Khi giáo viên đua nhau làm “cò đất”

27/04/2021 06:55
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy cô thu lợi từ “cò đất” bao nhiêu thì học trò thiệt hại gấp bội phần bấy nhiêu. Đúng là, giáo viên làm “cò đất”, học trò ...sau này bán đất mà sống.

Cả tổ bán tín bán nghi khi thầy giáo Tứ (đã đổi tên) mời đi “rửa xe” mới, thế nhưng ai cũng nhận lời vì tò mò, sao mà Tứ “lên” nhanh thế, vừa mới tân gia cái nhà tiền tỷ, nay mua xe ô tô gần tỷ bạc.

Mở đầu tiệc liên hoan, Tứ chia sẻ: “Hôm nay em mời cả nhà liên hoan, rửa xe mới. Em cảm ơn cả nhà đã giúp đỡ em thời gian qua, con xe này cũng là nhờ thầy cô dạy giúp mà em có.

Hôm nay không say không về, em mời thầy cô vui say thỏa thích, một lần nữa em xin cảm ơn cả nhà”.

Thầy giáo Tứ dạy Thể dục, có em trai làm bên trung tâm đăng ký đất đai của huyện, hơn năm nay làm “cò” đất và làm giấy tờ đất.

Từ ngày làm thêm nghề tay trái này, kinh tế nhà Tứ đi lên thấy rõ, mua đất, làm nhà, nội thất hoành tráng, nay lại mua xe hơi gần tỷ bạc, giáo viên trong trường ai cũng “ngưỡng mộ”.

Làm "cò đất" giúp giáo viên có thu nhập tốt nhưng học sinh lại thiệt thòi. (Ảnh minh họa: Baotainguyenmoitruong.vn)

Làm "cò đất" giúp giáo viên có thu nhập tốt nhưng học sinh lại thiệt thòi. (Ảnh minh họa: Baotainguyenmoitruong.vn)

Giáo viên đua nhau làm “cò đất”

Cô giáo Mai (đã đổi tên) chia sẻ: “Cứ giới thiệu được một hợp đồng mua bán đất, “cò” được hưởng 2% giá bán. Lô đất rẻ nhất giờ cũng hơn 500 triệu, tiền “cò” hơn chục triệu đồng, bằng hai tháng lương em rồi, nên phát ham thầy ạ.

Lúc đầu em cũng học theo, làm cho vui, ai ngờ làm chơi ăn thật. Giờ có nhiều giáo viên mình làm “cò” lắm, thầy ra phòng công chứng gặp nhiều giáo viên, có người cao thủ, ngày bán bảy lô, thu nhập khủng luôn đó”.

Sốt đất diễn ra trên cả nước, nhưng sốt nhất có lẽ trên... facebook, trên trang cá nhân của không ít giáo viên, hàng ngày đều có bài mới về bán lô đất mới, chốt lô đất cũ, khoe ảnh “chốt” hợp đồng mua bán đất.

Giáo viên làm “cò”, học trò... sau này bán đất mà sống

Khi giáo viên làm “cò” đất, điện thoại thường trực 24/24. Đang dạy, nghe “ting ting” là mở máy kiểm tra tin nhắn, trả lời tin nhắn, trả lời điện thoại, nào Zalo, nào Messenger, cứ thế, tiết dạy bị “ting ting” làm khổ.

Không trả lời không được, bỏ qua một “ting ting” mất vài chục triệu bạc như chơi, chưa tính có những “thổ” giao dịch vài chục tỷ đồng, mất cả hai năm lương không chừng.

Nếu có hẹn xem đất, gặp mặt chủ đất để “cọc”, giáo viên đành nhờ đồng nghiệp dạy giùm, không có ai rảnh để “cứu” giúp thì báo ốm, xin phép. Chỉ cần “biết điều” một chút là êm thấm, chẳng ai nói vô, nói ra gì.

Tâm thế đi dạy cho có, chỉ chờ “ting ting”, chất lượng tiết dạy ra sao, người viết không nói bạn đọc cũng biết.

Thầy cô thu lợi từ “cò đất” bao nhiêu thì học trò thiệt hại gấp bội phần bấy nhiêu. Đúng là, giáo viên làm “cò đất”, học trò ...sau này bán đất mà sống.

Có nên cấm giáo viên làm “cò đất” không?

Thực tế hiện nay, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm giáo viên làm “cò” nói chung và “cò đất” nói riêng.

Thực tế hiện nay, đất đai lên cơn “sốt” đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Nguyên nhân gây “sốt” cũng có phần không nhỏ do “cò đất” thổi giá, kê giá, gây hoang mang dư luận.

Chưa ai cấm giáo viên làm “cò đất” nhưng xin hãy để “cò” bay lả bay la ngoài cánh đồng, thầy cô đừng đưa “cò” bay trên bục giảng, làm khổ học trò.

Học trò không nói nhưng biết hết, ký ức những giờ “cò” dạy không mấy đẹp, sẽ theo chúng suốt cuộc đời, giáo viên không ai muốn đâu.

Vì vậy, cần có văn bản “nghị quyết nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thời gian làm việc để tham gia giao dịch, môi giới, mua bán đất đai” như huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.[1]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.sggp.org.vn/can-gio-cam-can-bo-moi-gioi-mua-ban-dat-dai-727545.html

(*) Văn phong, nội dung thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Lê Mai