Kết luận của Ủy ban nhân dân thị xã Phổ Yên về Trường Tiểu học Đắc Sơn II

24/10/2021 07:19
Thu Giang
GDVN- Một số nội dung phản ánh nhà trường cần tiếp thu và rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Ngày 12/10/2020, Ủy ban nhân dân thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đã ra văn bản số 05/KL-UBND kết luận về việc kiểm tra các nội dung thông tin do báo chí và phụ huynh học sinh phản ánh về Trường Tiểu học Đắc Sơn II và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II.

Văn bản này do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Phổ Yên Nguyễn Công Thịnh ký.

Nội dung cụ thể của kết luận như sau:

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật tố cáo số 25/2018/QH14 ngày 12/6/2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Quyết định số 4285/QĐ-UBND ngày 30/6/2020 của Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên về việc kiểm tra các nội dung thông tin do báo chí phản ánh về Trường Tiểu học Đắc Sơn II và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II;

Xét Báo cáo số 06/BC-ĐKT ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Đoàn kiểm tra về kết quả kiểm tra các nội dung thông tin do báo chí và phụ huynh học sinh phản ánh về Trường Tiểu học Đắc Sơn II và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II,

Ủy ban nhân dân thị xã Phổ Yên kết luận các nội dung thông tin do báo chí và phụ huynh học sinh phản ánh về Trường Tiểu học Đắc Sơn II và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II như sau:

I. KẾT QUẢ KIỂM TRA

1. Nội dung phản ánh

1.“Có khoảng 10 thùng chứa truyện tranh, truyện cổ tích do Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã phát cho các trường tiểu học trên địa bàn để bổ sung vào kho sách trong thư viện phục vụ cho học sinh từ năm 2018, nhưng đến nay Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II không cho học sinh đọc nên vẫn nằm trong thùng. Một số thùng phần đáy đã bị nước thấm vào hư hỏng”.

2. “Năm học 2016-2017 và 2017-2018, nhiều ngày thể hiện thiếu thực phẩm được nhân viên nấu ăn của nhà trường ghi chép cẩn thận khi tổ chức ăn bán trú cho học sinh như: ngày 4/10 thiếu 1,9 kg gà, ngày 6/10 thịt thiếu 0,7kg, ngày 13/10 thịt thiếu 0,4 kg… Nhiều lần Ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị được kiểm tra, giám sát thực phẩm, chế biến thức ăn cho con em họ nhưng hiệu trưởng không cho phép”.

3. “Từ năm học 2015-2016 cho đến nay khi cô Dương Thị Hương về làm Hiệu trưởng, Hiệu trưởng nhà trường đưa vào danh mục những khoản phụ huynh học sinh lớp 1 phải đóng bắt buộc là 550.000 đồng/học sinh tiền bàn ghế mới. Cứ 02 học sinh vào lớp 1 đầu năm học sẽ phải đóng tiền mua 01 bộ bàn ghế mới”.

“Giá bộ bàn ghế mới được Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II mua 1.100.000 đồng/bộ trong khi phụ huynh tham khảo bên ngoài chỉ có giá 800.000 đồng/bộ mà chất lượng tốt hơn”.

4. “Năm học 2019-2020, Hiệu trưởng nhà trường đứng trước phụ huynh toàn trường yêu cầu mỗi học sinh lớp 1 đóng góp 500.000 đồng mua bàn ghế mới. Giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ thu khoản này. Ngoài ra, năm học 2019-2020, Hiệu trưởng nhà trường mua trước chăn, gối đưa về các lớp 1 và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thu mỗi học sinh 200.000 đồng”. Tuy nhiên chăn, gối kém chất lượng và không đủ cho từng học sinh.

Theo phản ánh của phụ huynh học sinh: Nhà trường tổ chức ăn bán trú chưa thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, không có biên bản thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Phụ huynh học sinh đề nghị tạm dừng ăn bán trú để chuẩn bị thêm nhưng Hiệu trưởng nhà trường không tiếp nhận thông tin mà vẫn tiến hành tổ chức ăn bán trú.

5. “Trường Tiểu học Đắc Sơn II có gần 20 lớp học, mỗi lớp bình quân có 40 học sinh, nhưng chỉ duy nhất một khu nhà vệ sinh dành cho học sinh”. Khu vệ sinh dành cho học sinh thì bẩn, thiết bị vệ sinh hỏng.

6. “Năm học 2019-2020 Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường không hề biết việc nhà trường kêu gọi phụ huynh ủng hộ để làm gì, kế hoạch thu, chi như thế nào. Lớp 4B ủng hộ ít, Hiệu trưởng nhà trường nêu tên trước trường, bị xếp hạng thấp vào đúng dịp 20/11”.

7. “Năm học 2019-2020, Nhà trường không thực hiện công khai minh bạch quyết toán các khoản thu, chi xã hội hóa”.

8. “Hiệu trưởng nhà trường phân công vị trí tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không dựa vào năng lực, việc đánh giá viên chức và gửi kết quả đánh giá lên Phòng Giáo dục và Đào tạo do Hiệu trưởng tự đánh giá không theo kết quả do hội đồng sư phạm bình bầu”.

