Học sinh nghèo tại Hà Giang đang được hỗ trợ như thế nào?

31/05/2020 06:11
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Dư luận ngành giáo dục tỉnh Hà Giang cảm thấy rất xót xa khi từng đồng hỗ trợ học sinh nghèo bị cấu véo, lập lờ...”.

Tiền Nhà nước hỗ trợ chưa đến tay học sinh, ai cho phép Phòng giáo dục sử dụng thay?

Lãnh đạo phòng giáo dục huyện Mèo Vạc giải thích việc các trường đứng ra thay học sinh nghèo mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập như sau:

“Các cháu học sinh nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100.000 đồng/ tháng tương đương 900.000 đồng/ năm học/ 9 tháng.

Sau khi có kinh phí Phòng giáo dục chuyển cho các trường phát cho học sinh.

Kinh phí đấy dùng để hỗ trợ cho các em mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập.

Do đặc thù của vùng cao không như dưới xuôi, còn nhiều khó khăn, nhận thức của phụ huynh còn kém cho nên phụ huynh nhờ nhà trường mua sách vở và đồ dùng học tập cho con em”.

Trong lời giải thích của Trưởng phòng giáo dục huyện Mèo Vạc cũng đã nói rõ: Đây là việc phụ huynh nhờ nhà trường mua hộ.

Hàng năm, Phòng giáo dục các huyện tại Hà Giang căn cứ theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện ban hành công văn hướng dẫn sử dụng kinh phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Kèm theo đó Phòng giáo dục gửi kèm danh mục sách giáo khoa, đồ dùng học tập, các văn bản như bản cam kết nhà trường – phụ huynh.

Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH quy định:

Phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả, quyết toán.

Như vậy về bản chất số tiền học sinh nghèo được hưởng theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP phải được trả về tận tay học sinh đúng theo mức được hỗ trợ.

Phụ huynh toàn quyền sử dụng số tiền trên hoặc sẽ quyết định sử dụng số tiền đó với mục đích gì là tùy phụ huynh.

Thế nhưng cách làm ở một số huyện tại Hà Giang lại không theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Tiền Nhà nước chưa hỗ trợ cho chưa đến tay học sinh đã bị trừ thẳng tại bưu điện cho nhà cung ứng.

Số tiền bị trừ dùng để mua sách vở, đồ dùng học tập theo danh mục Phòng giáo dục chỉ định sẵn.

Tại huyện Mèo Vạc học sinh còn không nhận được một đồng nào do Phòng giáo dục yêu cầu sử dụng 100% kinh phí hỗ trợ để mua sách vở, đồ dùng.

Phòng giáo dục Mèo Vạc yêu cầu sử dụng 100% chi phí hỗ trợ học sinh nghèo để mua sách vở, đồ dùng (Ảnh:V.N)

Phòng giáo dục Mèo Vạc yêu cầu sử dụng 100% chi phí hỗ trợ học sinh nghèo để mua sách vở, đồ dùng (Ảnh:V.N)

Câu chuyện này nếu xảy ra tại các địa phương khác sẽ bị xử lý như thế nào?

Năm 2019, Giáo dục Việt Nam cũng từng phản ánh tình trạng bớt xén tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP tại tỉnh trường cấp 2 Liên Hòa (Hải Dương).

Theo đó trường cấp 2 Liên Hòa đã chi trả thiếu hơn 15 triệu đồng trong tổng số tiền học sinh nghèo được hỗ trợ (900.000 đồng/năm học) với lý do trừ vào học phí.

Sau khi sự việc này được phản ánh Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập đoàn thanh tra việc chi trả tiền hỗ trợ học sinh nghèo tại Trường Trung học cơ sở Liên Hòa.

Nếu so sánh những gì đang xảy ra tại Hà Giang nghiêm trọng hơn rất nhiều bởi số tiền Nhà nước hỗ trợ cho học sinh nghèo rất lớn và xảy ra tại nhiều huyện.

Tuy nhiên không hiểu lý do vì sao nhiều năm qua sự việc này vẫn tái diễn mà chưa có cá nhân,đơn vị nào phải chịu trách nhiệm.

Một hiệu trưởng tại Xín Mần bức xúc: “Cái trò ủy quyền cho nhà trường mua sách vở chỉ bắt nạt được một số huyện nghèo dân trí thấp.

Cùng trong tỉnh Hà Giang nhưng tại thành phố, huyện Vị Xuyên hay Bắc Quang không có việc này.

Phụ huynh nghèo không hiểu biết về luật nên Phòng giáo dục bảo sao thì làm vậy.

Có phụ huynh còn không biết chữ, nhà trường phải ký giấy ủy quyền thay”.

Phòng giáo dục ấn định danh mục sách vở, đồ dùng vô tội vạ

Số tiền học sinh nghèo đáng lẽ phải được cầm trong tay đầu năm học đã được Phòng giáo dục ấn định phải sử dụng bao nhiêu để mua sách vở, đồ dùng học tập.

Điều này được thể hiện qua danh mục sách vở, đồ dùng học tập do Phòng giáo dục gửi về các trường học.

Danh mục này có sự tham khảo của đơn vị cung ứng sách vở, đồ dùng.

Điểm bất thường ở đây, Phòng giáo dục các huyện dựa trên cơ sở nào để chỉ định danh mục sách vở, đồ dùng học tập học sinh nghèo bắt buộc phải mua.

