Học trò hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Thời đại 4.0, con có bị thất nghiệp không?

09/10/2017 07:16
Trinh Phúc
(GDVN) - “Chắc chắn tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên nếu chúng ta buông xuôi mặc cho số phận, chấp nhận làm thuê bằng sức lao động chắc chắn sẽ thất nghiệp”.

Ngày 8/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Trung học Phổ thông Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trong chương trình này, hơn 1.265 học sinh của trường Trung học Phổ thông Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với diễn giả, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng (năm nay, Giáo sư đã 80 tuổi).

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng giao lưu với học sinh trường Trung học Phổ thông Yên Lạc (ảnh Trinh Phúc).
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng giao lưu với học sinh trường Trung học Phổ thông Yên Lạc (ảnh Trinh Phúc).

Bằng giọng nói truyền cảm, kiến thức uyên thâm cùng những bài học được đúc rút từ thực tiễn, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã định hình cho các em về cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4 (4.0) và đã chỉ ra những cơ hội, thách thức mà thế hệ trẻ Việt Nam phải đối mặt.

Đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tiếp lửa cho các em học sinh Trường Trung học Phổ thông Yên Lạc bằng những câu chuyện sinh động từ chính thực tiễn học tập, nghiên cứu, lao động suốt đời của ông.

Trong phần giao lưu, nhiều học sinh đã đặt ra cho Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng những câu hỏi hay, thể hiện nhãn quan và khát vọng của các em trước thời đại mới.

Học sinh thắc mắc "vài trò của chúng em như thế nào trong thời đại 4.0?" (ảnh Trinh Phúc).
Học sinh thắc mắc "vài trò của chúng em như thế nào trong thời đại 4.0?" (ảnh Trinh Phúc).

Mở đầu cho phần hỏi đáp giao lưu, một học sinh nữ khối 10 đã hỏi thầy Nguyễn Lân Dũng:

“Trong thời đại 4.0, khi máy móc thay thế sức lao động con người, vậy vai trò của chúng em như thế nào trong thời đại đó? Chúng em phải làm gì trong thời đại 4.0?"

Trước câu hỏi hay, Nhà Giáo Nguyễn Lân Dũng cho rằng:

“Các em phải thích nghi với thời đại đó.

Bởi, sau này sẽ không còn công nhân dệt may nữa, không còn công nhân đóng giày da nữa và cũng sẽ không còn công nhân SAMSUNG chuyên lắp ráp điện tử một cách thô sơ nữa.

Các em phải hiểu rằng, giá trị của một sản phẩm chỉ còn 30% từ nguyên liệu còn lại 70% là trí tuệ mang lại”.

Để giúp các em học sinh trường Trung học Phổ thông Yên Lạc dễ hiểu hơn cần làm gì trong thời đại mới, ông Nguyễn Lân Dũng cho ví dụ:

“Tôi đến Quảng Châu – Trung Quốc thăm gia đình nông dân trồng nấm, rất ngạc nhiên khi hai người trồng nấm rơm mà buổi sáng có mấy ô tô tải đến thu mua.

Vì sao chỉ hai người nông dân nhưng có thể sản xuất được lượng nấm lớn đến vậy?

Kinh nghiệm này tôi đã thu được từ chuyến đi đó và muốn các em học lắm. Đó là, chúng ta cần phải đổi mới công nghệ trồng nấm rơm.

Hai người nông dân đó không trồng nấm rơm như ở nước ta hiện nay, mà họ trồng nấm rơm theo cách như ta trồng nấm mỡ.

Tôi đã viết cuốn công nghệ trồng nấm trong đó có quy trình trồng nấm mỡ. Em nào trồng chỉ cần đọc sách theo quy trình trồng nấm mỡ và áp dụng để trồng nấm rơm.

Điểm khác biết nấm mỡ ủ đất, nấm rơm không ủ đất thôi”.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm:

“Ví dụ đó để các em hiểu được, nhà mình có 3 sào ruộng, thu được bao nhiêu tiền và nếu mua gạo về ăn sẽ mất bao nhiêu tiền?

Trong thời đại 4.0 các em phải nghĩ được, xem mảnh đất nhà mình trồng gì phải xuất khẩu được.

