Họp phụ huynh đầu năm học và nỗi sợ từ hai phía

27/08/2017 06:39
Phan Tuyết
(GDVN) - Giáo viên phải lên kế hoạch cụ thể thật đa dạng về nội dung tránh tình trạng chỉ thông báo các khoản thu, thời gian đóng là giải tán.

LTS: Buổi họp phụ huynh đầu năm thường không nhận được sự tích cực từ phía phụ huynh, bởi nội dung chủ yếu chỉ bàn về các khoản thu chi trong năm học.

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết chỉ ra những lý do khiến buổi họp phụ huynh trở nên nhàm chán, hình thức. Đồng thời, cô cũng đưa ra một số biện pháp để buổi họp đạt hiệu quả tốt hơn.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhận tờ giấy mời họp phụ huynh đầu năm chẳng phụ huynh nào hào hứng. Bởi đơn giản cuộc họp này chỉ là báo cáo các khoản thu chi của trường trong năm học qua và thông báo các khoản thu của năm học này.

Ai cũng hiểu điều này nên phụ huynh đôi khi chẳng mặn mà vì thế cuộc học phụ huynh thường không được đầy đủ. Cũng đã có không ít người dù nhận được giấy mời nhưng không đến cuộc họp.

Họ nói “Họp đầu năm chủ yếu là thông báo nộp tiền thôi. Tôi không đi họp nhưng vẫn nộp tiền đủ là được rồi”.

Phụ huynh cần phải đi

Vì biết rõ mục đích cuộc họp phụ huynh đầu năm nên đa phần phụ huynh đi dự họp trong tâm thế chỉ để nghe phổ biến các khoản tiền nộp và quy định về thời gian nộp.

Họ ngồi họp trong tư thế nhấp nhổm mong cho cuộc họp mau chóng kết thúc để nộp tiền rồi… ra về.

Nhiều phụ huynh không dám lên tiếng thể hiện ý kiến của mình. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)
Nhiều phụ huynh không dám lên tiếng thể hiện ý kiến của mình. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)

Dù nhiều khoản thu được nhà trường đưa ra phụ huynh không đồng ý nhưng chẳng mấy ai lên tiếng.

Phần lớn phụ huynh đều có tâm lý “ai sao mình vậy”, nộp cho xong, dù bản thân họ không mấy bằng lòng. Nhưng chỉ cần bước chân ra khỏi cuộc họp thì mọi chuyện sẽ được “bung bét” với tốc độ lan truyền rất nhanh.

Một số người thắc mắc “sao tiền bảo hiểm cứ tăng hàng năm?”, “tôi không mua bảo hiểm có được không?” hay “bác sĩ không mặn mà khi bệnh nhân khám bảo hiểm nên tôi không mua”… khiến giáo viên thật sự lâm vào tình cảnh khó xử.

Bởi không vận động phụ huynh mua được bảo hiểm thì lớp không đạt chỉ tiêu. Nếu vận động thì phải tìm cách trấn an, “nói bừa” vì chẳng biết bên thực hiện họ sẽ thế nào.

Thôi thì trước mắt cứ nói sao miễn phụ huynh đồng ý mua bảo hiểm là được rồi. Thế là, giáo viên lại “khua môi múa mép” rằng “bảo hiểm nay có nhiều thuốc tốt. Cách khám chữa bệnh cũng đã được cải thiện nhiều”…

Họp phụ huynh đầu năm học và nỗi sợ từ hai phía ảnh 2

Năm nay trường ấy đóng bao nhiêu?

Sau khoản tiền bảo hiểm đến tiền hội phí, quỹ lớp.

Nói là tự nguyện nhưng một trường trung học phổ thông tại thị xã đưa ra mức sàn thấp nhất phải đóng là 250 ngàn đồng.

Giáo viên còn giải thích thêm:

Phụ huynh có thể đóng thêm nhưng nhất định không được ít hơn số đó”.

Dù nhiều phụ huynh không đồng tình nhưng ai cũng “ẩn mình” vì sợ con bị để ý và lặng lẽ móc hầu bao đóng tiền cho con với nét mặt nặng trĩu, đầy âu lo.

Giáo viên cũng muốn né

Cùng chung tâm trạng với phụ huynh, giáo viên cũng chịu áp lực không kém ở buổi họp phụ huynh đầu năm.

Bởi theo một số người, chuyện vui thì muốn thông báo còn chuyện buồn (chuyện phải móc hầu bao) nên không thầy cô nào muốn làm “bao đựng cát” để một số phụ huynh bức xúc trút vào.

Vào cuộc họp, giáo viên chỉ thông báo tổng thu tiền hội phí năm học trước của trường, các khoản nhà trường đã chi và hiện số tiền tồn quỹ cho năm học này (mà phần nhiều là âm).

Tiếp theo là một bảng liệt kê các khoản cần phải đóng trong năm học mới.

Nào là tiền bảo hiểm, tiền học phí, tiền ấn phẩm, vệ sinh, nước uống, phù hiệu, tiền ghế ngồi chào cờ, đồng phục, tiền học phụ đạo…cuối cùng là khoản tiền hội phí tự nguyện nhưng nhiều trường thường ấn định luôn mức sàn tối thiểu phải nộp.

Trường khá giả có danh tiếng mức “sàn” đưa ra ít nhất là 200 – 300 ngàn đồng / học sinh. Trường ở vùng dân cư nghèo lại đưa mức khoảng 100 trăm ngàn đồng...

Họp phụ huynh đầu năm học và nỗi sợ từ hai phía ảnh 3

Chuyện buồn sau buổi họp phụ huynh

Đầu năm, mỗi học sinh bậc trung học phổ thông đóng gần 2 triệu đồng, trung học cơ sở 1 triệu rưỡi, cấp tiểu học cũng gần 1 triệu đồng. 

Những phụ huynh gia đình khá giả, với họ vài triệu đồng phải nộp cứ nhẹ như không.

Nhưng không ít phụ huynh ngồi họp xây xẩm mặt mày, choáng váng khi nhìn thấy bảng liệt kê các khoản phải nộp được giáo viên ghi ra cứ ngày một dài thêm.

Sau khi biết số tiền sẽ phải nộp, phụ huynh ùa lên bàn vây quanh giáo viên để đóng tiền, người không mang tiền lại lặng lẽ ra về. Và cuộc họp đương nhiên tự giải tán.

Làm gì để cải thiện bầu không khí cuộc họp đầu năm?

Lạm thu ở các trường là một câu chuyện dài. Nó đang vượt khỏi tầm kiểm soát của cả giáo viên lẫn phụ huynh, chừng nào còn thiếu một "quy trình" minh bạch về các khoản đóng góp trong trường học. 

Để có buổi họp phụ huynh đạt hiệu quả, để cho cha mẹ các em luôn thấy hào hứng khi nhận được giấy mời dự họp thì nội dung cuộc họp đầu năm cần phong phú về nội dung.

Đây là điều khả dĩ nhất mà các thày cô giáo có thể làm.

Muốn thế, giáo viên phải lên kế hoạch cụ thể thật đa dạng về nội dung tránh tình trạng chỉ thông báo các khoản thu, thời gian đóng là giải tán.

Cuộc họp phụ huynh tốt nhất nên tổ chức khi học sinh đã vào học được 3 tuần là hợp lý. Bởi lúc này, giáo viên cũng đã nắm sơ bộ về tình hình học tập, rèn luyện của từng em trong lớp để thông báo tới phụ huynh.

Giáo viên, cần dành ra một khoản thời gian nhất định để thầy cô cùng phụ huynh trao đổi về một số phương pháp dạy học mới, một số biện pháp nâng cao chất lượng học tập của các em, một số biện pháp để phụ huynh cùng tương tác với giáo viên khi cần…

Khuyến khích cha mẹ các em bày tỏ những suy nghĩ, những thắc mắc của mình.

Từ đó, việc phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường sẽ càng thêm phần khăng khít.

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn kèm thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng!

Phan Tuyết