Học sinh ở Sài Gòn đề xuất có thêm nhiều tiết học dạy về kỹ năng sống

25/10/2019 06:44
Phương Linh
(GDVN) - Học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh lại than học nhiều, thiếu các tiết thực hành và đề xuất cần có thêm nhiều tiết học dạy kỹ năng sống.

Ngày 24/10, thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ban thường vụ Thành Đoàn, Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp gỡ các học sinh, sinh viên tiêu biểu, nhằm lắng nghe các đóng góp để hiến kế, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ nhằm cải tiến môi trường học tập, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Chương trình dạy nặng về lý thuyết, thiếu tiết dạy kỹ năng mềm

Nói về chương trình học tập hiện nay, em Mai Hải Yến (học sinh Trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi, quận 6) chia sẻ: Chương trình hiện nay nặng về lý thuyết, chưa tạo điều kiện cho học sinh ứng dụng kiến thức vào thực tế, thiếu các tiết học dạy về kỹ năng mềm và ứng xử giao tiếp.

Em Mai Hải Yến đề xuất cần có thêm nhiều tiết học dạy về kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, rèn luyện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ.

Em Ngọc Thương phát biểu tại buổi gặp gỡ (ảnh: P.L)
Em Ngọc Thương phát biểu tại buổi gặp gỡ (ảnh: P.L)

Đồng quan điểm này, em Nguyễn Lưu Ngọc Danh (Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, quận 5) cho rằng, hầu như các tiết học dạy về kỹ năng thực hành, học sinh chỉ nghe báo cáo viên nói về kiến thức mà ít có cơ hội đi ra ngoài, nên cũng cần nghiên cứu, tăng cường các hình thức học tập trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh.

Em Phan Ngọc Thảo Vy (học sinh Trường trung học phổ thông Thủ Đức, quận Thủ Đức) nêu quan điểm: Chương trình học tiếng Anh hiện nay chỉ chú trọng đến kỹ năng đọc, viết mà chưa quan tâm đến kỹ năng nghe, nói, nhiều nội dung thì lặp đi lặp lại rất lãng phí.

Học sinh Nguyễn Ngọc Anh Phú (Trường trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình) thì đề nghị: Ngành giáo dục nên phát triển nhiều hơn nữa các hình thức đánh giá học sinh đa dạng, bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo ra động lực học tập cho học sinh.

Em Ngọc Thương (học sinh Trường trung học phổ thông Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức) đề xuất: Lùi giờ học bắt đầu từ 8h thay vì 7h sáng như hiện nay, nhằm làm giảm tình trạng kẹt xe cho thành phố, học sinh thì sẽ có tinh thần thoải mái học tốt hơn.

Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh nêu 3 “đặt hàng”

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Hoài Nam cho biết: Hiện nay, các trường học đã tăng cường thêm nhiều tiết học trải nghiệm, chương trình kỹ năng sống, thực hành.

Dù vậy, ông Lê Hoài Nam vẫn thừa nhận: Hiện chương trình văn hóa hiện nay khá nặng, chiếm hầu hết thời gian lên lớp, nên các tiết học ngoài nhà trường bị hạn chế. Việc lùi giờ học hiện nay cũng khó thực hiện, vì còn liên quan đến giờ làm việc của phụ huynh, đảm bảo giờ kết thúc buổi học không quá muộn, sẽ ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ (ảnh: Hồng Đăng)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ (ảnh: Hồng Đăng)

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Thành Phong nói, ông rất trân trọng những ý kiến đóng góp của các học sinh, sinh viên tham dự buổi gặp gỡ này.

Để thành phố luôn dẫn đầu cả nước về kinh tế, năng suất lao động, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, cần tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, trong đó có vai trò của thế hệ trẻ, nhất là với học sinh và sinh viên.

Từ đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu ra 3 “đặt hàng” cho các bạn trẻ tham dự buổi gặp gỡ này.

Đó là: Cần chủ động hơn trong học tập, rèn luyện các kỹ năng, nhất là ngoại ngữ, bên cạnh đó là tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội.

Thứ hai: Cố gắng biến những suy nghĩ, ý tưởng mới thành hiện thực. Hiện thực hóa các ý tưởng, dự án thông qua sự hỗ trợ của các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Thứ ba: Do dân số phát triển quá nhanh, thành phố hiện phải đối mặt những vấn đề về hạ tầng đô thị. Học sinh, sinh viên được khuyến khích thỏa sức suy nghĩ, nêu ý tưởng, góp phần giải quyết những bài toán cụ thể như ách tắc giao thông, ngập nước, quá tải đô thị…

Cuối cùng, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị: Các trường đại học cũng cần có trung tâm đổi mới sáng tạo, giúp hỗ trợ những dự án của sinh viên.

Theo người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp, nhà trường và nhà nước cũng cần được gắn kết, nhằm hướng đến sự sẵn sàng cho đổi mới, sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phương Linh