Vừa được nhiều tiền lại vừa đem lại ngoại tệ cho đất nước. Đây là ví dụ đơn giản việc các em có thể làm trong thời đại 4.0”.

Học sinh chăm chú lắng nghe phần giảng giải của Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng (Trinh Phúc).
Học sinh chăm chú lắng nghe phần giảng giải của Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng (Trinh Phúc).

Tiếp tục trả lời câu hỏi các em làm gì trong thời đại 4.0, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ thêm:

“Em nào học công nghệ thông tin thì sáng tạo ra phần mềm như Uber hay Grab…

Phần mềm mình đem bán cho nhiều nước để thu về ngoại tệ.

Tóm lại, sẽ có rất nhiều con đường dẫn tới thành công cho các bạn học sinh – những người chủ tương lai của đất nước.

Miễn là, các em phải có ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ mới và không ngừng phấn đấu vươn lên”.

Theo Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, một người muốn thích nghi và thành công trong thời đại 4.0 cần phải đặt cho mình mục tiêu của cuộc đời để phấn đấu.

Học trò hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Thời đại 4.0, con có bị thất nghiệp không? ảnh 4Cách mạng 4.0 đặt ra yêu cầu bức thiết về hợp tác của các cơ sở giáo dục đại học

Khi đã có mục tiêu thì cần cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện mục tiêu. Phải lập được kế hoạch cả đời, kế hoạch theo năm, theo ngày để làm sao đạt được mục tiêu đó”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đưa ra ví dụ:

“Thời tôi ra trường không biết gì về ngoại ngữ nhưng tôi đã đặt mục tiêu dịch cho tôi dịch hai cuốn sách.

Vì mục tiêu, nên tôi tự học ngoại ngữ. Học những từ đơn giản rồi mới đến học cấp độ khó. Với sự tự học không ngừng vươn lên, nên đến nay tôi sử dụng được 4 ngoại ngữ.

Khi ra trường, tôi chưa từng nghiên cứu khoa học bao giờ, rồi rủ mọi người lập cơ quan nghiên cứu, lập dự án, đăng ký với nhà nước đề tài nghiên cứu”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tiếp:

“Tôi chưa đi bộ đội nhưng lại phục vụ bộ đội.

Năm 1971, trong chiến tranh chống Mỹ (1971), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, thương binh rất nhiều.

Nhiều người bị bom phải cưa chân. Cái đùi bị cưa thành mỏm cụt rất đau đớn.

Có một vi khuẩn đó là vi khuẩn mủ xanh, con này kháng thuốc nó nhiễm vào mạch máu chắc chắn chết – gọi là nhiễm trùng máu.

Đơn vị chúng tôi quyết tâm nghiên cứu con vi khuẩn này và tôi vào viện 108 hợp tác cùng nghiên cứu chống vi khuẩn mủ xanh.

Cuối cùng đã nghiên cứu thành công và Bộ Quốc phòng đã đưa ê kíp vào tận Đường 9 - Nam Lào để trực tiếp chữa bệnh.

Chúng tôi đã nuôi nấm men trong can nhựa. Các anh bộ độ đã dùng bí đỏ và đường trong can nhựa lắc đều để cho nấm men mọc trong can nhựa.

sau đó, mọi người múc dội vào vết thương, kết quả chỉ cần hai ngày vi khuẩn mủ xanh đã mất đi. Thành quả là đã cứu rất nhiều thương binh bằng phương pháp rất đơn giản như thế”.

Em Lan Hương học sinh lớp 11 lo lắng tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh trong tương lại (ảnh Trinh Phúc).
Em Lan Hương học sinh lớp 11 lo lắng tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh trong tương lại (ảnh Trinh Phúc).

Tiếp tục phần giao lưu, học sinh tên là Lan Hương, lớp 11 đã hỏi thầy trực tiếp thầy Nguyễn Lân Dũng:

“Hiện tại dân số ngày càng tăng lên, công nghệ 4.0 thì máy móc sẽ thay sức lao động của con người vậy tỉ lệ thất nghiệp có tăng lên không?”.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng:

“Chắc chắn tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên nếu chúng ta buông xuôi mặc cho số phận. Nếu chúng ta chấp nhận làm thuê bằng sức lao động chắc chắn chúng ta sẽ thất nghiệp”.

Học trò hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Thời đại 4.0, con có bị thất nghiệp không? ảnh 6Doanh nghiệp đặt hàng trường đại học để chuẩn bị đội ngũ cho cuộc cách mạng 4.0

Chuyên gia này nhấn mạnh:

“Chúng ta phải lao động bằng trí tuệ. Trong thời đại công nghệ 4.0 sẽ có vô số ngành mới mở ra.

Các em sẽ có việc làm mới bằng công nghệ mới mà các em tiếp thu được.

Các em không chỉ làm việc trong nước, các em còn đi nước ngoài lao động mà không phải làm chân tay mà làm việc bằng khả năng, kỹ năng có được.

Thế hệ của các em phải học tập giỏi, học công nghệ mới, không chỉ phục vụ cho nước mình mà còn đi nước ngoài triển khai công nghệ mới”.

Em Đại Văn Quân, học sinh lớp 12 A5 hỏi thầy Nguyễn Lân Dũng:

“Giáo sư có nói là trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ phát triển đột phá theo hàng số mũ chứ không phải theo hàng số tự nhiên, điều này có nghĩa Việt Nam đã chậm so với thế giới rất là nhiều.

Vậy, Chính phủ Việt Nam đã làm gì, sẽ làm gì để giúp đỡ cho các em? Liệu rằng, các trường đại học ở Việt Nam có thay đổi cách dạy học để giúp đỡ cho các sinh viên mới trong thời kỳ hội nhập không?"

Em Đại Văn Quân thắc mắc về chương trình giáo dục có đáp ứng được với đòi hỏi của cách mạng công nghệ 4.0 (ảnh Trinh Phúc).
Em Đại Văn Quân thắc mắc về chương trình giáo dục có đáp ứng được với đòi hỏi của cách mạng công nghệ 4.0 (ảnh Trinh Phúc).

Trước câu hỏi của em Đại Văn Quân, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng rất hứng thú và ông chia sẻ rằng:

“Tôi xin giới thiệu, tôi làm Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và phát triển nhân lực.

Cho nên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi của em.

Một là, chúng ta đang ưu tiên phát triển công nghệ cao và công nghệ cao đang tiếp nhận mọi trí tuệ của người Việt để thực hiện những công nghệ đột phá.

Khu công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội) đang có các các tri thức không chỉ trong nước mà còn tri thức người nước ngoài ở Việt Nam về đây nghiên cứu.

Chúng ta có 4 trăm nghìn các nhà khoa học Việt Nam làm việc ở tất cả các trung tâm khoa học tiên tiến trên thế giới.

Học trò hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Thời đại 4.0, con có bị thất nghiệp không? ảnh 8Chương trình mới đã chú trọng tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 chưa?

Hầu như lĩnh vực nào trên thế giới cũng có người Việt Nam kể cả làm máy bay, vệ tinh và những ngành khoa học mũi nhọn khác.

Chúng ta đang kêu gọi những trí thức Việt kiều hợp tác để đưa công nghệ tiên tiến vào Việt Nam.

Hiện đã có hàng vạn học sinh đi học nước ngoài. Đó là lớp trí thức sẽ trở về xây dựng đất nước.

Chính phủ quan tâm, lo lắng việc xây dựng đội ngũ tri thức, các nhà khoa học trẻ nếu đăng được bài báo ở tạp chí nổi tiếng thì được Chính phủ tặng tiền thưởng.

Chúng ta cũng đang chứng kiến cuộc thay đổi nội dung giảng dạy ở bậc phổ thông và đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng các chương trình mới, chương trình đó hiện đại, phát huy được trí tuệ của tất cả các em”.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng:

“Chính phủ đã làm nhưng có thành công hay không là ở các em. Các em phải bước vào thời kỳ 4.0 với tâm thế của những người chủ, những người tự tin, mạnh dạn tiếp thu khoa học công nghệ mới.

Các em hãy tin tưởng, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tạo ra một cái khung mới về khoa học, giáo dục cho các em. Các em là người chủ tương lai, người thực hiện quá trình đổi mới đất nước”.

Trinh Phúc