9. “Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II ăn chặn lương tiền công của người nấu ăn, lao công, bảo vệ cụ thể:

+ Tiền công nấu ăn: Năm học 2016-2017: theo hợp đồng ký là 3,5 triệu đồng nhưng thực nhận là 3,3 triệu đồng; năm học 2017-2018: theo hợp đồng ký là 4 triệu đồng nhưng thực nhận là 3,8 triệu đồng.

+ Tiền công vệ sinh: theo hợp đồng mỗi tháng là 2,9 triệu đồng nhưng thực nhận là 2,7 triệu đồng.

+ Tiền công bảo vệ: theo hợp đồng mỗi tháng là 3,1 triệu đồng nhưng thực nhận là 3 triệu đồng”.

Trường Tiểu học Đắc Sơn II (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: http://thdacson2.phoyen.edu.vn/)

Trường Tiểu học Đắc Sơn II (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh:

http://thdacson2.phoyen.edu.vn/)

2. Kết quả kiểm tra:

2.1. Nội dung phản ánh “Có khoảng 10 thùng chứa truyện tranh, truyện cổ tích do Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã phát cho các trường tiểu học trên địa bàn để bổ sung vào kho sách trong thư viện phục vụ cho học sinh từ năm 2018, nhưng đến nay Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II không cho học sinh đọc nên vẫn nằm trong thùng. Một số thùng phần đáy đã bị nước thấm vào hư hỏng”.

Theo giải trình của bà Dương Thị Hương – Hiệu trưởng nhà trường: Ngày 11/5/2018 nhà trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo giao bổ sung kinh phí dự toán chi ngân sách năm 2018, trong đó có kinh phí thực hiện bổ sung sách cho thư viện số tiền là 28.971.000 đồng. Sau đó nhà trường nhận được thông báo của Phòng Giáo dục và Đào tạo đến tại Trường Tiểu học Nam Tiến II nhận sách.

Toàn bộ hồ sơ để thực hiện thanh toán số sách, truyện trên do Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã làm và giao lại cho nhà trường (gồm Hóa đơn GTGT, hợp đồng kinh tế về việc mua sách thiếu nhi và báo giá sách của 3 đơn vị).

Đoàn kiểm tra đã làm việc với nhân viên thư viện của trường, giáo viên được giao đi tiếp nhận sách, truyện cho thấy: Nhà trường tiếp nhận 08 thùng bên ngoài thùng ghi “Nhà xuất bản Kim Đồng” vào khoảng tháng 8 năm 2018. Nhà trường được thông báo nhận sách, truyện tại Trường Tiểu học Nam Tiến II. Tại buổi giao nhận có sự tham gia của bà Mẫn Thị Quyên – chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã, đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng (tuy nhiên không rõ là ai) và bà Nguyễn Thị Bằng – giáo viên Trường Tiểu học Đắc Sơn II. Sau khi tiếp nhận ở Trường Tiểu học Nam Tiến II đã giao lại cho bà Ngô Vũ Quỳnh Nga – nhân viên thư viện nhà trường.

Theo giải trình của bà Dương Thị Hương: Bà Hương không đồng ý thanh toán số sách, truyện trên với lý do số sách, truyện trong các thùng không phải là do nhà trường trực tiếp đi mua và cũng không theo nhu cầu cần bổ sung của phòng thư viện nhà trường. Đồng thời nhà trường không biết rõ đơn vị cung cấp là đơn vị hay tổ chức nào và cũng không biết rõ chất lượng sách, truyện trong các thùng trên ra sao. Do đó nhà trường đã không thực hiện thanh toán số sách, truyện nói trên, ngày 26/12/2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã ban hành Quyết định số 992/QĐ-PGDĐT về việc thu hồi dự toán chi ngân sách năm 2018, trong đó bao gồm kinh phí thực hiện bổ sung sách cho thư viện tại Quyết định số 376/QĐ-PGDĐT ngày 11/5/2018.

Như vậy, khẳng định số thùng sách, truyện trên không phải do Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã phát cho trường tiểu học trên địa bàn để bổ sung vào kho sách trong thư viện phục vụ cho học sinh. Nhà trường không mua và cũng không thanh toán số sách, truyện theo phản ánh. Do vậy, nhà trường để nguyên sách, truyện trong thùng và không thực hiện nhập vào phòng thư viện nhà trường.

Hình ảnh do báo chí đăng tải và phụ huynh học sinh phản ánh vào thời điểm nhà trường tiến hành sửa chữa phòng thư viện năm học 2019-2020. Tuy nhiên, tại điểm Đoàn kiểm tra phòng thư viện nhà trường (ngày 29/7/2020): trong phòng thư viện có 08 thùng bên ngoài ghi “Nhà xuất bản Kim Đồng”, tình trạng các thùng: các thùng vẫn còn niêm phong và buộc dây thép xung quanh. Dưới đáy các thùng không bị ướt.

Như vậy, phản ánh sách do Phòng Giáo dục và Đào tạo phát nhưng nhà trường không cho học sinh đọc để hỏng là không đúng.

