Học trò lớp 12 muốn đối thoại về kỳ thi quốc gia với Bộ Giáo dục

19/08/2014 06:34
Xuân Trung
(GDVN) - Một số học sinh mong muốn Bộ GD&ĐT cần đối thoại để lắng nghe ý kiến từ chính người trong cuộc là các em học sinh đang học lớp 12 để nghe các em nói gì.

Bộ muốn nghe, chúng em sẽ nói

Em Vũ Thành Trung Nam (Chủ nhân Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2014), học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cho biết, mặc dù em đã được tuyển thẳng vào đại học, không phải thi tốt nghiệp nhưng nếu được góp ý với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Nam vẫn muốn một kỳ thi quốc gia bắt buộc phải thi Toán, Ngữ Văn và tiếng Anh, có thể chọn thêm 3 môn tự chọn bất kỳ ở các môn còn lại. Ở Đại học chỉ cần thi các môn theo khối. 

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chủ nhân Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế này cho biết, trong 3 phương án vừa qua Bộ GD&ĐT đưa ra xin ý kiến xã hội bản thân em nhận thấy phương án 2 là hợp lý nhất. Theo Nam, hợp lý vì các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội có liên quan đến nhau. 

Học trò lớp 12 muốn đối thoại về kỳ thi quốc gia với Bộ Giáo dục ảnh 1

Em Vũ Thành Trung Nam (Chủ nhân Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2014), học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.

Trung Nam cũng cho biết, để lấy được ý kiến toàn diện, nhất là ý kiến của nhiều đối tượng trực tiếp thực hiện một kỳ thi quốc gia thì Bộ GD&ĐT nên có một hộp thư góp ý của giới học sinh.

“Nhưng em nghĩ, nếu được thay đổi, các bạn khóa năm học tới sẽ muốn thay đổi cho lớp dưới chịu khổ giống mình. Bởi khi còn 1 năm để ôn thi Bộ GD&ĐT lại có chủ trương thay đổi thi, và học sinh không nghĩ cách đối phó thì chắc sẽ chịu trượt” Nam thẳng thắn.

Theo Nam, nhất quyết nếu thi quốc gia phải có Toán và Văn, đó là hai môn không thể thiếu, đó là các môn để phát triển tư duy và tâm hồn nên phải thi.

Đồng quan điểm, em Nguyễn Danh Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cũng cho biết, em không muốn thay đổi thi ít nhất trong 3 năm học tới bởi theo Phương, học sinh trên toàn quốc đang được dạy theo cách thi cũ từ khi vào lớp 10 (đã được 2 năm), giờ bắt buộc phải thay đổi và rất đột ngột là điều khó cho các em.

“Chúng em không có nhiều thời gian để học lại một cách hoàn toàn mới, thậm chí cả giáo viên cũng không biết dạy như thế nào. Cách nhẹ nhàng nhất là bỏ thi tốt nghiệp, còn nếu không chúng em sẵn sàng thi cả tốt nghiệp lẫn đại học như trước” Phương cho hay.

Theo quan điểm của em Phương, việc đánh giá đúng hoàn toàn năng lực của người học thì một kỳ thi không thể đánh giá được, ý tưởng của Phương là nếu thi đại học chỉ cần cộng điểm thêm trên toàn bộ điểm đánh giá quá trình 12 năm học có tính tới hoạt động ngoại khóa của học sinh, như vậy là chính xác nhất.

Học trò lớp 12 muốn đối thoại về kỳ thi quốc gia với Bộ Giáo dục ảnh 3

Nguyễn Danh Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam

“Ba phương án của Bộ đưa ra và cả cách thi đại học cũ em không đồng tình, nhưng chúng em đã có 2 năm rèn luyện như một con gà theo cách thi cũ nên nếu phải chọn giữa 1 trong 3 phương án đó với cách thi cũ thì em chọn cách thi cũ” Phương bày tỏ.

