Học sinh tiểu học ở Đà Nẵng sẽ kiểm tra học kỳ I ra sao?

27/12/2021 06:47
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường linh động chọn hình thức kiểm tra học kỳ 1 trực tuyến hoặc trực tiếp cho phù hợp với tình hình thực tế chống dịch.

Ngày 26/12, sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng vừa có văn bản hướng dẫn kiểm tra học kỳ 1 đối với các trường tiểu học trên địa bàn.

Kiểm tra trực tuyến và trực tiếp

Theo đó, các trường tổ chức kiểm tra bằng các giải pháp, hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tế đảm bảo an toàn trong phòng dịch. Trong đó có hai hình thức là kiểm tra trực tiếp và trực tuyến.

Học sinh tiểu học ở Đà Nẵng học trực tuyến trong suốt học kỳ 1 vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: AN

Học sinh tiểu học ở Đà Nẵng học trực tuyến trong suốt học kỳ 1 vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: AN

Đối với kiểm tra trực tiếp thì các trường in, tập hợp đề kiểm tra các môn, mỗi học sinh một tập đề theo từng lớp. Phụ huynh nhận đề để học sinh làm bài và giao bài làm của học sinh tại trường.

Giáo viên chủ nhiệm các lớp liên hệ, thống nhất với phụ huynh về cách thức nhận đề. Có thể nhận đề tại trường hoặc chọn hình thức phù hợp chuyển file để phụ huynh in đề cho học sinh làm bài.

Hiệu trưởng các trường chỉ đạo, quy định cụ thể lịch giao đề và nhận lại bài làm của học sinh, đảm bảo quy định về phòng chống dịch Covid-19. Riêng đối với Trường Tiểu học Hòa Bắc, học sinh làm bài kiểm tra trực tiếp tại lớp học.

Đối với hình thức kiểm tra trực tuyến thì các trường lựa chọn hình thức kiểm tra trực tuyến phù hợp với nội dung kiểm tra (kiểm tra nội dung đọc thành tiếng của môn Tiếng Việt.

Các kĩ năng nghe, nói của môn Tiếng Anh; phần thực hành môn Tin học, Thể dục...) và đối tượng học sinh (đối với những học sinh đang ở khu cách ly, phong tỏa...).

Trong văn bản gửi các trường, Sở cũng yêu cầu Hiệu trưởng các trường tiểu học có trách nhiệm xây dựng, báo cáo phương án tổ chức ôn tập, kiểm tra. Đồng thời, tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện.

Theo đó, các trường có thể có thể chia nhỏ số học sinh/lớp trong ôn tập, kiểm tra để đảm bảo chất lượng. Tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” cho học sinh trước khi tổ chức kiểm tra.

Chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra các môn học theo quy định, lưu ý không kiểm tra nội dung đã được giảm tải.

Đánh giá đúng chất lượng học sinh

Trao đổi với báo chí, ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh, linh hoạt trong tổ chức thực hiện để ứng phó với dịch covid-19.

“Việc đánh giá học sinh là cả quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Trong đó đánh giá thường xuyên là quan trọng, bài kiểm tra định kỳ chỉ là một điều kiện, không quyết định hoàn toàn việc đánh giá cuối năm đối với học sinh.

Giáo viên nên hướng dẫn cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá học sinh, khuyến khích, hỗ trợ học sinh tự học, luyện tập, thực hành, vận dụng, trải nghiệm kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống hàng ngày để hình thành các phẩm chất, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục”.

Phó Giám đốc sở Giáo dục Đà Nẵng cũng lưu ý, khi kiểm tra tại nhà, học sinh phải tự giác, nghiêm túc tự làm bài, không có sự tham gia của cha mẹ, anh chị, người thân, bạn bè.

Nếu kết quả bài kiểm tra bất thường so với quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra khác bằng hình thức phù hợp để đánh giá đúng kết quả học tập.

Mặc dù các trường tiểu học ở Đà Nẵng bắt đầu chuẩn bị cho việc kiểm tra học kỳ 1 nhưng với việc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến thì cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

"Với việc học trực tuyến hầu như trong suốt một học kỳ vừa qua thì gia đình cũng lo lắng về chất lượng học tập của cháu. Ngoài việc tiếp thu kiến thức khó khăn do không được học trực tiếp thì các cháu được học chủ yếu là hai môn Văn, Toán với thời lượng cũng hạn chế, còn môn tiếng Anh thì chỉ có một buổi/tuần.

Cách phân bổ chương trình cũng như thời lượng các môn quá ít khiến các cháu không hiểu bài, không thể nắm vững hết kiến thức để làm bài thi cho tốt được", chị T.N A.H. (phụ huynh một học sinh lớp 3 ở quận Hải Châu) chia sẻ.

AN NGUYÊN