HS khó khăn thiếu SGK, Sở GD Bà Rịa- Vũng Tàu lên phương án đi vận động

30/06/2022 06:43
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Nếu khi làm, mình nghĩ đến học sinh nghèo không có đủ sách để học, tự nhiên mình sẽ có các giải pháp cụ thể", Giám đốc Sở Giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ.

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài chính, Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội,… về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Trong khi chờ đợi đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi vào thực tiễn, ngành giáo dục của một số địa phương rất nỗ lực, bằng nhiều cách làm khác nhau để tìm kiếm nguồn sách giáo khoa đưa vào thư viện để cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn có sách giáo khoa trước để học khi năm học mới bắt đầu.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, cô Trần Thị Ngọc Châu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Đối với nguồn sách giáo khoa theo chương trình cũ thì không có gì đáng ngại vì chúng tôi đã vận động quyên góp vào thư viện của các trường được một lượng rất lớn từ nhiều năm trước.

Ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thực hiện việc cho, tặng sách giáo khoa vào thư viện của các trường trên địa bàn, để các trường có nguồn sách phục vụ học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn học trong nhiều năm nay.

Cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Tuy nhiên, với nguồn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thì hiện tại trong thư viện các trường ở Bà Rịa - Vũng Tàu số lượng này không đáng là bao so với lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh cần được hỗ trợ.

Trước thực trạng này, từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6, ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động để làm việc với các Nhà xuất bản để nhờ họ hỗ trợ cho thư viện các trường.

Việc làm này của chúng tôi hy vọng sẽ tạo được một lượng sách lớn để đưa vào quỹ sách giáo khoa trong thư viện các trường, làm sao hỗ trợ cho thật nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có cơ hội tiếp cận với sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới một cách dễ dàng nhất”.

Ngoài ra, theo chia sẻ của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, với cách làm “truyền thống” là khi bắt đầu vào năm học mới, nhà trường tích cực vận động học sinh giữ gìn và trao tặng lại sách giáo khoa cũ lại cho thư viện trường sau khi nghỉ hè, nếu các em không sử dụng đến.

Được biết, với các bộ sách giáo khoa của chương trình cũ, cách làm này không chỉ phát huy tác dụng tích cực trong việc làm tăng lượng sách trong quỹ sách của các thư viện, nó còn góp phần nâng cao được ý thức giữ gìn sách vở của học sinh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, địa phương này cũng sẽ thực hiện như vậy đối với nguồn sách giáo khoa của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

“Đối với các khối lớp lần đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học tới đây (lớp 3, lớp 7 và lớp 10), hiện tại Bà Rịa – Vũng Tàu mới chỉ huy động được khoảng 5% lượng sách trên tổng số học sinh của từng trường từ nguồn của các Nhà xuất bản hỗ trợ.

Vì lượng hỗ trợ này từ phía Nhà xuất bản không đáng là bao so với tỷ lệ học sinh khó khăn trong tỉnh cần mượn sách từ quỹ sách của thư viện, nên chúng tôi dự định là sắp tới sẽ tổ chức các chương trình “đề nghị hỗ trợ” từ một số doanh nghiệp trong tỉnh. Đây là các đơn vị từ trước đến nay luôn có sự quan tâm và có nhiều đóng góp cho nền giáo dục của Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tất nhiên, sau khi nhận được các nguồn sách giáo khoa hỗ trợ, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ thông báo cho các trường tiếp nhận và có kế hoạch cụ thể để học sinh của các trường đó mượn sách trong thư viện của trường như thế nào cho thật hợp lý”, cô Châu cho hay.

Vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo này cũng cho rằng, trong việc tạo lập quỹ sách giáo khoa tại thư viện của các trường, thường chỉ khó khăn trong các năm học đầu tiên với những khối lớp mới áp dụng theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Qua đó, vị này bày tỏ mong muốn, đối với những học sinh của các khối lớp đã sử dụng sách giáo khoa của chương trình này, các em có thể tặng lại cho thư viện để càng về sau, số đầu sách cho mượn càng nhiều hơn nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao ý thức giữ gìn và bảo quản sách giáo khoa với những học sinh được mượn sách ở thư viện, cô Châu cho biết: “Về việc này chúng tôi cũng đã có những khâu hướng dẫn cụ thể cho thư viện các nhà trường. Hoặc khi phụ huynh đến thư viện để mượn sách cho con, bộ phận phụ trách cũng sẽ dặn dò để họ tác động và nâng cao ý thức giữ gìn sách của con mình. Làm sao để những thế hệ học sinh tiếp theo luôn có sách giáo khoa để học.

Đối với học sinh được mượn sách để học, các giáo viên trong trường cũng thường xuyên giáo dục ý thức giữ gìn sách giáo khoa của các em đó thông qua các giờ học trên lớp.

Tất nhiên trong việc này sẽ có một lượng hao hụt nhất định, nhưng sau một năm, có một lượng học sinh vừa lên lớp, lại trao tặng lại sách giáo khoa đó cho nhà trường thì phần hao hụt đó cũng không có gì đáng ngại lắm”.

Giáo viên ở Thành phố Vũng Tàu giao sách giáo khoa tận nhà cho học sinh trong đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Giáo viên ở Thành phố Vũng Tàu giao sách giáo khoa tận nhà cho học sinh trong đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Trong việc vận động xã hội hóa, để có một lượng sách giáo khoa nhất định hỗ trợ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là với các học sinh thuộc khối lớp trong năm đầu học Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cô Châu cho rằng, việc gì cũng sẽ có những khó khăn nhất định.

“Khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giá sách giáo khoa mới có cao hơn so với cũ, trong khi nguồn sách cho, tặng lại không sẵn có, việc thiếu nguồn sách cho học sinh mượn học là điều nhìn thấy trước mắt.

Để giải quyết khâu trước mắt, chúng tôi nghĩ đến ngay là vận động sự hỗ trợ từ Nhà xuất bản, nhưng số lượng này cũng không nhiều. Từ đó, chúng tôi mới nghĩ đến việc vận động từ các doanh nghiệp để có thể có lượng sách lớn hơn.

Trong việc này cũng giống như mình đứng ra giải quyết sự vụ, sự việc. Nếu khi làm mình nghĩ đến học sinh nghèo không có đủ sách để học, tự nhiên mình sẽ có các giải pháp cụ thể”, cô Châu nhận định.

Đề cập đến nguồn hỗ trợ sách giáo khoa cho các trường vùng khó khăn từ Dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - RGEP” thì cô Châu cho biết, hiện tại địa phương này vẫn chưa nhận được nguồn hỗ trợ nào về kinh phí từ dự án này.

Trung Dũng