Trong khi đó việc phụ huynh mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho con em trừ sách giáo khoa phải căn cứ theo nhu cầu thực tế và tự nguyện.

Chẳng hạn, khi đối chiếu danh mục sách vở, đồ dùng lớp 1 do các Phòng giáo dục chỉ định với thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT:Ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1.

Phóng viên nhận thấy có nhiều chủng loại đồ dùng, sách vở do Phòng giáo dục chỉ định không có trong danh mục tối thiểu của Bộ giáo dục tức là dư ra nhiều loại đồ dùng không cần đến.

Có huyện yêu cầu gọt bút chì, bút chì 2B, tẩy học sinh, bút chữ A xanh, bút máy, mực, giấy thủ công, hộp đựng bút, que tính, thước kẻ, kéo thủ công Trung Quốc…

Khi đối chiếu với giá cả trên thị trường, một số loại vở, đồ dùng có giá cao hơn thị trường chẳng hạn bảng 4 ô ly Đức Thanh do nhà cung ứng báo giá 25.000 đồng trong khi giá thị trường là 20.000 đồng.

Sự “vô tội vạ” trong việc chỉ định danh mục, đồ dùng học tập của Phòng giáo dục một số huyện tại Hà Giang đặt ra câu hỏi về việc sử dụng hiệu quả đồng tiền Nhà nước hỗ trợ cho học sinh.

Xin nhắc lại, trong Nghị định 86 không yêu cầu nhà trường, Phòng giáo dục làm việc này mà đây là cách làm riêng tại Hà Giang dưới tư cách là phụ huynh nhờ nhà trường.

Do vậy Phòng giáo dục huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Bắc Mê…phải có câu giải thích cho căn cứ nào để liệt kê danh mục sách vở, đồ dùng vô tội vạ.

Phòng giáo dục huyện chỉ định sẵn danh mục sách vở, đồ dùng học tập (Ảnh:V.N)

Phòng giáo dục huyện chỉ định sẵn danh mục sách vở, đồ dùng học tập (Ảnh:V.N)

Vị hiệu trưởng tại Yên Minh tâm sự: “Danh mục do Phòng giáo dục áp đặt xuống các trường.

Chúng tôi thấy rất lãng phí, ví dụ như học sinh có nhất thiết năm nào cũng phải mua bảng mới, vở mới, cặp sách mới.

Trong khi các hộ cận nghèo khá giả hơn còn phải tiết kiệm từng cái bút, cục tẩy.

Việc Phòng giáo dục tự ý xen vào chuyện mua bán sách vở, đồ dùng của học sinh là rất bất thường”.

Nhà cung ứng sách vở, đồ dùng được Phòng giáo dục chỉ định

Trong bài viết: Hiệu trưởng tại Hà Giang ngã ngửa khi nhận sách mới biết... tên nhà cung cấp, Giáo dục Việt Nam phản ánh: Có năm đến ngày nhận sách giáo khoa và đồ dùng học tập giáo viên phải rồng rắn lên thị trấn cõng về.

Đến lúc đấy hiệu trưởng mới biết nhà cung ứng..

Nhà cung ứng mà vị hiệu trưởng phản ánh là cửa hàng Hồng An, sau này có thêm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Vinh.

Tuy nhiên, điều kiện để công ty An Vinh trở thành đại lý cấp 1 cung cấp sách giáo khoa cho toàn tỉnh Hà Giang chỉ dựa vào văn bản số 681/SGDĐT-VP của Sở giáo dục Hà Giang.

Trong khi đó, doanh nghiệp muốn đủ điều kiện để trở thành cơ sở phát hành phải có các tiêu chí sau:

a, Người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp;

b) Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;

c) Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.

Việc công ty An Vinh có đủ các điều kiện nêu trên để trở thành công ty phát hành sách giáo khoa tại tỉnh Hà Giang hay không, rất cần thanh tra vào cuộc làm rõ.

Cửa hàng Hồng An và công ty An Vinh được nhiều huyện chỉ định chọn làm nhà cung ứng (Ảnh:V.N)

Cửa hàng Hồng An và công ty An Vinh được nhiều huyện chỉ định chọn làm nhà cung ứng (Ảnh:V.N)

Ngoài ra, tại một số huyện có tình trạng chỉ định độc quyền nhà cung cấp qua email nội bộ, khẩu quyết như Mèo Vạc, Yên Minh kể cả với mức chi trả vượt quá 100 triệu đồng.

Điều này trái thông tư 58/2016/TT-BC của Bộ Tài Chính: Việc chỉ định thầu được áp dụng cho những gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng.

Đối với những gói thầu dưới 200 triệu đồng và trên 100 triệu đồng thực hiện theo quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Với những bất thường nêu trên trong việc chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, dư luận Hà Giang mong mỏi thanh tra vào cuộc làm rõ và minh bạch khoản tiền trên.

Một giáo viên về hưu bức xúc: “Nếu tính đơn giản Hà Giang có khoảng 200.000 học sinh, trung bình 70% học sinh nghèo.

Mỗi học sinh nhận 900.000 đồng tiền hỗ trợ/ năm học.

Khi nhân số tiền này lên sẽ thấy con số khủng khiếp như thế nào.

Mà tiền này là tiền Nhà nước đi vay hỗ trợ các cháu ấy chứ.

Cho nên thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ những khuất tất trong vấn đề này để học sinh nghèo bớt khốn khổ”.

Vũ Ninh