2.2. Nội dung phản ánh “năm học 2016-2017 và 2017-2018, nhiều ngày thể hiện thiếu thực phẩm được nhân viên nấu ăn của nhà trường ghi chép cẩn thận khi tổ chức ăn bán trú cho học sinh như: ngày 4/10 thiếu 1,9 kg gà, ngày 6/10 thịt thiếu 0,7kg, ngày 13/10 thịt thiếu 0,4 kg… Nhiều lần Ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị được kiểm tra, giám sát thực phẩm, chế biến thức ăn cho con em họ nhưng hiệu trưởng không cho phép”:

Đoàn kiểm tra đã kiểm tra hồ sơ ăn bán trú của nhà trường, kết quả như sau:

- Năm học 2016-2017 và 2017-2018, nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bán trú gồm: thành lập tổ bán trú và phân công nhiệm vụ của thành viên tổ bán trú và kế hoạch thực hiện công tác bán trú; kiểm tra sổ giao nhận thực phẩm, sổ báo ăn, sổ kiểm tra ba bước, lưu và hủy thức ăn, cho thấy số lượng thực phẩm giao nhận đủ so với số lượng thực phẩm theo nhu cầu hàng ngày.

Đoàn kiểm tra đã mời bà Nguyễn Thị Doan - người ký hợp đồng nấu ăn với Trường Tiểu học Đắc Sơn II năm học 2016-2017 và 2017-2018, tuy nhiên bà Doan không đến làm việc.

Hình ảnh do báo chí đăng tải là hình ảnh chụp từ sổ cá nhân, nhiều loại mực và không rõ là của ai, hình ảnh được chụp từ thời điểm nào. Như vậy, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ lưu giữ xác định hình ảnh do báo chí đăng tải về việc thiếu thực phẩm nhiều ngày là không có cơ sở.

- Nội dung phản ánh nhiều lần Ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị được kiểm tra giám sát thực phẩm, chế biến thức ăn cho con em họ nhưng hiệu trưởng không cho phép:

Theo bà Dương Thị Hương trình bày: Trong quá trình tổ chức công tác bán trú các năm học, những lần phụ huynh học sinh có đề nghị được kiểm tra giám sát thực phẩm, chế biến thức ăn thì nhà trường đều cho phụ huynh được kiểm tra, giám sát; thành phần tham gia gồm giáo viên trong tổ bán trú, hiệu trưởng, nhân viên nấu ăn và phụ huynh (tuy nhiên nhà trường không thiết lập biên bản).

Yêu cầu của phụ huynh học sinh về nội dung trên đã vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại điều 4 - quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp; điều 6 - quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ban đại điện cha mẹ học sinh nhà trường tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

2.3. Nội dung phản ánh “Từ năm học 2015-2016 cho đến nay khi cô Dương Thị Hương về làm Hiệu trưởng, Hiệu trưởng nhà trường đưa vào danh mục những khoản phụ huynh học sinh lớp 1 phải đóng bắt buộc là 550.000 đồng/học sinh tiền bàn ghế mới. Cứ 02 học sinh vào lớp 1 đầu năm học sẽ phải đóng tiền mua 01 bộ bàn ghế mới. Giá bộ bàn ghế mới được Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II mua 1.100.000 đồng/bộ trong khi phụ huynh tham khảo bên ngoài chỉ có giá 800.000 đồng/bộ mà chất lượng tốt hơn”.

Bà Dương Thị Hương được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng từ năm học 2016-2017.

- Năm học 2016-2017: Nhà trường ban hành văn bản số 14/TTr-TH ngày 20/02/2017 về việc đề nghị phê duyệt các khoản thu tự nguyện năm học 2016-2017 và đã được phòng GD&ĐT phê duyệt, trong đó nội dung mua bổ sung bàn ghế năm trong danh mục tiền tăng cường CSVC, trang thiết bị dạy học thuộc các khoản đóng góp tự nguyện.

Nhà trường thu tiền bàn ghế đối với học sinh khối 1 năm học 2016-2017 là khoản thu tự nguyện theo đúng hướng dẫn tại công văn số 1170/SGDĐT-KHTC ngày 26/8/2016 của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập và công văn số 939/UBND-PGDĐT ngày 13/9/2016 của UBND thị xã Phổ Yên về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong cơ sở giáo dục công lập.

- Năm học 2017-2018 và 2018-2019: Nhà trường đã xây dựng kế hoạch vận động tài trợ, kế hoạch sử dụng nguồn vận động tài trợ để mua bổ sung bàn ghế. Việc triển khai quỹ vận động tài trợ là theo tự nguyện đóng góp của phụ huynh học sinh.

+ Năm 2017-2018, kết quả vận động tài trợ: nhà trường tiếp nhận của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường 64 bộ bàn ghế (biên bản bàn giao và tiếp nhận bàn ghế năm học 2017-2018 ngày 27/9/2017).

+ Năm học 2018-2019, kết quả vận động tài trợ: nhà trường tiếp nhận của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường 78 bộ bàn ghế (biên bản bàn giao và tiếp nhận bàn ghế năm học 2018-2019 ngày 26/9/2018).

Sau khi tiếp nhận bàn ghế của đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, nhà trường đã tổ chức bàn giao về các lớp theo nhu cầu bổ sung của từng lớp (có biên bản giao nhận về các lớp).