Nên quyết sớm

Thời gian nào để chốt phương án thi? Là câu hỏi nhiều học sinh lớp 12 đang chờ đợi trong lo lắng, Nguyễn Danh Phương cũng không nằm ngoài số đó. Theo Phương, dù có chốt hôm nay hay hôm qua thậm chí là 3 tháng trước thì học sinh vẫn lo lắng. Vấn đề không phải là thi môn gì mà quan trọng nhất cách thức liên tục đổi mới thi khiên các em “chóng mặt”.

Học trò lớp 12 muốn đối thoại về kỳ thi quốc gia với Bộ Giáo dục ảnh 4

Phó thủ tướng: Sau phổ thông, giáo dục như ma trận

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta xác định mô hình giáo dục giữa các cấp học sao để tương thích với quốc tế, vấn đề này phải làm rõ.

“Kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh đùng một cái năm trước thi như vậy, năm sau lại đổi thi, nếu chốt từ năm 2012 (tức 3 năm trước) thì chúng em còn có thời gian chuẩn bị. Bộ GD&ĐT nên hỏi ý kiến học sinh chứ không thể quyết trước mới hỏi chúng em, để rồi các bạn kêu la ầm lên” Phương cho biết.

Cùng trường, em Hà Huy Quân, học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp năm 2015 cho biết, việc thay đổi thể thức thi là việc làm tiến bộ. Tuy nhiên, Quân cho rằng sẽ là vội vàng nếu thi vào năm tới, bởi tỏng khi nội dung thi thay đổi thì phương pháp giáo dục trên trường lớp chưa có gì đổi mới, học sinh sẽ khó để theo kịp.

“Mỗi người một chí hướng, một ngành nghề riêng muốn theo đuổi nên em không dám nói nên hay không nên thi môn nào. Tuy vậy có 2 môn mà em nghĩ rất cần thiết với đa số ngành nghề là Toán (logic) và tiếng Anh (giao tiếp). 

Quân cũng cho biết, việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp khiến em và bạn bè khá lo lắng, nhưng với Quân do học đều các môn nên nếu thực sự thay đổi thì cũng không quá sốc.

Ông Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, với tư cách là một nhà giáo và là hiệu trưởng trường phổ thông ông Trung hoàn  toàn đồng ý với chủ trương nên có một kỳ thi quốc gia. Cá nhân ông Trung đã mong đợi điều này (một kỳ thi) từ lâu, và lẽ  ra phải làm cách đây 5-6 năm, nhưng với suy nghĩ “muộn còn hơn không bao giờ”.

Ông Trung đặc biệt quan tâm tới phương án 2, giải thích điều cần thiết phải làm theo phương án 2, ông Trung cho biết từ năm 2015 cho tới những năm tiếp theo trước khi quyết định phương án 3 thì phương án 2 là phương án tối ưu để phát huy được hiệu quả và thúc đẩy các nhà trường thực hiện nền học vấn giáo dục phổ thông toàn diện, phong phú, đa dạng để học sinh bước vào những bậc học cao hơn hoặc có thể rẽ sang thực hiện hoạt động hướng nghiệp độc lập. Tùy theo nguyện vọng của học sinh và gia đình thì qua kỳ thi này cũng đủ phông kiến thức nền để các em bước vào đời vững chắc.

Nhận định của ông Trung cho rằng, phương án 2 sẽ có  tác dụng ngược trở lại quá trình dạy và học hiện nay. Lẽ cố nhiên phương án này sẽ có bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, chúng ta chưa dạy và học tích hợp thì việc ra đề tổng hợp, với mỗi bài thi gồm nhiều phần nội dung khác nhau ở từng môn khác nhau thì việc làm đề Bộ vẫn có thể đảm nhiệm được.

Theo ông Trung, để giảm áp lực giữa trượt và đỗ để có kỳ thi nghiêm túc, có thể từ trước tới giờ chúng ta quen với con số đỗ gần 100%, bây giờ chúng ta chấp nhận tỷ lệ thật, tỷ lệ thật đó có thể là 70% hay là 50% thì vẫn vui vẻ, vì đó là điềm mừng.

Xuân Trung