Nld.com.vn

Khi có giáo viên tốt bị nói xấu, sai sự thật, cũng chẳng cần đến giáo viên thanh minh; những học sinh cảm nhận cái tốt từ giáo viên, phản biện, bảo vệ thầy cô ngay. 

Chính vì thế dân ta có câu “tiền trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu học trò nói xấu mình, hãy cảm ơn, học trò đã dũng cảm nói thật lòng, để cho mình sửa chữa.

Nếu học trò nói sai, cần làm cho học trò không hiểu lầm ý tốt của mình; nếu học trò nói đúng, là bạn, là thầy của mình.

Vì thế kỷ luật học sinh nói xấu thầy cô giáo, là chúng ta chưa tìm ra giải pháp giáo dục học trò.

Quản lý “nói xấu thầy cô” bằng cách nào?

Thời đại 4.0, gần như học sinh trung học đã có địa chỉ email, các em đã sử dụng mạng xã hội. Thâm nhập thế giới này, ta thấy “nhan nhản” các nhóm, do học sinh lập để thể hiện quan điểm của mình.

Cháu tôi, mới học lớp sáu, mở khoe ông đủ nhóm kín, cháu tham gia: Ghét giáo viên chủ nhiệm; Ghét phòng vệ sinh; … kể cả nhóm Ghét học thêm.

Không có lửa sao có khói, cấm học sinh nói xấu thầy cô được không? ảnh 2Thưa cô, đố cô biết, nhà em nuôi mấy con bò ạ?

Cháu mở cho tôi đọc lời bình trong nhóm, có lời nói xấu giáo viên chủ nhiệm, cũng có ngay lời phản bác lại, bênh vực giáo viên.

Lời các cháu, nói chung là khách quan, theo nhận thức và góc nhìn của học trò.

Từ thực tế, tôi đề nghị: Trong website của nhà trường, có mục góp ý, đánh giá cho từng giáo viên, tương tác dựa trên Mail, hoặc Facebook...

Quản lý mục này là Ban giám hiệu và chính mỗi giáo viên có tên trong trường.

Thông báo rộng rãi mục đích, yêu cầu của hộp thư đến học sinh và phụ huynh nhà trường. Khi có ý kiến của học trò, Ban giám hiệu và giáo viên cùng nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm, sửa chữa.

Trường hợp giáo viên sai, không sửa đổi sau khi Ban giám hiệu góp ý, xây dựng; cần mời sự tham gia của các ban ngành trong nhà trường, đảm bảo khách quan, công bằng cho giáo viên.

Nếu “nói xấu” do học sinh hiểu lầm, giáo viên cần có biện pháp tế nhị, khéo léo, giúp học sinh nhìn nhận đúng về mình.

Khi có nơi “xả rác hợp pháp”, học trò có “suy nghĩ xấu” về giáo viên, nhà trường, vào đó mà “bỏ rác vào thùng”; đảm bảo sạch sẽ, văn minh.

Ban giám hiệu nắm bắt được tình hình của dư luận học trò, giáo viên biết, tự răn mình, làm mới mình, đẹp hơn trong mắt người khác.

Nhiệm vụ của giáo dục là giúp học trò nhìn nhận vấn đề, trên quan điểm nhân văn, khoa học và pháp luật. Vì thế, thay vì cấm đoán, hãy lắng nghe để thấu hiểu, sẻ chia với các em, xứng đáng là giáo viên tốt, nhà trường tốt.

Sơn Quang Huyến