Hơn 10.000 trường mầm non, phổ thông chưa có nhân viên phụ trách y tế

11/11/2021 06:20
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chưa kể nhiều nơi năng lực chuyên môn của nhân viên y tế trường học và kinh phí chi cho công tác y tế trường học còn hạn chế, không đảm bảo.

Trong báo cáo tới đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, về công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đã thực hiện một số việc như ban hành Kế hoạch về công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của ngành giáo dục năm học 2021-2022.

Ban hành Sổ tay phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục và tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác y tế trường học.

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, theo đó:

Bộ đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường. Cần ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vắc xin cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học; nhanh chóng sửa chữa, khử khuẩn các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly để đón học sinh trở lại trường; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Ảnh minh họa: nguồn Báo Kinh tế đô thị

Ảnh minh họa: nguồn Báo Kinh tế đô thị

Các địa phương căn cứ vào việc đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh đến trường trên nguyên tắc nơi nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập. Các địa bàn có nguy cơ thấp hoặc trung bìnhcó thể cho học sinh tới trường nếu đảm bảo các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế; đồng thời tiếp tục củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin để sẵn sàng chuyển trạng thái sang các hình thức học tập khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế cập nhật, bổ sung các tiêu chí, đưa thành quy định về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như ở một số địa phương, trường học, ký túc xá vẫn đang được trưng dụng làm nơi thu dung, điều trị, cách ly y tế; chưa kịp sửa chữa, khử khuẩn nên chưa đảm bảo các điều kiện đón học sinh trở lại trường học tập.

Nhiều cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ trường học chưa được tiêm đủ liều vắc xin phòng chống dịch, ảnh hưởng đến các tiêu chí an toàn khi cho học sinh đi học trở lại.

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học (hơn 10.000 trường), năng lực chuyên môn của nhân viên y tế trường học và kinh phí chi cho công tác y tế trường học còn hạn chế, không đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền và phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Do đó, thời gian tới, ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế thực hiện tiêm đủ liều vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ trường học; triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh.

Đồng thời chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định an toàn phòng, chống dịch khi cho học sinh đi học trở lại. Hướng dẫn xử trí các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong trường học.

Hướng dẫn chuyển đổi trạng thái linh hoạt giữa dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến trên địa bàn bùng phát dịch trở lại.

Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025 nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Thùy Linh