Học sinh Trường Ams đạt Huy chương Vàng kì thi Vật lí Thiên văn quốc tế

22/11/2021 13:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 5 học sinh Trường Ams đại diện đoàn Việt Nam tham dự kì thi lần này tất cả đều đạt Huy chương vàng, bạc, và đồng, điều này chưa từng có ở những năm trước.

Kì thi Thiên văn và Vật lí thiên văn quốc tế được tổ chức ở Columbia, theo hình thức trực tuyến đã kết thúc vào tối ngày 21/11/2021 sau 5 ngày thi tài của các em học sinh dưới 19 tuổi tại hơn 60 nước trên thế giới. Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kì thi lần này với 5 học sinh lớp 12 của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam, gồm em Trần Đình Dũng và Nguyễn Khánh Tâm (Huy chương vàng), em Nguyễn Mạnh Đức (Huy chương bạc), em Lê Đức An và em Đinh Trần Hải Chiến (Huy chương Đồng).

Đội tuyển học sinh Việt Nam và các thầy cô tại buổi kết thúc Kì thi Thiên văn và Vật lí thiên văn quốc tế. Ảnh: NVCC.

Đội tuyển học sinh Việt Nam và các thầy cô tại buổi kết thúc Kì thi Thiên văn và Vật lí thiên văn quốc tế. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, em Trần Đình Dũng (Huy chương Vàng) đã thay mặt đội tuyển chia sẻ. Theo em Dũng: “Mọi việc chuẩn bị cho kì thi năm nay đã được ban giám hiệu nhà trường, cùng các thầy và đội tuyển tiến hành từ đầu tháng 9, mọi việc đều có sự chuẩn bị trước cả về kiến thức và tinh thần.

Đề thi gồm phần lí thuyết, phần thực hành gồm xử lí số liệu và ngắm sao, nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh nên đội chúng em phải làm quen với một ứng dụng mới do ban tổ chức đề xuất, tuy nhiên ứng dụng này cũng không làm khó đội tuyển Việt Nam bởi đây là ứng dụng xử lí số liệu.

Bên cạnh đó, đội chúng em cũng phải làm quen thêm với bầu trời về ban đêm, khi mọi người đang ngủ thì đội chúng em di chuyển lên Hòa Lạc để quan sát bầu trời, việc này có làm thay đổi một chút về giờ giấc sinh hoạt. Việc cuối cùng có thể nói là khó nhất, đó là phần lí thuyết rất dài khiến cho bất cứ ai cũng cảm thấy đuối ở những chặng cuối. Nhưng cả đội chúng em đã rất cố gắng, vượt qua gần 3 tháng liên tục học lí thuyết như vậy để có được kiến thức vững vàng bước vào kì thi.

Toàn bộ phần kiến thức ôn tập cho Kì thi Thiên văn và Vật lí thiên văn quốc tế lần này không yêu cầu kĩ năng tính toán như giải tích hay đạo hàm, nhưng đây là cuộc thi chuyên sâu nên cả đội vẫn cần có những kiến thức nâng cao mà chỉ có trong các tài liệu ở nước ngoài, trung bình mỗi vấn đề dài vài trăm trang, đây là những kiến thức cơ bản trong giới thiên văn.

Về vấn đề luyện ngắm sao, cần phải có một bầu trời quang đãng, thời tiết thuận lợi không có nhiều bụi và sương mù nhưng trong những tháng cuối năm ở Hà Nội rất khó để tìm được một buổi tối thuận lợi về thời tiết như yêu cầu, chính vì vậy đội chúng em cũng không thực hành được nhiều. Để ngắm sao, ban đầu phải ngắm bằng mắt thường để làm quen với nền trời sao, sau đó đến bước sử dụng kính thiên văn để ngắm kĩ hơn các ngôi sao, vật thể như các Thiên Hà, các Tinh vân,…”.

Các thành viên đội tuyển đều đạt huy chương cá nhân

Em Nguyễn Mạnh Đức (Huy chương Vàng) Đội trưởng đội tuyển thi lần này cho biết: “Toàn bộ kì thi diễn ra trong 5 ngày, mỗi ngày 5 tiếng đồng hồ, trong đó có 4 ngày thi cá nhân và 1 ngày thi đồng đội. Do được chuẩn bị khá kĩ nên chúng em cũng không gặp khó khăn gì quá, chỉ có vấn đề lệch múi giờ nên đoàn Việt Nam phải thi từ từ 17h đến 22h, chính vì vậy có hơi mệt.

