Học thể dục trên giấy, sự lãng phí vô lý khi triển khai Chương trình mới

21/03/2021 06:57
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc có sách giáo khoa Giáo dục thể chất đã làm bất ngờ không chỉ học sinh, phụ huynh mà ngay cả … giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất.

Thể dục là tên gọi của một môn học trong chương trình cũ, chương trình mới Thể dục được gọi theo tên mới là Giáo dục thể chất.

Chương trình mới, theo Luật Giáo dục 2019, môn học nào cũng phải có sách giáo khoa, Giáo dục thể chất cũng không ngoại lệ.

Việc có sách giáo khoa Giáo dục thể chất đã làm bất ngờ không chỉ học sinh, phụ huynh mà ngay cả … giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất.

Phụ huynh có nên mua sách giáo khoa Giáo dục thể chất cho con?

Thầy giáo Trần Văn Xiếu, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất, là huấn luyện viên có nhiều học sinh đạt giải thể thao cấp Huyện, cấp Tỉnh và Quốc gia, đang công tác tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ:

“Mình nghe nói chương trình mới có sách giáo khoa Giáo dục thể chất, nay được cầm tận tay, đọc để góp ý cho việc chọn sách giáo khoa lớp 6 năm học 2021-2022, nhưng không khỏi bất ngờ.

Nếu hỏi mình, sách giáo khoa Giáo dục thể chất phụ huynh có cần mua cho con không, mình có lời khuyên chân thành, không cần mua.

Tại sao không cần mua, vì môn Giáo dục thể chất chủ yếu là thực hành, nội dung thực hành này do giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất hướng dẫn đầy đủ rồi, cứ đến giờ là ra sân tập; gần như học sinh tuyệt đối không sử dụng đến sách giáo khoa trong quá trình học tập.

Nếu mua sách giáo khoa Giáo dục thể chất sẽ gây lãng phí cho gia đình, lớn hơn là cho xã hội”.

Thầy giáo Trần Văn Xiếu, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất, là huấn luyện viên có nhiều học sinh đạt giải thể thao cấp Huyện, cấp Tỉnh và Quốc gia, đang công tác tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng. (Ảnh: Sơn Quang Huyến)

Thầy giáo Trần Văn Xiếu, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất, là huấn luyện viên có nhiều học sinh đạt giải thể thao cấp Huyện, cấp Tỉnh và Quốc gia, đang công tác tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng. (Ảnh: Sơn Quang Huyến)

Thực tế học sinh có dùng đến sách giáo khoa Giáo dục thể chất không?

Người viết gặp anh Lê Chí Hải có con đang học lớp 1 năm học 2020-2021, anh Hải cho biết: “Con tôi từ đầu năm tới giờ chưa hề dùng đến cuốn sách giáo khoa Giáo dục thể chất để học lần nào. Mà thật ra, muốn dùng cũng không dùng được, vì chưa biết đọc thì làm sao cháu dùng.

Cháu chỉ mở coi hình, trình cho cô chủ nhiệm khi cô kiểm tra sách vở, dụng cụ học tập đầu năm rồi thôi.

Thầy giáo bộ môn Giáo dục thể chất cũng không hề yêu cầu đưa sách giáo khoa Giáo dục thể chất đi học khi có môn thể dục.

Vì thế, năm học tới, tôi sẽ yêu cầu nhà trường không bán sách giáo khoa Giáo dục thể chất lớp 2 cho con tôi”.

Chuyên gia nói gì về sách giáo khoa Giáo dục thể chất

Tiến sĩ Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục tiểu học cho rằng không cần thiết phải có sách giáo khoa môn giáo dục thể chất.

“Bản chất môn học hoàn toàn là thực hành, sách giáo khoa lại thiên về lý thuyết, học như vậy tôi nghĩ sẽ không hiệu quả. Tôi từng đi tìm trong tủ sách của Singapore, Đức, Hungary nhưng chưa từng nhìn thấy quyển sách giáo khoa về môn thể chất tại các nước này, chỉ thấy tài liệu dành cho giáo viên", Tiến sĩ Hương chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, những nhà viết sách giáo khoa phải đưa vào sách những quy định rõ ràng về vấn đề kiểm tra, đánh giá về mặt hiệu quả đối với môn giáo dục thể chất.

"Thực tế cho thấy, hiệu quả của các môn học này thường không ổn, thậm chí rất tệ. Các thầy cô cho điểm thoải mái vì không phải lấy để đánh giá, các thầy cô hầu hết chỉ điểm danh, tập vài cái rồi cho điểm.

Cần phải hướng dẫn giáo viên, đặc biệt nhấn mạnh tài liệu kiểm tra đánh giá phải có, mức độ, quy định đánh giá rõ ràng. Thầy cô hiện nay vẫn chỉ đánh giá đạt hay không đạt theo cảm quan" [1].

Ước tính, học sinh các khối 1, 2, 6 năm học 2022 – 2022 có khoảng 6 triệu em, mỗi cuốn sách giáo khoa môn giáo dục thể chất khoảng 20.000, như vậy chúng ta sẽ lãng phí khoảng 120 tỷ đồng.

Đầu tư cho giáo dục không sợ lỗ, không nên đo đếm. Thế nhưng sự lãng phí không nên có, không nên xảy ra, để giáo dục cho học sinh kĩ năng sống, kĩ năng tiêu tiền.

Không nên mua những thứ mình có khả năng mua, chỉ mua những thứ mình có nhu cầu sử dụng, tránh lãng phí tiền bạc.

Bán sách giáo khoa cho học sinh, đồng nghĩa với việc được hưởng tiền hoa hồng phát hành sách. Vì vậy các nhà sách, có thể biết sách giáo khoa môn giáo dục thể chất học sinh không cần dùng đến nhưng vẫn bán vì lợi ích của mình.

Vì vậy, phụ huynh học sinh hãy chủ động, cân nhắc có nên mua, hay không nên mua sách giáo khoa môn giáo dục thể chất cho con mình năm học mới, tránh lãng phí cho gia đình mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vtc.vn/sach-giao-khoa-mon-the-duc-tai-viet-nam-co-can-thiet-ar504249.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến