Khó khăn chồng chất của nhiều trường tư thục

12/11/2019 08:37
Tùng Dương
(GDVN) - Nhiều trường mầm non, phổ thông tư thục đang góp phần gánh giúp Nhà nước trách nhiệm phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc, nên miễn / giảm thuế cho họ.

Tiếp theo bài trước: Ý kiến thầy Võ Thế Quân về điều kiện hưởng ưu đãi thuế đối với trường tư thục.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô, Hà Nội, nêu quan điểm tại Tọa đàm với chủ đề “Chính sách thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 5/11: 

Nếu việc thực hiện thu thuế ở các trường ngoài công lập dựa vào Quyết định số 1466/QĐ - TTg ngày 10/10/2008 là  các trường không đạt tiêu chuẩn 6 m2 đất trên 1 học sinh phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp thì các trường (có thể) phải truy nộp số tiền thuế còn thiếu theo mức 25%, 28% và nộp phạt về nộp chậm tiền thuế còn thiếu từ năm 2008 đến nay.

Nếu thực hiện việc này là không thỏa đáng, không thấu tình đạt lý, mang tính áp đặt và gây bất bình trong các trường ngoài công lập, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính ở một số trường, thậm chí có trường đứng trước bờ vực phá sản trước tình hình này.

Nếu hệ thống các trường ngoài công lập bị đổ vỡ theo phản ứng dây chuyền sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của hàng triệu học sinh, đến đời sống của hàng triệu gia đình người lao động, gây bất ổn xã hội.

Để tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra, đề nghị không thực hiện việc thu thuế 25 %, 28 %  mà giữ nguyên mức 10% theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP và Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

Nếu được quan tâm đầy đủ, Giáo dục tư thục mạnh biết chừng nào

Nên hạ thuế suất ưu đãi xuống 5% - 7% để thu hút xã hội đầu tư vào giáo dục

Cần thực hiện sự công bằng trong giáo dục, công bằng trong thụ hưởng phúc lợi giáo dục của học sinh trường ngoài công lập với học sinh trường công lập.

Hiện nay các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ngoài công lập đang góp phần cùng các trường công lập thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và tiến tới phổ cập trung học phổ thông theo Nghị quyết Đại hội XI, XII Đảng cộng sản Việt Nam, Luật Giáo dục 2019.

Các trường ngoài công lập không được nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, không sử dụng đến ngân sách nhà nước mà dựa vào các nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục và sự đóng góp của phụ huynh học sinh theo cơ chế xã hội hóa giáo dục.

Vì vậy Nhà nước cần ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích và ủng hộ các nhà trường làm tốt nhiệm vụ của mình đối với  sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.

Việc bắt các trường phổ thông ngoài công lập phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là coi các trường học như doanh nghiệp là không hợp lý.

Việc thu thuế các trường ngoài công lập thực chất là đánh thuế vào việc học của học sinh dẫn đến bất bình đẳng ngày càng lớn giữa học sinh trường ngoài công lập với học sinh trường công lập.

Học sinh trường công lập đóng học phí thấp (Tiểu học không phải đóng học phí), được nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, trả lương giáo viên, được cấp kinh phí hàng năm cho hoạt động giáo dục (Ví dụ: Hà Nội cấp 7,2 triệu đồng 1 học sinh 1 năm học đối với học sinh trung học phổ thông...), các trường công lập không phải đóng thuế.

Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với các trường tư thục”.

Tới dự tọa đàm có chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội).

Thầy Nguyễn Anh Tuấn và cô Đàm Thùy Dương - đại diện Trường phổ thông liên cấp Wellspring Hà Nội.

Cô Nguyễn Hồng Nhung - Kế toán trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Cô Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giáo dục và Đào tạo phát triển kỹ năng sống Minh Trí (tỉnh Quảng Ninh).

Tùng Dương