Học trò cần biết "liệu cơm gắp mắm" khi chọn nghề

06/07/2017 06:37
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Việc cân nhắc, lựa chọn thật kỹ lưỡng, sáng suốt ngành nghề, bậc học gắn với năng lực, hoàn cảnh kinh tế gia đình và nhu cầu lao động xã hội là rất quan trọng.

LTS: Trước thực tế nhiều học sinh và phụ huynh vẫn chuộng bằng cấp nên lựa chọn các nghề không phù hợp với năng lực, thầy giáo Sông Trà chia sẻ bài viết của mình về vấn đề này.

Theo đó, tác giả Sông Trà cho rằng các bậc phụ huynh và học sinh cần hiểu rõ thời cuộc, "liệu cơm gắp mắm" để chọn trường, chọn nghề tránh tình trạng thất nghiệp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cách đây 5 năm, tôi từng khuyên nhủ, định hướng ngành nghề cho Giang, một người cháu ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) sau khi học xong lớp 12:

Cháu học ở mức trung bình yếu, nhà mình lại nghèo, không thân thế gì thì tốt nhất nên đi học trường nghề Dung Quất, gần nhà để đỡ tốn chi phí của gia đình và dễ xin việc làm ở bất cứ đâu”. 

Tuy nhiên, người mẹ và cháu Giang lại không chịu nghe, cứ nhất quyết theo học ngành quản lý địa chính ở Đà Nẵng, vì nghe người ta đồn đại rằng: "ngành ấy làm sướng lắm, luôn được “ăn trắng, mặc trơn”, hiếm gì người cầu cạnh, nhờ vả mình...” 

Ba năm đèn sách, tốn kém không ít chi phí học tập, Giang cũng nhận được tấm bằng ngành địa chính loại khá về quê nhà.

Giang hăm hở cầm những bộ hồ sơ đi tìm việc nhiều chỗ ở địa phương và các tỉnh lân cận mà chẳng có đơn vị, cơ quan, công ty nào có nhu cầu tuyển dụng. 

Các em học sinh lớp 12 cần cân nhắc, lựa chọn thật kỹ lưỡng, sáng suốt ngành nghề, bậc học gắn với năng lực, hoàn cảnh kinh tế gia đình và nhu cầu lao động xã hội. (Ảnh: Baodaklak.vn)
Các em học sinh lớp 12 cần cân nhắc, lựa chọn thật kỹ lưỡng, sáng suốt ngành nghề, bậc học gắn với năng lực, hoàn cảnh kinh tế gia đình và nhu cầu lao động xã hội. (Ảnh: Baodaklak.vn)

Sau 2 năm thất nghiệp, mỏi mệt đi tìm việc không thành, Giang và gia đình cháu mới thấm thía, nhận ra những lời khuyên, định hướng ngày nào của tôi là đúng đắn và đành cất tấm bằng với giấc mộng “ăn trắng mặc trơn” để đi làm công nhân ở khu kinh tế Dung Quất.

Anh bạn tôi có học vị tiến sĩ, đang làm Trưởng phòng đào tạo một trường đại học ở khu vực miền trung.

Mấy năm nay nguồn tuyển sinh gặp khó khăn, vị trí như anh cũng phải theo các đoàn lên đường đến các trường, địa phương để tư vấn tuyển sinh, quảng bá hình ảnh của trường.  

Là chỗ thân tình, anh chia sẻ thật tình: “Tình trạng hàng trăm ngàn, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hiện nay bị thất nghiệp, nhiều em phải quay sang học nghề, cất bằng đại học đi làm công nhân các khu công nghiệp, có một phần lỗi không nhỏ của các trường đại học, cao đẳng chúng tôi

Vì chỉ biết lo cho quyền lợi của nhà trường, đội ngũ giảng viên, mong “nồi cơm” của mình luôn đầy ắp và thơm ngon nên nhiều nhà trường phải tung ra đủ các chiêu thức để “dụ”, thu hút sinh viên, càng nhiều càng tốt, nào mức học phí thấp, nào chất lượng đào tạo tốt, nào ra trường sẽ có việc làm ngay… song thực tế thường khác xa”.

Học trò cần biết "liệu cơm gắp mắm" khi chọn nghề ảnh 2

Học hết lớp 9, em nào dám đi học nghề?

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 13 - quý I năm 2017 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố mới đây, về công tác giải quyết việc làm, trong quý I, số người có việc làm là hơn 53 triệu người, tăng hơn 74 nghìn người (bằng 0,14%) so với cùng kỳ năm 2016, nhưng lại giảm hơn 40 nghìn người (bằng 0,08%) so với thời điểm cuối năm 2016. 

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm, song cả nước vẫn còn hơn 1,1 triệu người thất nghiệp.

Trong đó có 242 nghìn người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. ), tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao (7,29%), cao hơn quý trước và cao hơn cùng kỳ năm 2016. 

Đáng lưu ý là nhóm người tìm việc làm nhiều nhất ở nhóm nghề kế toán - kiểm toán (3,6 nghìn người), tiếp đến là nhóm nghề nhân sự (1,1 nghìn người), lao động phổ thông (1,1 nghìn người). 

Thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm, hơn 232 nghìn người tìm được việc làm; thông qua các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, hơn 22 nghìn lao động Việt Nam tìm được việc làm ở thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Như vậy, thị trường lao động Việt Nam tồn tại khá nhiều vấn đề bất cập. 

Nhóm lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 27% số người thất nghiệp trong độ lao động. 

Thu nhập từ nhóm lao động có trình độ sơ cấp nghề cao hơn trung cấp và cao đẳng. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường lao động chưa có nhiều khởi sắc, song vẫn bảo đảm cho kinh tế, xã hội phát triển theo chiều hướng thuận lợi.

Trên 860.000 học sinh lớp 12 cả nước năm nay chỉ còn vài ba ngày nữa là biết kết quả thi trung học phổ thông quốc gia. 

Sau đó các thí sinh và các bậc phụ huynh sẽ cân nhắc, lựa chọn, có thể điều chỉnh nguyện vọng để tham gia vào xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017. 

Việc học tập, lựa chọn ngành nghề, bậc học là quyền lợi của tất cả học sinh, luôn được mọi người, phụ huynh và xã hội tôn trọng. 

Nhưng hiện tại, tình trạng thanh niên có đang trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp ở mức cao, công tác phân luồng học sinh, định hướng ngành nghề sau khi học xong bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông của Nhà nước, ngành giáo dục còn vướng phải nhiều rào cản, khó khăn; thị trường lao động chật hẹp, các trường đào tạo nghề còn hạn chế, èo uột…

Học trò cần biết "liệu cơm gắp mắm" khi chọn nghề ảnh 3

Nếu không đậu lớp 10 công lập, học sinh có thể đi học nghề hoặc trung cấp

Trong bối cảnh này, việc cân nhắc, lựa chọn thật kỹ lưỡng, sáng suốt ngành nghề, bậc học của chính các em gắn với năng lực, hoàn cảnh kinh tế gia đình và nhu cầu lao động xã hội (qua những kênh chính thống, tin cậy) là vô cùng cần thiết và quan trọng. 

Một số bạn trẻ, các bậc phụ huynh đã có những nhận thức, suy nghĩ và hành động chuyển dịch tích cực, đúng đắn về ngành nghề, bậc học, không còn nặng nề về bằng cấp, làm nhà nước hay tư nhân, làm “thầy” hay “thợ”… 

Đây là những tín hiệu tốt đẹp cho ngành giáo dục - đào tạo và thị trường lao động nước nhà. 

Rất mong trong thời gian đến, sẽ có nhiều thêm học sinh lớp 12 và các bậc phụ huynh hiểu rõ thời cuộc, biết “liệu cơm gắp mắm”, chọn lựa bậc học, ngành nghề phù hợp nhất để sau khi tốt nghiệp ra trường sớm có việc làm, ổn định cuộc sống, không gây lãng phí tiền bạc cho phụ huynh và nhà nước.

SÔNG TRÀ