Học trực tuyến nhiều nơi bất khả thi, Quảng Bình điều chỉnh thời gian dạy học

04/09/2021 06:06
NGUYÊN PHONG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc dạy học trực tuyến ở các khu vực vùng sâu, vùng xa gần như là bất khả thi khi học trò không có đủ điều kiện, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ.

Trước phản ứng của người dân về những bất cập trong việc dạy học trực tuyến, ngày 3/9, ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ký văn bản hỏa tốc gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố về việc: “điều chỉnh thời gian tổ chức dạy học”.

Việc dạy - học trực tuyến đối với các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa của Quảng Bình gần như là bất khả thi. Ảnh: AN

Việc dạy - học trực tuyến đối với các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa của Quảng Bình gần như là bất khả thi. Ảnh: AN

Theo đó, tỉnh này thống nhất thời gian tổ chức dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên bắt đầu từ ngày 20/9.

Riêng đối với lớp 9 và lớp 12 cần nghiên cứu áp dụng hình thức dạy học thông qua Đài phát thanh truyền hình tổ chức từ ngày 6/9.

Ủy ban tỉnh cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh và điều kiện của học sinh các vùng miền, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để có hình thức dạy học phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 báo cáo trước ngày 15/9 để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Trước đó, ngành giáo dục Quảng Bình quyết định không tổ chức khai giảng năm học 2021-2022 vào ngày 5/9 mà các trường sẽ dạy trực tuyến từ ngày 6/9.

Quyết định việc các trường sẽ giảng dạy trực tuyến khiến nhiều phụ huynh học sinh băn khoăn, lo lắng. Bởi các điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, thiết bị máy tính… dành cho học sinh ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh rất khó khăn.

Trong đó, đối với học sinh các huyện miền núi của Minh Hóa, Quảng Ninh, Tuyên Hóa… gần như là không thể thực hiện.

“Tôi làm cán bộ xã nên chỉ có một máy tính dành cho công việc. Giờ nếu học online thì không biết sẽ phải dùng cho đứa con học lớp 2 hay đứa học lớp 4. Mà nếu dành cho con học trực tuyến thì cũng không biết dùng gì để làm việc.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì tôi nghĩ nên tạm thời lùi thời gian học tập của các cháu lại, để qua dịch lúc đó bắt đầu năm học mới cũng không muộn”, anh Nguyễn Trường Giang (ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) cho hay.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh ở các xã khó khăn của huyện Minh Hóa như: Trọng Hóa, Tân Hóa… thì điều kiện kinh tế khó khăn, không thể mua sắm máy tính, điện thoại cho con học trực tuyến.

“Nếu so sánh với Hà Tĩnh, một địa phương lân cận của tỉnh Quảng Bình dù tình hình dịch bệnh không căng thẳng hơn nhưng họ vẫn không thông báo học trực tuyến.

Theo tôi, việc Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản lùi thời gian năm học để khống chế dịch bệnh là hợp lý. Việc học còn dài, chậm một tý cũng không sao.

Nếu áp dụng việc dạy – học trực tuyến thì không chỉ khó, khổ cho phụ huynh học sinh mà các giáo viên cũng rất vất vả”, một Hiệu trưởng Trường tiểu học ở Lệ Thủy (Quảng Bình) chia sẻ.

NGUYÊN PHONG