Im lặng là tội ác!

15/03/2017 09:16
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần.

Im lặng là kẻ thù lớn nhất

Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng khi liên tiếp xảy ra những vụ việc chấn động trong thời gian gần đây được phản ánh trên báo chí. 

Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng bởi tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã không bị chặn đứng mà còn có chiều hướng gia tăng.

Các luật sư cho rằng, xâm hại tình dục khó có chứng cứ rõ ràng, bởi những vết tích trên thân thể nếu đi khám ngay sau khi bị xâm hại thì có, nếu để một thời gian thì vết tích sẽ mờ. 

Theo luật pháp Việt Nam, để khởi tố tội xâm hại tình dục trẻ em đòi hỏi phải có bằng chứng nên khó giải quyết. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, theo các chuyên gia bảo vệ quyền trẻ em cho rằng đó là do sự im lặng của gia đình nạn nhân, im lặng của cộng đồng, của các cơ quan chức năng và nhiều bên khác đã khiến các vụ bạo lực tình dục, xâm hại tình dục trẻ em không bị phơi bày ra ánh sáng và vì thế mà kẻ thủ ác vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chính vì vậy, “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” là chủ đề của buổi tọa đàm về thực trạng trẻ em bị xâm hại tại Việt Nam được tổ chức chiều 14/3, tại Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng:

Xâm hại tình dục trẻ em ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi các sự vụ không được giải quyết một cách nhanh chóng, quyết liệt và và triệt để. 

Nguyên nhân sâu xa của sự im lặng là do văn hóa. Văn hóa của chúng ta ngại nói đến vấn đề tình dục, ngại nói đến việc liên quan đến hiếp dâm, cưỡng dâm, xâm hại… 

Ngoài ra chúng ta còn có văn hóa đổ lỗi, khi có chuyện xâm hại, hiếp dâm xảy ra, người ta luôn đổ lỗi cho người phụ nữ, nào là do phụ nữ ăn gợi cảm, nào là phụ nữ ra đi ra đường vào buổi tối… 

Các diễn giả trao đổi trong buổi tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)
Các diễn giả trao đổi trong buổi tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng trăn trở rằng:“Tôi rất bức xúc khi tại sao chúng ta đòi hỏi người con gái phải nguyên vẹn trinh tiết khi về nhà chồng nhưng lại im lặng trước những vụ xâm hại tình dục này.

Nhiều gia đình dù phát hiện ra sự việc nhưng lại chọn cách im lặng. Họ im lặng vì lo sợ con em mình mất hết tương lai, họ lo sợ bị xã hội kỳ thị.

Rồi cộng đồng, xã hội cũng im lặng trong việc lên án những kẻ xấu gây ra hành vi tội ác.

Im lặng là tội ác! ảnh 2

“Cấm tiệt nhé, đồ hư hỏng, con nít ranh…” và những con số kinh hoàng!

(GDVN) - Khi người lớn giả dối thì đừng mong con trẻ thành thật, một thời giáo dục giới tính theo lối cấm đoán bây giờ hậu quả phải báo động.

Chúng ta phải đợi đến bao giờ? Xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần". 

Trước thực tế nạn nhân bị xâm hại, lạm dụng tình dục thường im lặng, Thạc sĩ Hà Minh Loan - chuyên gia tâm lý về gia đình cho rằng, chúng ta lên tiếng đòi công bằng, nhưng thế nào là công bằng cho người bị hại? 

Lên tiếng là cần thiết để ngăn chặn tội ác tuy nhiên Thạc sĩ Hà Minh Loan cũng mong muốn có chương trình hỗ trợ cho người bị hại để đảm bảo rằng sau khi họ lên tiếng, cuộc sống của họ vẫn tốt đẹp và có tương lai thì sự lên tiếng ấy sẽ mạnh mẽ hơn.

Pháp luật chưa đủ mạnh 

Hiện nay ở nước có khoảng hơn 10 cơ quan bảo vệ quyền trẻ em. Câu hỏi đặt ra là ngoài trách nhiệm của gia đình và cộng đồng tại sao bao nhiêu vụ việc trẻ em bị xâm hại lại rơi vào im lặng? 

Theo luật sư Lê Văn Luân (người tham gia bào chữa cho gia đình cháu bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục ở Hoàng Mai - Hà Nội) cho hay, rất nhiều vụ án xâm hại tình dục ở trẻ em đến giờ vẫn chưa được phanh phui, giải quyết.

Ở các nước khác trên thế giới, họ phân hóa hành vi rất rõ ràng. Chỉ cần có sự dụ dỗ, gạ gẫm xem phim sex, hoặc động chạm vào các bộ phận nhạy cảm của người khác mà không được phép đã cấu thành tội.

Thế nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại chưa làm được điều này.

Im lặng là tội ác! ảnh 3

Ý kiến của Giám đốc Sở Giáo dục TP.Hồ Chí Minh về nghi án bé gái bị xâm hại

(GDVN) - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn vừa ký văn bản, yêu cầu quận Thủ Đức nhanh chóng làm rõ, kết luận vụ việc trong thời gian sớm nhất.

Trong nhiều vụ án, các cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại:

Đây là một điều khá vô lý, bởi đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết?

Hoặc nếu gia đình nạn nhân phát hiện muộn cũng khó thu thập chứng cứ” - luật sư Luân nêu vấn đề.

Có một thực tế là hiện nay giáo dục luật pháp ở trong trường học hầu như chỉ dừng lại ở Luật Giao thông còn những luật như: Luật Nhân thân, quyền danh dự nhân phẩm… cần để học sinh có thể tự bảo vệ lại không có. 

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên – CSAGA, đặt câu hỏi:

Tại sao con em chúng ta bị xâm hại mà không biết cần nói với những ai?

Tại sao những con số trẻ bị xâm hại tình dục cứ lớn lên từng ngày?

Chúng ta đều biết đau lòng nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa nếu như tất cả không biến thành hành động
”.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị kiến thức, sự nhạy cảm về giới để hướng dẫn con em của mình biết cách phòng tránh loại tội phạm này.

Bên cạnh đó, bà Vân Anh khẳng định, việc xử lý các trường hợp bạo lực tình dục thật nghiêm minh cũng là bài học cảnh báo cho những kẻ khác.

Bày tỏ quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - chuyên gia luật Dân sự cho rằng, những định kiến xã hội, những lời gièm pha... chính là những rào cản tâm lý lớn khiến người bị hại chưa được bảo vệ một cách triệt để. 

Luật sư này nhấn mạnh: “Giáo dục giới tính cho đến nay vẫn chưa vào được trong chương trình học một cách đầy đủ, khoa học và hiệu quả. 

Mới đây tôi nhận được văn bản là đề nghị dạy cho trường tiểu học hay trung học cơ sở về phòng chống tham nhũng. Những người làm luật chúng tôi thấy như vậy thật khiên cưỡng và không đúng
”. 

Ông Truyền gợi ý, cấp tiểu học nên dạy các em học đơn giản về pháp luật là quyền nhân thân, quyền bất khả xâm phạm thân thể, quyền không được xâm phạm đến thân thể người khác, đánh bạn là sai… 

Nếu được giáo dục quyền nhân thân thì chắc chắn các bé cũng sẽ có những phản ứng tự phòng vệ tốt.

Còn dạy pháp luật cho cấp trung học cơ sở thì có lẽ dạy quyền kinh doanh, còn cấp trung học phổ thông thì dạy quyền chính trị đơn giản như đi bầu cử… Như thế vừa thiết thực lại có thể áp dụng vào thực tế.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, từ 2010 - 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi (từ 867 vụ lên 1.544 vụ).

Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, tức 8 giờ trôi qua sẽ có ít nhất một em bị xâm hại.

Thùy Linh