Đoàn kiểm tra đã làm việc một số giáo viên chủ nhiệm lớp và một số phụ huynh trong đại diện Ban cha mẹ học sinh nhà trường cho thấy: Năm học 2017-2018 và 2018-2019, nhà trường đã xây dựng kế hoạch vận động tài trợ để mua bổ sung bàn ghế mới.

Từ các căn cứ trên, khẳng định năm học 2017-2018 và 2018-2019 nhà trường đã xây dựng kế hoạch vận động tài trợ để mua bổ sung bàn ghế là đúng theo hướng dẫn tại quyết định số 1098/QĐ-SGDĐT ngày 21/7/2017 của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên ban hành quy chế quản lý các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, công văn số 1332/UBND-PGDĐT ngày 08/9/2017 của UBND thị xã Phổ Yên về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các trường mầm non, tiểu học THCS công lập trên địa bàn thị xã Phổ Yên; Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ GĐ&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Như vậy, nội dung phản ánh từ năm 2015-2016 cho đến nay, Hiệu trưởng nhà trường đưa vào danh mục những khoản phụ huynh học sinh lớp 1 phải đóng bắt buộc là 550.000 đồng/học sinh tiền bàn ghế mới; Cứ 02 học sinh vào lớp 1 phải đóng mua 01 bộ bàn ghế mới là không đúng.

- Nội dung phản ánh giá bộ bàn ghế mới được Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II mua là 1.100.000 đồng/bộ trong khi phụ huynh tham khảo bên ngoài chỉ có giá 800.000 đồng/bộ mà chất lượng tốt hơn:

+ Năm học 2016-2017: Việc mua bàn ghế cho học sinh lớp 1 năm 2016-2017 là do bà Lưu Thị Tuyển đại diện phụ huynh khối 1 đi mua và bàn giao đủ số lượng theo kế hoạch mua bổ sung bàn ghế đã được duyệt (tổng số bộ là 55).

+ Năm học 2017-2018 và 2018-2019: Nhà trường tiếp nhận bàn ghế từ Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường.

Đoàn kiểm tra đã làm việc với một số phụ huynh trong Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường cho thấy: Năm học 2017-2018 và 2018-2019, nhà trường triển khai quỹ vận động tài trợ để mua bổ sung bàn ghế. Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường được tham gia vào buổi họp thống nhất kích thước, tiêu chuẩn, giá mua bộ bàn ghế và lựa chọn đơn vị cung cấp. Nhưng không được tham gia vào quá trình bàn giao.

Việc phản ánh giá một bộ bàn ghế phụ huynh tham khảo bên ngoài chỉ có giá 800.000 đồng/bộ mà chất lượng tốt hơn không có cơ sở.

2.4. Nội dung phản ánh “Năm học 2019-2020, Hiệu trưởng nhà trường đứng trước phụ huynh toàn trường yêu cầu mỗi học sinh lớp 1 đóng góp 500.000 đồng mua bàn ghế mới. Giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ thu khoản này. Ngoài ra, năm học 2019-2020, Hiệu trưởng nhà trường mua trước chăn, gối đưa về các lớp 1 và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thu mỗi học sinh 200.000 đồng”. Tuy nhiên chăn, gối kém chất lượng và không đủ cho từng học sinh.

Theo phản ánh của phụ huynh học sinh: Nhà trường tổ chức ăn bán trú chưa thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, không có biên bản thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Phụ huynh học sinh đề nghị tạm dừng ăn bán trú để chuẩn bị thêm nhưng Hiệu trưởng nhà trường không tiếp nhận thông tin mà vẫn tiến hành tổ chức ăn bán trú.

* Nội dung liên quan đến việc yêu cầu mỗi học sinh lớp 1 đóng góp 500.000 đồng mua bàn ghế mới năm học 2019-2020:

Đoàn kiểm tra đã làm việc một số giáo viên là chủ nhiệm lớp và một số phụ huynh trong Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường cho thấy: Năm học 2019-2020, nhà trường tổ chức, triển khai quỹ vận động tài trợ; nhà trường đã xây dựng kế hoạch vận động trong đó có nội dung chi mua bàn ghế và sửa chữa bàn ghế. Đây là khoản đóng góp tự nguyện.

Năm học 2019-2020, nhà trường xây dựng kế hoạch số 100/KH-THĐSII về vận động tài trợ nhà ở ngày 04/8/2019 về vận động tài trợ năm học 2019-2020 đã được Phòng Giáo dục thị xã phê duyệt tại văn bản số 423/PGDĐT-TV ngày 12/8/2019. Nội dung vận động tài trợ gồm: Mua bàn ghế học sinh; mua 01 bộ âm ly, loa đài; sửa phòng làm việc thành phòng học và sửa chữa bàn ghế lớp học.

Qua kiểm tra, nội dung phản ánh năm học 2019-2020, Hiệu trưởng nhà trường yêu cầu mỗi học sinh lớp 1 đóng góp 500.000 đồng mua bàn ghế mới là không đúng.

