Không cần một chương, điều với tên gọi là “triết lý giáo dục" ở Luật Giáo dục

18/02/2019 06:26
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo kết quả bước đầu lấy ý kiến nhân dân, trong Dự thảo Luật Giáo dục, không cần phải có một chương hay điều luật riêng có tên là “ triết lý giáo dục”.

Theo dự kiến, vào ngày 22/2 tới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo số liệu được tổng hợp, tính đến ngày 22/1, Bộ đã nhận được: Báo cáo của 53/63 sở giáo dục và đào tạo với 812.591 ý kiến; 195 Phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực;113 người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội- xã hội nghề nghiệp và xã hội, hiệp hội; 31 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; 130 bài báo…

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia giáo dục phát biểu nhiều khi bàn luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là câu hỏi rằng, triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?

Nguyên lý và mục tiêu giáo dục ghi nhận tại Điều 61 của Hiến pháp 2013: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Ảnh minh họa: Đỗ Thơm
Nguyên lý và mục tiêu giáo dục ghi nhận tại Điều 61 của Hiến pháp 2013: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Ảnh minh họa: Đỗ Thơm

Đây cũng là một trong 11 nhóm vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân.

Theo đó, về quy định triết lý giáo dục, cơ bản có hai loại ý kiến.

Trong đó: phần lớn các ý kiến góp ý đồng tình với quan điểm triết lý giáo dục đã được thể hiện trong các quy định về mục tiêu của giáo dục (Điều 2), tính chất, nguyên lý giáo dục (Điều 3), yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục (Điều 7) và phát triển giáo dục (Điều 11) của Dự thảo Luật Giáo dục, trong Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, trong Dự thảo, không cần phải có một chương hay điều luật riêng có tên là “ triết lý giáo dục”.

Nhóm quan điểm này cũng cho rằng phương án khả thi nhất hiện nay là tiếp tục hoàn thiện các quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều 6 và Điều 11 của dự thảo Luật để thể hiện đầy đủ tư tưởng triết lý giáo dục trong quan điểm, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam và cụ thể hóa nguyên lý và mục tiêu giáo dục ghi nhận tại Điều 61 của Hiến pháp 2013: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Nhóm ý kiến này cũng xuất phát từ kinh nghiệm pháp luật nước ngoài. Các quốc gia được khảo sát không có quy định riêng về triết lý giáo dục trong văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, nhiều ý kiến góp ý đề xuất sửa câu chữ để hoàn thiện mục tiêu giáo dục và tính chất, nguyên lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam, đáp ứng sự phát triển khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, một số ít ý kiến đề nghị hợp nhất Điều 2 (Mục tiêu giáo dục) và Điều 3 (Tính chất, nguyên lý giáo dục) thành một điều là “Triết lý giáo dục”, làm kim chỉ nam cho phát triển triển giáo dục nước nhà.

Chính phủ đồng ý với nhóm ý kiến thứ nhất: không đưa vào dự thảo Luật Giáo dục một chương hoặc điều với tên gọi là “triết lý giáo dục”; tiếp tục hoàn thiện điều quy định về mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục và chuyển vị trí Điều 11 về phát triển giáo dục lên thành Điều 3 nhằm thể hiện rõ triết lý giáo dục và để nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam và cụ thể hóa Điều 61 của Hiến pháp 2013.

Đỗ Thơm