Học trò khổ sở vì phải vào đội tuyển luyện thi học sinh giỏi mùa dịch

03/10/2021 07:05
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù dạy trực tuyến, thế nhưng một số cơ sở giáo dục đã, đang triển khai thực hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, chuẩn bị thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh.

Nhận được điện thoại của em gái, tôi không khỏi ngỡ ngàng “Anh, cháu K. được thầy chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Toán, chuẩn bị bồi dưỡng trực tuyến, anh xem, có nên cho cháu tham gia không?”.

Khi được hỏi, K. cho biết, cháu học trực tuyến cả tuần rồi, mệt lắm, không muốn học trực tuyến bồi dưỡng học sinh giỏi nữa, thế nhưng không biết làm sao từ chối, sợ mất lòng thầy; các bạn khác được thầy chọn cũng có cùng suy nghĩ như thế.

Khi thi học sinh giỏi trở thành… “miếng bánh” của một số thầy cô

Chuyện thi học sinh giỏi đã được dư luận nói nhiều trong thời gian qua, rất nhiều giáo viên đang dạy trực tiếp đề xuất bỏ thi học sinh giỏi vì những bất cập của nó trong thực tế.

Thế nhưng, việc “rèn thợ giải bài tập” đang là “miếng bánh” của giáo viên; cùng với kết quả thi học sinh giỏi của học sinh, giáo viên được “hưởng lợi” không ít.

Đầu tiên, phải kể đến thi đua khen thưởng, giáo viên có học sinh đỗ học sinh giỏi sẽ được ưu tiên xét chiến sĩ thi đua, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… nâng lương trước thời hạn.

Bên cạnh đó, một số địa phương chi hào phóng cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh đạt giải.

Ảnh minh họa trên Vtv.vn

Ảnh minh họa trên Vtv.vn

Năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026, Quảng Nam sẽ triển khai chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên trường trung học phổ thông chuyên, trung học phổ thông công lập, phổ thông dân tộc nội trú theo Nghị quyết số 26 mà Hội đồng nhân dân tỉnh này vừa thông qua.

Theo đó, mức hỗ trợ cao nhất dành cho học sinh lên đến 3 triệu đồng/tháng và 900.000 đồng/tiết dạy đối với giáo viên.[1]

Vì thế, không ít giáo viên biết, nhưng vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bồi dưỡng học sinh giỏi, vì “miếng bánh” hay vì… học sinh thân yêu?

Dịch giã thế này nên bỏ thi học sinh giỏi

Thời gian qua, cũng có hiện tượng học sinh không còn mặn mà với thi học sinh giỏi; nguyên nhân “Vì đầu ra rất hẹp của học sinh chuyên (cả về năng lực chuyên môn và kết quả thi cử) nên việc dạy học ở nhiều lớp chuyên lại đặt nặng vào việc chuẩn bị cho các em thi đại học. Tuy nhiên, chương trình học và thi hiện nay thiên về kiến thức và kỹ năng tính toán khá nặng nề.

Do đó, một bộ phận học sinh chuyên nói riêng và học sinh trung học nói chung khi rời trường phổ thông chỉ có một nền tảng kiến thức (mà những kiến thức này nhanh chóng bị rơi rớt và lạc hậu), thiếu hẳn những kỹ năng cơ bản, kỹ năng mềm, phương pháp học tập và làm việc.

Chất lượng giáo dục hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của một bộ phận HS, nên một số em đã tìm đầu ra bằng con đường du học nhờ học bổng tìm được, hoặc du học tự túc”. [2]

Như vậy, học sinh giỏi nhưng “thiếu hẳn những kỹ năng cơ bản, kỹ năng mềm, phương pháp học tập và làm việc”, vậy học sinh đó có phải giỏi không, hay chỉ đơn thuần là “thợ giải bài tập”?

Vậy có nên duy trì bồi dưỡng học sinh giỏi, thi học sinh giỏi, trường chuyên, lớp chọn khi chương trình đang hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực?

Dù dạy trực tuyến, thế nhưng một số cơ sở giáo dục đã, đang triển khai thực hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, chuẩn bị thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh.

Chương trình học và thi học sinh giỏi hiện nay thiên về kiến thức và kỹ năng tính toán, không có được bao nhiêu phần phát triển phẩm chất, năng lực; đặc biệt dạy bồi dưỡng học sinh giỏi trực tuyến càng khó phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh.

Vì thế nên bỏ thi học sinh giỏi, khi dịch giã như thế này càng nên bỏ thi học sinh giỏi hơn nữa.

Ngày 24/9, trao đổi với báo Lao Động, Giáo sư Tiến sĩ Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An - cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, phải tổ chức dạy học trực tuyến, nhiều giáo viên, nhà trường phản ánh nhiều khó khăn, bất cập, do đó ngành Giáo dục quyết định không tổ chức thi học sinh giỏi ở một số lớp, cấp.[3]

Ngành Giáo dục Nghệ An bãi bỏ kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện đối với nhiều lớp học đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh tỉnh Nghệ An trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Nên chăng, các địa phương khác trên cả nước noi gương Nghệ An, bỏ bớt thi học sinh giỏi, giảm áp lực cho học sinh, giáo viên, xã hội trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-gioi-hoc-sinh-gioi-quang-nam-se-duoc-nhan-tien-ho-tro-hang-thang-post221142.gd

[2]https://tuoitre.vn/vi-sao-hoc-sinh-khong-man-ma-voi-thi-hoc-sinh-gioi-987892.htm

[3]https://laodong.vn/xa-hoi/bo-thi-hoc-sinh-gioi-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-957081.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường