Học sinh miền núi “gồng mình” chống chọi với giá rét kỷ lục

06/01/2012 07:12
Thu Hòe
(GDVN) - Học sinh nghèo miền núi đang phải “gồng mình” đối mặt, chống chọi với 1 mùa đông lạnh giá kỷ lục của năm.

LTS: Trong hai ngày 4 - 5/1, nhiệt độ miền Bắc xuống thấp dưới 10 độ C. Hàng loạt học sinh miền Bắc phải nghỉ học ở nhà tránh rét. Thời tiết tiếp tục có những diễn biến thất thường kèm mưa, gió, khiến nền nhiệt độ hạ thấp và cái lạnh càng giá buốt hơn. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, miền Bắc đang bước vào đợt rét cao điểm, kỷ lục nhất trong năm và sẽ tiếp tục có rét đậm, rét hại trong nhiều ngày tới.

Mùa này trên miền cao lại càng rét buốt hơn khi bốn bề là rừng núi heo hút. Học sinh nghèo miền núi vẫn hằng ngày, hằng giờ co ro ngồi học trong những ngôi trường hút gió. Nhìn học sinh Hà Nội lũ lượt phải nghỉ học, chúng ta không khỏi băn khoăn khi nghĩ đến các em học sinh nghèo vùng cao.

Không biết học sinh miền núi đang chống chọi với cái lạnh giá kỷ lục nhất mùa đông năm nay như thế nào? Các em có áo ấm để mặc, có chăn để đắp, có dép để đi không…?

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh những câu chuyên học sinh miền núi ở hai tỉnh Sơn La và Hà Giang “trốn” cái lạnh khủng khiếp, cắt da thịt hiện nay.

Hà Giang: Học sinh bán trú tập thể dục, nhẩy dây, hít đất… lúc nửa đêm làm ấm cơ thể

Phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng trường TH Pả Vi (Mèo Vạc – Hà Giang). Giọng cô Hương chùng xuống khi nhắc đến cái lạnh tím da thịt mà thầy và trò nơi vùng núi đá này đang phải chịu đựng: “Nếu ở Hà Nội lạnh 10 độ C thì ở Mèo Vạc lạnh đến 5 độ C. Cái lạnh nơi vùng núi đá cao lại càng khủng khiếp hơn khi đa phần các em học sinh không có đủ áo ấm để mặc và chăn đắp trong mùa đông…”

Lạnh giá, cóng buốt khiến những bàn tay bé nhỏ học sinh Pả Vi - Mèo Vạc - Hà Giang nứt nẻ, phù nề, (Ảnh Nam Phong)
Lạnh giá, cóng buốt khiến những bàn tay bé nhỏ học sinh Pả Vi - Mèo Vạc - Hà Giang nứt nẻ, phù nề, (Ảnh Nam Phong)

Cô Hương cho biết: “Thời điểm này trên Mèo Vạc rất rét. 3 ngày hôm nay, nhiệt độ thấp dưới 10 độ C, có hôm mưa, nhiệt độ xuống thấp 4 - 5 độ C về ban đêm, 7 độ C về ban ngày. Nhà trường phải cho học sinh nghỉ học chờ thời tiết ấm lên chút ít để đi học lại bình thường. Tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp tối ưu vì trên miền núi nhiệt độ luôn thấp hơn ở miền xuôi rất nhiều. Nếu cứ dưới 10 độ C, học sinh phải nghỉ học thì học sinh Mèo Vạc nghỉ học cả mùa đông mất…”

Học sinh nghèo miền núi phong phanh trong cái lạnh cắt da thịt nơi núi đá Hà Giang. (Ảnh Nam Phong)
Học sinh nghèo miền núi phong phanh trong cái lạnh cắt da thịt nơi núi đá Hà Giang. (Ảnh Nam Phong)

Sinh ra và lớn lên ở một môi trường sống khắc nghiệt, điều kiện sống thiếu thốn. Do đó, những đứa trẻ miền núi có được “sự thích nghi” cao hơn mức bình thường. Chúng cũng có những “sáng tạo” rất riêng trong việc giữ ấm cho cơ thể trong mùa đông mà không phải đứa trẻ nào cũng nghĩ ra.

Bọn trẻ vùng cao mặc tất cả những quần áo đang có lên người trong mùa đông, dùng bạt, bao tải, quần áo cũ rách, lá cây… rải dưới chiếu làm đệm. Lạnh quá thì làm nóng cơ thể bằng cách vận động mạnh như: chạy, nhẩy dây, chống đẩy hít đất… Lạnh không chịu được nữa thì lên rừng lấy củi về đốt lửa sưởi ấm.

Ai không xót xa khi nhìn bàn tay của em nhỏ Pả Vi này?! (Ảnh Nam Phong)
Ai không xót xa khi nhìn bàn tay của em nhỏ Pả Vi này?! (Ảnh Nam Phong)

“Những hôm trời rét quá, học sinh không có đủ quần áo ấm cứ co ro vì lạnh. Khi không chịu được thì chúng rủ nhau chạy ra sân trường nô đùa, chạy nhẩy cho nóng người lên rồi lại vào học tiếp. Thương lắm! Trời lạnh nên có bao nhiêu quần áo các em đều mặc hết trên người. Những cái áo rách không lành lặn, áo mỏng thì các em mặc ở bên trong. Áo lành mặc bên ngoài. Không có áo thật ấm nên các em phải mặc thật nhiều lớp áo khác nhau để không bị rét.