* Nội dung liên quan đến quỹ đồ dùng bán trú (thu đối với học sinh lớp 1) năm học 2019-2020: Hiệu trưởng nhà trường mua trước chăn, gối đưa về các lớp 1 và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thu mỗi học sinh 200.000 đồng. Tuy nhiên chăn, gối kém chất lượng và không đủ cho từng học sinh:

Đoàn kiểm tra đã kiểm tra hồ sơ liên quan đến tiền đồ dùng bán trú năm học 2019-2020, kết quả:

- Tồn đầu năm học 2019-2020: 206.000 đồng

- Tổng thu của năm học 2019-2020: 25.000.000 đồng.

- Tổng chi của năm 2019-2020: 25.206.000 đồng.

Theo chứng từ số PC01DD ngày 30/7/2020, nội dung chi mua đồ dùng phục vụ bán trú năm học 2019-2020 gồm 33 danh mục hàng hoá (xô inox, bát inox, rổ nhựa, thìa nhựa...). Trong đó có mục chi mua chăn, mua gối cụ thể:

+ Mua chăn băng lông là 31 chiếc, đơn giá 200.000 đồng/chiếc, tổng số tiền mua chăn băng lông là 6.200.000 đồng.

+ Mua chăn lót là 33 chiếc, đơn giá 180.000 đồng/chiếc, tổng số tiền mua chăn lót là 5.940.000 đồng.

+ Mua gối là 125 chiếc, đơn giá 20.000 đồng/chiếc, tổng số tiền mua gối là 2.500.000 đồng.

Căn cứ vào chứng từ kế toán của nhà trường: Nhà trường ký hợp đồng kinh tế về việc cung cấp đồ dùng bán trú vào ngày 31/8/2019 với cửa hàng Phạm Ngọc Lan, địa chỉ TDP 4, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên. Ngày 04/9/2019, Cửa hàng Phạm Ngọc Lan và Trường Tiểu học Đắc Sơn II đã thiết lập biên bản nghiệm thu và bàn giao hàng hoá. Có danh sách giao nhận đồ dùng phục vụ bán trú năm học 2019-2020 đến cán bộ phụ trách bán trú và giao nhận đến từng lớp.

Đoàn kiểm tra đã làm việc với một số giáo viên nhà trường cho thấy: Năm học 2019-2020, nhà trường xây dựng kế hoạch thu, chi các khoản thu thoả thuận, trong đó có tiền mua đồ dùng bán trú (chỉ thực hiện thu với học sinh lớp 1 ăn bán trú), số tiền thu của mỗi học sinh là 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng). Đồ dùng bán trú được mua vào đầu năm học, số lượng chăn, gối đủ.

Ngày 29/7/2020, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra về chăn, gối của các lớp học bán trú. Thành phần gồm đoàn kiểm tra, cán bộ phụ trách cơ sở vật chất, Hiệu trưởng nhà trường cho thấy: chăn gối tại các lớp đủ số lượng, không bị rách nát và vẫn đang sử dụng được.

Qua kiểm tra, nội dung phản ánh liên quan đến chất lượng chăn, gối kém và không đủ cho từng học sinh là không có cơ sở.

* Theo phản ánh của phụ huynh học sinh: Nhà trường tổ chức ăn bán trú chưa thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, không có biên bản thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Phụ huynh học sinh đề nghị tạm dừng ăn bán trú để chuẩn bị thêm những Hiệu trưởng nhà trường không tiếp nhận thông tin mà vẫn tiến hành tổ chức ăn bán trú:

Việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh là trách nhiệm của nhà trường. Đây là việc làm tự nguyện của phụ huynh học sinh, phụ huynh học sinh có quyền không cho con em ăn bán trú nếu không đồng ý.

Yêu cầu của phụ huynh học sinh đề nghị tạm dừng ăn bán trú do cơ sở vật chất chưa đảm bảo là đã vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn được quy định Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên nhà trường cần tiếp thu ý kiến phản ánh của phụ huynh học sinh và rút kinh nghiệm trong việc tổ chức ăn bán trú cho các năm học tiếp theo.

2.5. Nội dung phản ánh “Trường Tiểu học Đắc Sơn II có gần 20 lớp học, mỗi lớp bình quân có 40 học sinh, nhưng chỉ duy nhất một khu nhà vệ sinh dành cho học sinh”. Khu vệ sinh dành cho học sinh thì bẩn, thiết bị vệ sinh hỏng:

Đoàn kiểm tra đã làm việc với một số giáo viên nhà trường xác định: Các hình ảnh do báo chí phản ánh là hình ảnh về khu nhà vệ sinh dành cho học sinh vào cuối tháng 8 năm 2019. Sau khi có phản ánh của phụ huynh học sinh, nhà trường đã thực hiện sửa chữa hệ thống cửa, các thiết bị vệ sinh.

Căn cứ vào hình ảnh là tài liệu minh chứng của bà Hoàng Minh Huệ - phó Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường là người đại điện đơn của phụ huynh học sinh: hình ảnh phản ánh về khu nhà vệ sinh dành cho học sinh là hình ảnh được bà Huệ chụp vào đầu tháng 9 năm 2019 và gửi vào nhóm phụ huynh cấp 1 trên “zalo” do đại diện phụ huynh các lớp lập.

Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu cho thấy: Nhà trường đã hợp đồng về việc sửa chữa và lắp đặt khu nhà vệ sinh dành cho học sinh với Hộ kinh doanh Trần Thái Cương gồm: quét vôi hai nước màu trắng; thay 02 bộ cửa gỗ cánh phẳng và thay thế, sửa chữa một số thiết bị vệ sinh đã hỏng.

Nhà trường đã làm tờ trình về việc xin kinh phí để bổ sung cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học, trong đó có nội dung xây mới nhà vệ sinh học sinh. Tuy nhiên đến thời điểm kiểm tra, nhà trường chưa được cấp kinh phí.

Ngày 29/7/2020, Đoàn kiểm tra đã làm việc với cán bộ phụ trách cơ sở vật chất của trường: Tại thời điểm tra, nhà trường có 01 nhà vệ sinh dành cho học sinh với diện tích khoảng 60m2, gồm 04 phòng vệ sinh (02 phòng vệ sinh dành cho học sinh nam và 02 phòng vệ sinh dành cho học sinh nữ): các thiết bị vệ sinh vẫn sử dụng được; hệ thống nước đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhà vệ sinh. Các phòng vệ sinh có hệ thống cửa kín, tường được quét vôi.

Như vậy, qua kiểm tra xác định nội dung do báo chí và phụ huynh phản ảnh về khu nhà vệ sinh dành cho học sinh là thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2019. Tại thời điểm kiểm tra, khu nhà vệ sinh dành cho học sinh các thiết bị vệ sinh vẫn sử dụng được, cửa nhà vệ sinh kín. Tuy nhiên nhà trường cần tiếp thu ý kiến phản ánh về nội dung trên, do cơ sở vật chất nhà trường có từ lâu, phục vụ số lượng học sinh lớn, ý thức của học sinh không cao, cán bộ lao công không vệ sinh kịp thời nên khó trách khỏi tình trạng như phản ánh.

2.6. Nội dung phản ánh “năm học 2019-2020 Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường không hề biết việc nhà trường kêu gọi phụ huynh ủng hộ để làm gì, kế hoạch thu, chi như thế nào. Lớp 4B ủng hộ ít, Hiệu trưởng nhà trường nêu tên trước trường, bị xếp hạng thấp vào đúng dịp 20/11”:

Đoàn kiểm tra đã làm việc với một số giáo viên nhà trường làm chủ nhiệm lớp và một số phụ huynh học sinh cho thấy: Năm học 2019-2020, nhà trưởng tổ chức, triển khai quỹ vận động tài trợ năm học 2019-2020 trong cấp uỷ, hội đồng sư phạm nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường và giao cho các giáo viên chủ nhiệm triển khai tại buổi họp phụ huynh đầu năm học. Giáo viên chủ nhiệm các lớp triển khai quỹ vận động tài trợ được xây dựng kế hoạch vận động gồm để thực hiện mua bàn ghế mới, mua 01 bộ âm ly, loa đài và để sửa chữa lớp học, bàn ghế phục vụ cho học sinh. Việc triển khai quỹ vận động tài trợ là theo tự nguyện đóng góp của phụ huynh học sinh.

Cũng theo trình bày của một số giáo viên nhà trường: Nhà trường có thành lập Ban tiếp nhận quỹ vận động tài trợ (thành phần gồm Hiệu trưởng nhà trường, đại diện phụ huynh học sinh, thủ quỹ, kế toán và cán bộ phụ trách cơ sở vật chất). Việc tiếp nhận tiền quỹ vận động tài trợ được thông qua Ban tiếp nhận của nhà trường hoặc thông qua Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường năm học 2018-2019 trình bày: Nhà trường có thành lập Ban tiếp nhận quỹ động tài trợ năm học 2019-2020, tuy nhiên không thông báo đến phụ huynh học sinh nhà trường; các thành viên là phụ huynh học sinh trong ban tiếp nhận không được nhận quyết định thành lập, không được tham dự buổi họp phân công nhiệm vụ và không có sự tham gia của phụ huynh tại buổi giao nhận giữa nhà cung cấp với nhà trường.

Như vậy, qua kiểm tra, xác minh cho thấy: nội dung phản ánh Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường không hề biết việc nhà trường kêu gọi phụ huynh ủng hộ để làm gì, kế hoạch thu, chi như thế nào là không đúng.

Nội dung phản ánh: Ngày 20/11, hiệu trưởng Dương Thị Hương đứng trước toàn trường là lớp 4B ủng hộ ít đánh giá vào điểm thi đua là không có cơ sở. Qua làm việc với đại diện phụ huynh học sinh có đơn, nội dung trên phụ huynh không cung cấp được tài liệu minh chứng; đồng thời căn cứ kết quả thi tra cho thấy: nhà trường không thực hiện đánh giá thi đua đối với các lớp vào dịp 20/11 năm học 2019-2020. Nhà trường thực hiện rút kinh nghiệm đối với các lớp và giáo viên chủ nhiệm thực hiện tốt, thực hiện chưa tốt là trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành của Hiệu trưởng nhà trường.

2.7. Nội dung phản ánh năm học 2019-2020, Nhà trường không thực hiện công khai minh bạch quyết toán các khoản thu, chi xã hội hóa”:

Đoàn kiểm tra đã làm việc với một số giáo viên nhà trường làm chủ nhiệm lớp và một số phụ huynh học sinh nhà trường cho thấy: Cuối năm học 2019-2020, nhà trường tiến hành họp từng lớp; sau khi kết thúc họp từng lớp tiến hành họp trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp với Hiệu trưởng nhà trường. Cả hai lần họp đều thực hiện công khai quyết toán các khoản thu, chi xã hội hóa và công khai các khoản thu, chi của quỹ vận động tài trợ năm học 2019-2020. Theo ông Lê Xuân Thọ - Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 5A cho biết: Tập 2 lần họp trên, một số phụ huynh không nhất trí với nội dung liên quan đến quyết toán tiền đồ dùng bán trú và quỹ vận động tài trợ.

- Theo trình bày của bà Hoàng Minh Huệ - phó Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường năm học 2019-2020: Nhà trường có tổ chức họp ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường để công khai quyết toán các khoản thu xã hội hoá. Tuy nhiên Hiệu trưởng nhà trường chỉ thông báo tổng thu, tổng chi và tồn của các khoản, không thực hiện công khai chi tiết các mục chi của từng khoản.

Qua kiểm tra, xác minh cho thấy nội dung phản ánh nhà trường không thực hiện công khai minh bạch quyết toán các khoản thu, chi xã hội hóa là không đúng. Việc công khai quyết toán các khoản thu nhà trường làm theo đúng hướng dẫn tại hướng dẫn tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ GĐ&ĐT và Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2.8. Nội dung phản ánh “Hiệu trưởng nhà trường phân công vị trí tố trưởng, tổ phó chuyên môn không dựa vào năng lực, việc đánh giá viên chức và gửi kết quả đánh giá lên Phòng Giáo dục và Đào tạo do Hiệu trưởng tự đánh giá không theo kết quả do hội đồng sư phạm bình bầu”:

* Việc phân công vị trí tổ trưởng, tổ phó chuyên môn của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II:

Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hồ sơ liên quan đến quy trình thực hiện việc bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn tổ 1,2,3 và tổ 4,5 từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020 cho thấy: Nhà trường đã thực hiện việc bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đúng quy trình.

* Nội dung phản ánh về việc đánh giá xếp loại viên chức do Hiệu trưởng tự ý đánh giá, không theo kết quả bình bầu của hội đồng sư phạm:

Đoàn kiểm tra trực tiếp kiểm tra hồ sơ đánh giá xếp loại viên chức năm học 2017-2018 cho thấy:

- Tại cuộc họp bình xét thi đua năm học 2017-2018 của tổ 4,5 Trường Tiểu học Đắc Sơn II ngày 23/5/2018: Kết quả bình xét thi đua của bà Nguyễn Lan Anh là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Tại cuộc họp Hội đồng sư phạm nhà trường ngày 23/5/2018: kết quả tại mục bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến (hoàn thành tốt nhiệm vụ) kết luận bà Nguyễn Lan Anh không đạt: Kết quả tại mục đánh giá phân loại CC-VC của trường bà Nguyễn Lan Anh được đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ.

- Theo giải trình của Hiệu trưởng: Năm học 2017-2018, bà Nguyễn Lan Anh có nhiều vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, cụ thể: Có đơn thư vượt cập, tự ý cho học sinh lớp chủ nhiệm nghỉ học buổi chiều ngày 8/9/2017. Ngày 19/9/2017, nhà trường đã tổ chức cuộc họp cấp uỷ mở rộng (thành phần gồm cấp uỷ, Ban giám hiệu và Chủ tịch công đoàn) về việc đồng chí Nguyễn Lan Anh tự ý cho học sinh nghỉ học chiều ngày 8/9/2017: Tại buổi họp, các thành phần tham gia nhất trí hình thức phê bình đồng chí Nguyễn Lan Anh trước Chi bộ và Hội đồng trường.

Căn cứ vào quy định tại điều 43 Luật viên chức năm 2012; điều 9 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Hướng dẫn số 307/PGDĐT-TCCB ngày 10/5/2018 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên về việc đánh giá, xếp loại công chức, viên chức và đánh giá, xếp loại theo chuẩn năm học 2017-2018, Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.

Do vậy, qua kiểm tra cho thấy nội dung phản ánh Hiệu trưởng đánh giá xếp loại viên chức không theo kết quả bình bầu của hội đồng sư phạm là không đúng.

2.9. Nội dung phản ánh “Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II ăn chặn lương tiền công của người nấu ăn, lao công, bảo vệ cụ thể:

+ Tiền công nấu ăn: Năm học 2016-2017: theo hợp đồng ký là 3,5 triệu đồng nhưng thực nhận là 3,3 triệu đồng; năm học 2017-2018: theo hợp đồng ký là 4 triệu đồng nhưng thực nhận là 3,8 triệu đồng.

+ Tiền công vệ sinh: theo hợp đồng mỗi tháng là 2,9 triệu đồng nhưng thực nhận là 2,7 triệu đồng.

+ Tiền công bảo vệ: theo hợp đồng mỗi tháng là 3,1 triệu đồng nhưng thực nhận là 3 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra đã mời bà Nguyễn Thị Doan - người ký hợp đồng nấu ăn và vệ sinh và ông Nguyễn Văn Minh – người ký hợp đồng bảo vệ với Trường Tiểu học Đắc Sơn II năm học 2016-2017 và 2017-2018, tuy nhiên bà Doan và ông Minh không đến làm việc.

Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu xác định:

* Đối với tiền công nấu ăn:

- Năm học 2016-2017: Trường Tiểu học Đắc Sơn II ký hợp đồng với bà Nguyễn Thị Doan; hình thức hợp đồng là hợp đồng giao khoán; thời gian hợp đồng là từ 06/9/2016 đến 31/5/2017; nội dung hợp đồng: Nấu cơm cho học sinh ăn bán trú và được hưởng tiền công là 3.200.000 đồng trên một tháng.

- Năm học 2017-2018: Trường Tiểu học Đắc Sơn II ký hợp đồng với bà Nguyễn Thị Doan; hình thức hợp đồng là hợp đồng giao khoán; thời gian hợp đồng là từ 05/9/2017 đến 30/5/2018; nội dung hợp đồng: Nấu cơm cho học sinh ăn bán trú và được hưởng tiền công là 4.000.000 đồng trên một tháng. Qua kiểm tra chứng từ thanh toán tiền công nấu ăn cho bà Nguyễn Thị Doan: Tiền công nấu ăn được chi trả bằng hình thức tiền mặt, số tiền chi trả bằng số tiền đã ký trong hợp đồng.

* Đối với tiền công bảo vệ và vệ sinh:

- Năm học 2016-2017 và 2017-2018:

Từ tháng 9/2016 đến tháng 5/2017: tiền công bảo vệ và vệ sinh được chi trả bằng hình thức tiền mặt, từ tháng 6/2017 đến nay, hình thức chi trả tiền công bằng hình thức chuyển khoản.

Qua kiểm tra chứng từ thanh toán tiền công bảo vệ và tiền công vệ sinh với ông Nguyễn Văn Minh (hợp đồng bảo vệ) và bà Nguyễn Thị Doan (hợp đồng vệ sinh), số tiền chi trả tiền công bảo vệ và tiền công vệ sinh bằng số tiền đã ký trong hợp đồng.

- Năm học 2018-2019 và năm học 2019-2020:

Trường Tiểu học Đắc Sơn II ký hợp đồng bảo vệ với ông Nguyễn Văn Thụ và ký hợp đồng vệ sinh với 02 người là bà Trần Thị Giá và bà Nguyễn Thị Thuận. Hình thức chi trả tiền công là hình thức chuyển khoản.

Qua kiểm tra chứng từ thanh toán tiền công bảo vệ và tiền công vệ sinh với ông Nguyễn Văn Thụ (hợp đồng bảo vệ) và bà Trần Thị Giá, bà Nguyễn Thị Thuận (hợp đồng vệ sinh), số tiền chi trả tiền công bảo vệ và tiền công vệ sinh bằng số tiền đã ký trong hợp đồng.

Trong quá trình xác minh Đoàn kiểm tra, UBND thị xã không nhận được đơn thư tố cáo của các ông, bà lao công, bảo vệ, nấu ăn nói trên.

Như vậy, nội dung do báo chí phản ánh Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II chi trả tiền công bảo vệ, tiền công vệ sinh và tiền công nấu ăn không theo đúng hợp đồng đã ký là không đúng.

II. KẾT LUẬN:

Các nội dung do báo chí và phụ huynh học sinh phản ánh về Trường Tiểu học Đắc Sơn II và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắc Sơn II là không có cơ sở. Nội dung phản ánh mang tính “định tính” như: chất lượng chăn gối kém, chất lượng bàn ghế không tốt, nhà vệ sinh bẩn, việc tổ chức ăn bán trú chưa đảm bảo, một số nội dung phụ huynh yêu cầu vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn được quy định Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh như: yêu cầu kiểm tra, giám sát thực phẩm, chế biến thực phẩm; tạm dừng tổ chức ăn bán trú, can thiệp vào hoạt động quản lý của nhà trường...

Tuy nhiên, một số nội dung do báo chí và phụ huynh phản ánh đề nghị nhà trường tiếp thu và rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

III. BIỆN PHÁP XỬ LÝ:

1. Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã

- Phối hợp với Phòng Tài chính kế hoạch tham mưu cho UBND thị xã về việc bổ sung kinh phí cho Trường Tiểu học Đắc Sơn II để tăng cường cơ sở vật chất cho đơn vị

- Phối hợp với Trường Tiểu học Đắc Sơn trong việc xử lý 8 thùng sách, truyện đang được bảo quản tại kho của nhà trường theo phản ánh trên.

2. Đối với Trường Tiểu học Đắc Sơn II

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Giám hiệu nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức, triển khai thực hiện đúng nguyên tắc công tác xã hội hóa giáo dục.

- Tiếp thu phản ánh, rút kinh nghiệm về trình tự, thủ tục, cách thức vận động tài trợ theo đúng hướng dẫn quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Yêu cầu nhà trường phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã trong việc xử lý 8 thùng sách, truyện đang được bảo quản tại kho của nhà trường theo phản ánh trên.

Giao cho Chánh Thanh tra thị xã có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kết luận này./.

Thu Giang