Học sinh tiểu học … coi chừng bị điểm 0!

27/09/2020 06:05
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với học trò điểm 0, càng cần sự quan tâm, yêu thương gấp nhiều lần của thầy cô giáo và gia đình.

Từ trước đến nay, học sinh tiểu học được đánh giá theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.

Theo đó có đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển phẩm chất của học sinh và đánh giá định kì kết quả học tập.

Theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT: “Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.

Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh”.

Ngày 04 tháng 9 năm 2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học. Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/10/2020.

Quy định đánh giá học sinh tiểu học của Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT được thực hiện theo lộ trình như sau:

1. Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

2. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.

3. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.

4. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.

5. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.

Có nghĩa là năm học 2020 – 2021 học sinh lớp 1 được đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 vẫn thực hiện đánh giá theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.

Đánh giá học sinh Tiểu học sẽ được thực hiện theo phương thức cuốn chiếu của lộ trình thay sách giáo khoa.

Điểm khác biệt lớn nhất của sự thay đổi cách đánh giá học sinh theo chương trình mới chính là Điểm d Điều 7 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT.

Điểm d Điều 7 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ghi rõ “Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.

Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.

Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

Như vậy cụm từ “không cho điểm 0 đã xóa khỏi phương thức đánh giá học sinh Tiểu học trong chương trình mới.

Giáo viên dạy lớp 1 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tham gia chuyên đề Đổi mới phương pháp dạy học lớp 1, ngày 25/9/2020 tại Vũng Tàu (Ảnh: Sơn Quang Huyến)

Giáo viên dạy lớp 1 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tham gia chuyên đề Đổi mới phương pháp dạy học lớp 1, ngày 25/9/2020 tại Vũng Tàu (Ảnh: Sơn Quang Huyến)

“Việc cho phép giáo viên sử dụng điểm không trong đánh giá học sinh tiểu học là một việc nên làm” là chia sẻ của cô Vũ Lan hiệu phó chuyên môn ở Bà Rịa Vũng Tàu.

Tuy nhiên cô Vũ Lan cũng nói thêm “Với học sinh lớp 1 một số em rất nhạy cảm về điểm số, do phải trả lời câu hỏi ‘Hôm nay con được mấy điểm” của bố mẹ mỗi lần đón con, hay khi nhìn thấy xung quang các bạn điểm cao mà mình điểm thấp.

Vì vậy giáo viên tuyệt đối không dùng điểm để so sánh học sinh này với học sinh khác. Cần tìm hiểu kỹ hơn với học sinh điểm không, do trí tuệ chậm phát triển hay vì lý do khách quan khác.

Thật ra học sinh bị điểm không cũng một phần trách nhiệm của chính giáo viên, cần phải coi lại đề ra đã đáp ứng các mức độ nhận thức chưa, cách dạy học của mình đã phù hợp chưa.

Giáo viên chủ nhiệm cần chú ý hơn với học sinh yếu kém, kịp thời có biện pháp giúp các em học tập. Làm công tác tư vấn với phụ huynh, cùng kết hợp dạy học trò bị điểm không.

Phụ huynh và giáo viên nên phối hợp để cùng giúp đỡ, giáo dục học sinh. Có cả nhà trường và gia đình, chắc chắn học sinh sẽ tiến bộ”.

Thật ra học sinh kiểm tra đánh giá bị điểm 0 thường đã bộc lộ trong học tập, giáo viên sâu sát sẽ phát hiện được ngay.

Với học trò lớp một càng cần được quan tâm nhiều hơn, nhưng sĩ số quá đông, một lớp trên 35 em, vượt quy định của điều lệ trường Tiểu học, sẽ là một thách thức cho cả nhà trường và gia đình.

Với học trò điểm 0, càng cần sự quan tâm, yêu thương gấp nhiều lần của thầy cô giáo và gia đình.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-27-2020-tt-bgddt-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-190364-d1.html

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-22-2016-TT-BGDDT-sua-doi-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-thong-tu-30-2014-TT-BGDDT-323463.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-30-2014-TT-BGDDT-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-247873.aspx

Sơn Quang Huyến