Khi học trò của tôi đã khôn lớn, trưởng thành!

20/11/2019 06:50
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Tôi rất vui mừng và tự hào về nhiều cô, cậu học trò quậy phá, cá biệt ngày nào giờ đã thay đổi, trưởng thành đến mức không nhận ra nổi.

Đến nay, tôi đã có 23 năm dạy học ở một ngôi trường trung học phổ thông mà phần nhiều là diện học sinh “dưới sàn” vừa học yếu vừa sa sút về hạnh kiểm.

Chính vì vậy, công việc chủ nhiệm và dạy học của tôi gặp không ít khó khăn, vất vả so với các đồng nghiệp ở các trường có học sinh “trên sàn”.

Nhưng biết làm sao đây, khi “trót” có duyên nợ với ngôi trường ấy. Tôi tự nhủ với lòng mình, cần kiên trì, cố gắng thật nhiều trong nhiệm vụ dạy chữ và dạy người.

Tình cảm thầy trò gắn bó (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Tình cảm thầy trò gắn bó (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Có những em cá biệt, chưa ngoan khiến tôi mất ăn, mất ngủ để tìm các biện pháp uốn nắn, giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất.

Có em sửa đổi, tiến bộ nhanh, đến năm học lớp 11 và lớp 12 đã rất khác.

Có em chậm sửa đổi, tiến bộ, gần tới ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn chứng nào tật nấy: nghỉ học tùy tiện, hay gây gổ đánh nhau, vô lễ với người lớn, thầy cô giáo…

Có những lúc tôi chợt nghĩ, một số học sinh cá biệt ấy, sau này ra trường, bước vào đời chắc không ra gì, tiếp tục làm khổ cha mẹ, người thân...

Mình cũng chẳng trông mong tụi nó nhớ, quan tâm, hỏi han… đến thầy giáo cũ như mình.

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, bao nhiêu thế hệ học trò của tôi đã ra trường, đi học các ngành nghề, làm đủ thứ việc, lập gia đình, sinh sống muôn phương.

Tâm trí tôi cũng chỉ nhớ được một số em hay gặp gỡ, còn lại đều “quên hết”. Nhưng khoảng 5 năm qua, khi học trò cũ của tôi đã lớn cùng với điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh, tôi và các thế hệ học sinh ấy lại có dịp kết nối, gặp gỡ nhau từ không gian mạng đến đời thực ngày càng nhiều.

Các em phải giới thiệu, mô tả nhiều lần, tôi mới nhận ra em đó, ngày xưa học ở lớp nào, năm bao nhiêu….

Tôi rất vui mừng và tự hào về nhiều cô, cậu học trò quậy phá, cá biệt ngày nào giờ đã thay đổi, trưởng thành đến mức không nhận ra nổi.

Ngày xưa lì lợm, khó dạy bảo bao nhiêu thì bây giờ lễ phép, hiền ngoan, chững chạc bấy nhiêu.

Hầu hết các em đã xây dựng được cuộc sống gia đình ấm êm, công việc ổn định, có một số em lanh lợi, ăn nên làm ra, cuộc sống kinh tế khá giả.

Độ lượng, bao dung mới cảm hóa được học trò
Độ lượng, bao dung mới cảm hóa được học trò

Các ngày lễ tết, ngày nhà giáo Việt Nam, ngày sinh nhật, tôi luôn ngập tràn trong niềm vui sướng khi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn, lời chúc mừng của các thế hệ học trò từ muôn nơi:  

"Chúc thầy và gia đình thầy dồi dào sức khỏe.

Chúc thầy tiếp tục thành công trong sự nghiệp trồng người.

Khi về quê, nhất định em sẽ đến thăm thầy.

Cảm ơn thầy đã dìu dắt em được như ngày hôm nay...".

Ôi những câu chúc chứa chất, đong đầy biết bao nhiêu tình cảm quý mến, yêu thương của các em dành cho tôi - người thầy giáo cũ, vốn nổi tiếng khó tính và nghiêm khắc.

Còn các em ở gần thì đến nhà thầy tặng hoa, quà hoặc mời thầy đi liên hoan, đi chơi đó đây.

Với bản tính chân tình, giản dị, dễ gần của mình, thầy trò chúng tôi càng thêm sum vầy, gắn bó.

Có những khó khăn, buồn vui trong công việc, cuộc sống, trò thầy tôi cùng sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Vì khi các em bước vào đời, đã trưởng thành, tôi luôn coi các em vừa là trò vừa bạn.

Nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm, quý trọng của các thế hệ học trò cũ, lúc nào, tôi cũng rất đỗi tự hào, hãnh diện về học sinh, về nghề nghiệp của mình đã lựa chọn và luôn tự nhủ với bản thân mình cần tiếp tục phấn đấu, cống hiến, quản lý giáo dục các em hôm nay tốt hơn nữa.

Mình cho các em thật nhiều, nhất định sau này, các em trưởng thành sẽ không quên công ơn mình, tôi thường trải lòng, tâm tư với các đồng nghiệp, giáo viên trẻ tuổi như thế.

SÔNG TRÀ