Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ

01/05/2019 07:29
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Chấm Văn, ngán nhất là chữ viết thí sinh nhưng chán hơn là chuyện “nhỏ to, nhờ vả” của “cán bộ”.

LTS: Kể câu chuyện về nỗi khổ khó nói của những giáo viên bị nhờ vả nâng điểm trong chấm thi môn Văn, thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra bí quyết giúp giáo viên tránh được "quyền rơm, vạ đá".

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Câu thành ngữ “Quyền rơm, vạ đá” chắc không có khi nào đúng nghĩa bằng chấm thi Văn Trung học phổ thông Quốc gia. 

Chấm thi trung học phổ thông, vào mùa nóng nực, chế độ thì “bèo bọt”, ham vui bù khú với bạn bè, không ít người đưa “tiền âm” về cho vợ con. 

Chấm thi môn Ngữ văn, giáo viên làm sao tránh chuyện “nhỏ to, nhờ vả” của “cán bộ”? Ảnh minh hoạ: http://caodangyduocdanang.com
Chấm thi môn Ngữ văn, giáo viên làm sao tránh chuyện “nhỏ to, nhờ vả” của “cán bộ”? Ảnh minh hoạ: http://caodangyduocdanang.com

Vì thế, giáo viên dạy Văn “hiểu đời”, đã tìm cách từ chối khéo léo bằng đủ thứ lý do;

Người thì “xin” ban giám hiệu không lên danh sách chấm, người thì viện cớ du lịch, thăm thân nhân … vào đúng dịp;

Người không muốn đi chấm mà vẫn có danh sách, đi khám bệnh, xin giấy nghỉ Bảo hiểm xã hội; “cùng bàn đạ… vác rạ đi chấm” đành phải nghĩ ra chiêu trò tự bảo vệ mình. 

Chấm Văn, ngán nhất là chữ viết thí sinh, đại đa số “xứng đáng giải nhất thi chữ đẹp”; có bài, giám khảo đọc vài dòng đã “tá hỏa tam tinh” về kiểu chữ “rồng rắn lên mây, cái cây thì lúc lắc”; có bài mười từ, viết sai chính tả đến hơn phân nửa… ôi thôi, thì cứ như là “xúc phạm giám khảo vậy”.  

Thế nhưng chán hơn là chuyện “nhỏ to, nhờ vả” của “cán bộ”; phần lớn họ “chọn mặt gửi vàng” chứ chẳng phải “bạ đâu gửi đấy”.

Những giáo viên được “gửi gắm” thường còn trẻ tuổi đời, tuổi nghề, nhiều khi đã có thành tích giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh; đặc biệt là dạng “dự nguồn”, dễ bảo. 

Giáo viên “nâng điểm” có biết là vi phạm pháp luật không? 

Có “điên” mới không biết, họ được phổ biến “quy chế” ngay từ buổi họp hội đồng chấm thi rồi, chủ tịch đã nhắc lại “anh chị em, người nào chưa nắm rõ thì hỏi, chúng ta phải cùng nhau thực hiện chấm một cách công bằng, nghiêm túc…”. 

Giáo viên đã biết quy chế, sao vẫn vi phạm? 

Người “gửi gắm”, họ “khôn lắm”, họ đã tìm hiểu biết rõ đối phương, tên họ, công tác trường nào… rất thân quen.

Họ bảo đây em sếp này, con sếp nọ, cháu sếp kia… không nói ra, nhưng thầm nhắn nhủ, “chú giúp anh, anh giúp chú chỗ khác, lên chức… hay công nhận giáo viên dạy giỏi, thi đua…, chuyển trường”; thôi thì đủ thứ “lợi lộc” nếu “nghe anh, sẽ là điếu đóm của các sếp”. 

Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ ảnh 2Khởi tố thêm 3 đối tượng gian lận điểm thi tại Hòa Bình

Thế là, những “con cá” cắn câu vì mồi “săn sắt” tưởng tượng.

Việc nâng điểm thi trung học phổ thông đã bao giờ ai bị kỉ luật đâu, người “bị nâng điểm” chẳng ai tố cáo; người khác biết gì đâu mà tố cáo? Học tài thi phận mà! 

Đi đêm lắm, có ngày gặp ma. Kì thi trung học phổ thông 2018, mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, ngày 23/4/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 3 cá nhân trong tổ chấm thi môn tự luận cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 - Bộ luật Hình sự 2015.

Đó là các bị can Nguyễn Thị Thu Loan, sinh ngày 15/2/1979, giáo viên Trường trung học phổ thông Lạc Long Quân, trú tại: phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình;

Nguyễn Thị Hồng Chung, sinh ngày 29/10/1980, giáo viên Trường trung học phổ thông Ngô Quyền, trú tại phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và Bùi Thanh Trà, sinh ngày 14/2/1980, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Sơn, trú tại: thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 - Bộ luật Hình sự 2015. 

Lúc này, việc tham gia chấm môn Văn kì thi trung học phổ thông 2018, mới trở nên “nóng” với giáo giới, “bút sa, gà chết”, ai kí, người đó chịu, “khẩu vô bằng” có ai chỉ đạo, nhờ cậy đâu, lúc này mới thấy rõ “quyền rơm vạ đá”, “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”. 

Vậy làm sao tránh được … vạ đá, đổ vỏ? 

Cần có dũng khí ngay từ đầu, từ chối việc làm sai quy chế thi, vi phạm đạo đức nhà giáo, áy náy lương tâm. Một lần từ chối, không bao giờ ai còn “nhờ vả” mình nữa. 

Không ít người” khéo léo”, giữ được lương tâm của mình và giữ được “hòa khí” với cán bộ.

Ước gì năm nay không phải đi chấm thi!

Họ “cam kết” sẽ nâng gấp đôi số điểm của “gà”, chứ không phải nâng lên đến mấy điểm. 

Chấm bài, đạt bao nhiêu điểm, để bấy nhiêu điểm; thế nhưng “sếp” có hỏi, họ đành “nói dối” nó được một nửa, đã nâng gấp đôi rồi.

Cả hai đều vui vẻ, người “thứ ba” cũng vui luôn, điểm Văn sao mà “người thứ ba” kiểm chứng được.   

Về lâu dài, làm sao mà chống nâng điểm môn Văn? 

Còn tình trạng Sở nào, chấm bài địa phương đó, e rằng nạn “cướp điểm” khó mà dẹp được.

Vì vậy, nên để sở A chấm Văn sở B, sở B chấm Văn sở C, sở C chấm Văn sở A. Làm vậy, xác suất “cướp điểm” sẽ hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không xảy ra. 

Kì thi trung học phổ thông 2019 đang đến gần, dư âm không hay của kì thi 2018 ảnh hưởng không nhỏ đến học trò nói riêng, xã hội nói chung.

Văn là người, giáo viên chấm Văn, môn tự luận duy nhất, cần nhất sự trung thực.

Trung thực của giám khảo, đảm bảo công bằng cho kì thi, đảm bảo an toàn nghề nghiệp cho chính mình.

Sơn Quang Huyến