Về mặt kiến thức, đội tuyển làm bài khá tốt, tuy nhiên vẫn còn một chút sai sót nên bài thi chưa được tuyệt đối. Nhưng cả 5 bạn tham gia đội tuyển năm nay và đều đạt giải thì ngoài sức tưởng tượng, đội chúng em rất bất ngờ.

Trong phần thi cá nhân, mỗi thành viên đội tuyển phải làm một bài thi riêng, sau đó sẽ Scan bài và nộp lại cho ban giám khảo, điểm đó sau khi chấm sẽ thuộc về cá nhân từng thành viên. Bài thi cá nhân phải thực hiện độc lập, mỗi buổi thi một bài trong thời gian từ 120 đến 180 phút, bao gồm bài thi lí thuyết, bài thi xử lí số liệu, bài quan sát mặt trời và bài quan sát trời sao.

Bài thi đồng đội, về bản chất là cả 5 người trong đội tuyển cùng phải thực hiện, ban giám khảo gửi đề bài và cả đội cùng phải phân tích các số liệu trong đề. Có thể nói đây là một bài tập mô phỏng công việc thực tế của các nhà Thiên văn học khi nghiên cứu về các ngôi sao, các Thiên hà”.

Ban giám hiệu, thầy cô giáo Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam cùng phụ huynh và các em học sinh đội tuyển đạt giải. Ảnh: T.D.

Ban giám hiệu, thầy cô giáo Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam cùng phụ huynh và các em học sinh đội tuyển đạt giải. Ảnh: T.D.

Về thực hành, em Đức nói: “Cũng hơi tiếc bởi khi học chúng em được thực hành ngắm sao bằng kính thiên văn hơi ít do thời tiết không “ủng hộ”, trong nội thành Hà Nội rất khó ngắm sao bởi ô nhiễm ánh sáng, nếu ra ngoại thành thì thời tiết cuối năm hay mù sương, dẫn đến phần làm bài thi bằng kính chưa đạt điểm tuyệt đối, hơn nữa phần thực hành bằng kính cũng là một kĩ năng khi học môn Thiên văn, tăng cường kĩ năng ngắm sao và các vật thể trên bầu trời”.

Em Trần Quang Vinh, cựu học sinh chuyên Lý, Trường Ams khóa 18-21 đã tham gia bồi dưỡng đội tuyển thi lần này cho biết: “Em hướng dẫn đội tuyển cách xử lí số liệu, cũng như cách ôn tập phần lí thuyết, phần khảo sát mặt trời. Ngoài ra em cũng tập trung vào phần xử lí có dữ liệu, cũng như rút số liệu từ những đồ thị. Ngoài ra, bồi dưỡng đội tuyển lần này còn có thầy Phạm Vũ Lộc - Chuyên gia của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thầy Lộc đã hướng dẫn rất nhiều cho đội tuyển về kĩ năng quan sát, ngắm sao”.

Thầy Bùi Văn Phúc - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, đã chia sẻ: “Cuộc thi năm nay, mặc dù theo hình thức trực tuyến nhưng tôi thấy các con đã rất cố gắng.

Bản thân thầy Lê Mạnh Cường - Giáo viên dạy Vật lý của Trường, người lãnh đội tuyển đi thi lần này cũng đã rất vất vả trong việc ôn tập kiến thức cho các con trong thời gian xã hội phải giãn cách, tất cả đều rất nỗ lực, tập trung hết cho kì thi và kết quả lần này rất bất ngờ, cả 5 học sinh đại diện cho Việt Nam tham dự đều đạt huy chương, điều mà những năm trước chưa từng có.

Ban giám hiệu nhà trường luôn theo dõi sát sao mọi kế hoạch tổ chức kì thi từ nước chủ nhà, tổ chức cùng giáo viên tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển, cũng như đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thành lập đội tuyển sớm nhất để có thời gian tập huấn cho các con”.

Tùng Dương