Học trò phản ánh kho bài giảng E-learning khó tìm kiếm học liệu

01/09/2021 08:59
Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các bài giảng e-learning cần sắp xếp theo tiến trình sách giáo khoa để học sinh có thể tìm kiếm bài học dễ dàng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến qua Internet, trên truyền hình; ban hành các văn bản quy định việc dạy học và đánh giá kết quả dạy học theo hình thức trực tuyến.

Tiếp tục xây dựng Kho học liệu số toàn ngành và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử E-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình; hơn 7.500 luận án tiến sĩ; gần 30.000 bộ câu hỏi trắc nghiệm; các trường phổ thông đã ứng dụng các hệ thống quản lý học tập trực tuyến để tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; giáo viên và học sinh đã thích ứng với môi trường học tập số hóa; trên nền tảng dữ liệu của cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. [1]

Có thể nói, những thông tin trên đã làm giáo viên, phụ huynh, học sinh mừng rỡ; giáo viên có thể khai thác học liệu phục vụ dạy học; học sinh có thể vào để học… trực tuyến.

Kho bài giảng E-learning của Bộ chỉ để cho… cho có

Người viết đã giới thiệu học sinh bộ môn của mình (Hoá học 9) vào học trực tuyến tại elearning.moet.edu.vn [2]. Thế nhưng, học sinh không thể học được, đặc biệt là khi sử dụng điện thoại.

Kho bài giảng E-learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bài giảng sắp xếp lộn xộn, không theo quy tắc nào cả. (Ảnh chụp màn hình)

Kho bài giảng E-learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bài giảng sắp xếp lộn xộn, không theo quy tắc nào cả. (Ảnh chụp màn hình)

Em Hoàng Anh chia sẻ: “Em thấy sắp xếp của các bài thiếu khoa học, không theo thứ tự sách giáo khoa. Vì thế, muốn học phải tìm rất mất thời gian.

Bên cạnh đó, dù là trên nền tảng số, chúng em không được xem thí nghiệm, học trực tuyến mà học “chay” hoàn toàn; nên vào học thử, thấy chán, không học nữa”.

Đó cũng là ý kiến chung của nhiều học sinh khi vào Kho bài giảng E-learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tìm hiểu kiến thức, học trực tuyến.

Người viết đã trực tiếp vào “KHO BÀI GIẢNG E-LEARNING” của Bộ để "mục sở thị” tại địa chỉ: https://elearning.moet.edu.vn/.

Cảm nhận ban đầu, thực sự đúng là 1 cái kho nhưng không phải cái kho của thời đại số, thời đại 4.0.

Đúng như học sinh phản ánh, sắp xếp các bài giảng thiếu khoa học, có theo môn nhưng không theo trật tự nào cả, các bài giảng lộn xộn, muốn học, người học phải “đào bới” để kiếm “tài nguyên”.

Dùng điện thoại rất khó có thể học trực tuyến hay khai thác kiến thức ở Kho bài giảng E-LEARNING. (Ảnh chụp màn hình)

Dùng điện thoại rất khó có thể học trực tuyến hay khai thác kiến thức ở Kho bài giảng E-LEARNING. (Ảnh chụp màn hình)

Quả thật, nếu cứ để như thế này, người viết thiết nghĩ Kho bài giảng E-learning của Bộ lập ra chỉ để cho có, khó có thể trở thành tài nguyên cho thầy và trò.

Đôi điều kiến nghị

Để Kho e-learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo có giá trị thực tiễn, học sinh, giáo viên sử dụng hiệu quả, biến sản phẩm của các cuộc thi thiết kế bài giảng e-learning thành tài nguyên, Bộ cần chỉ đạo đơn vị chuyên môn được giao phụ trách e-learning sắp xếp lại “kho” một cách khoa học.

Các bài giảng e-learning cần sắp xếp theo tiến trình sách giáo khoa (phần lớn các trường dạy theo tiến trình sách giáo khoa) để học sinh có thể tìm kiếm bài học dễ dàng.

Bài giảng e-learning phải có clip thí nghiệm minh họa cho những bài học, chủ đề có thí nghiệm, thay vì dạy “chay” như hiện nay.

Cần có phiên bản dùng cho điện thoại, vì học sinh sử dụng điện thoại nhiều, có thể học bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, chỉ cần có... sóng điện thoại.

Đồng thời, Bộ cần có chương trình truyền thông, giới thiệu “KHO BÀI GIẢNG E-LEARNING” đến với giáo viên, học sinh.

Chương trình mới đã triển khai ở lớp 1, chuẩn bị ở lớp 2 và lớp 6, cần có sự lan tỏa phương pháp mới, cập nhật chương trình mới.

Nên chăng Bộ cần triển khai cuộc thi bài giảng điện tử E-learning với chương trình mới, giúp lan tỏa phương pháp, nội dung dạy học tích cực; đó cũng là cách nâng cao chất lượng giáo dục, đưa các cuộc thi của ngành vào cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nam-hoc-vua-qua-nganh-giao-duc-xay-dung-gan-5-000-bai-giang-dien-tu-e-learning-post220564.gd

[2]https://elearning.moet.edu.vn/elearning/Bai-giang-eLearning/Lop-9/Hoa-hoc/.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hồng Nhung