Các em học sinh bán trú ngủ lại trường thì lại khổ hơn khi không có đủ chăn để đắp. Học sinh lại phải ra sân lấy dây nhảy, chạy vận động lúc nửa đêm để làm ấm cơ thể. Mấy hôm nhiệt độ xuống thấp, các thầy cô lại phải cùng học sinh đi lấy củi về đốt lửa sưởi ấm cho từng phòng…”, cô giáo Hương nghẹn ngào kể.

Để đảm bảo cho học sinh vẫn đến được lớp, hầu hết các trường ở Hà Giang đều cho lùi giờ học buổi sáng (8h) muộn hơn mức bình thường và học thông tầm. Buổi chiều thì chỉ học đến 16 giờ.

“Hiện tại, trường TH Pả Vi đã chuẩn bị cho mỗi lớp học 1 chậu than hoa để sưởi ấm. Để đảm bảo vừa sưởi ấm, vừa không độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh và giáo viên, chúng tôi đã dùng nước vôi trong để khử độc than. Hy vọng những cố gắng này sẽ tiếp thêm sức mạnh để thày, trò chúng tôi đi qua được mùa đông lạnh giá nơi núi đá này…”. Cô Hương tâm sự.

Sơn La: 7 – 8 học sinh ôm nhau ngủ trên 1 giường

Hôm nay 6/1, toàn bộ học sinh trường TH Kim Bon (Phù Yên – Sơn La) nghỉ học vì rét. Thầy giáo Hồ Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng trường TH Kim Bon cho biết: “3 ngày vừa qua chỉ có ½ học sinh đến lớp học vì trời vừa mưa, vừa rét, các em nhà lại ở xa. Hôm nay, nhà trường cho các em nghỉ học. Hy vọng đến thứ 2 đầu tuần, thời tiết sẽ ấm lên đôi chút cho học sinh đỡ khổ…”

Mùa đông lạnh buốt ở Kim Bon - Phù Yên - Sơn La vẫn có những đứa trẻ thiếu quần để mặc (Ảnh Mạnh Mường)
Mùa đông lạnh buốt ở Kim Bon - Phù Yên - Sơn La vẫn có những đứa trẻ thiếu quần để mặc (Ảnh Mạnh Mường)

Kim Bon là vùng núi cao bốn bề heo hút lộng gió ngàn. Thời tiết mùa đông ở đây rất khắc nghiệt. Trong đợt rét kỷ lục này, có những hôm nhiệt độ ở Kim Bon xuống thấp đến 5 độ C vô cùng lạnh giá.

“Ngày 4/1, gió rét và mưa phùn không ngớt cả ngày, học sinh của tôi thì chỉ mong mang trong những tấm áo mỏng ngồi co ro, lạnh cóng. Giữa trời mưa rét, chúng phải mang bóng ra sân đá để làm ấm cơ thể. Nhóm học sinh nữ thì nhẩy dây, nô đùa hết mức để làm sao “toát mồ hôi”… Rất nhiều học sinh nhà ở xa đã phải nghỉ học vì rét”, thầy Nghĩa kể.

Niềm vui nhận quà từ thiện của học sinh nghèo Kim Bon (Ảnh Mạnh Mường)
Niềm vui nhận quà từ thiện của học sinh nghèo Kim Bon (Ảnh Mạnh Mường)

Dù đã được các đoàn từ thiện đến thăm và tặng quần áo, chăn ấm nhưng các em trường TH Kim Bon vẫn không đủ ấm trong mùa đông này. Thầy Nghĩa cho hay: “Không có đủ chăn đắp, phòng ngủ lại toang hoang không kín gió nên rét lắm. Các em học sinh phải kê giường vào với nhau, 7-8 em cùng ôm nhau ngủ trên 1 giường cho đỡ lạnh. Học sinh nữ thì dồn phòng vào ngủ chung với nhau. Sau mỗi buổi học, học sinh bán trú lại lên rừng lấy củi khô về chất đống ở lớp, ở phòng để đốt lửa sưởi ấm…”

Theo thầy giáo Hồ Trọng Nghĩa, những học sinh nhà cách trường 6 -10 Km sẽ được ở bán trú tại trường. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm học sinh vẫn phải thức dậy từ lúc tinh mơ, vượt cái rét căm căm của đại ngàn, đi bộ 3 - 4 Km để đén trường học.

Học sinh nghèo Kim Bon đang phải đối mặt với 1 mùa đông khắc nghiệt và giá buốt cùng cực. (Ảnh Mạnh Mường)
Học sinh nghèo Kim Bon đang phải đối mặt với 1 mùa đông khắc nghiệt và giá buốt cùng cực. (Ảnh Mạnh Mường)

Điểm trường chính trường TH Kim Bon có 72 học sinh bán trú. Mỗi dịp được nghỉ học hay cuối tuần, học sinh thường nô nức kéo nhau về nhà. Tuy nhiên, cuối tuần này, 2/3 số học sinh bán trú ở lại trường vì rét. Và hơn thế về nhà các em cũng không thấy được ấm áp hơn vì nhà các em cũng không có đủ chăn để đắp.

“1 tuần nay, buổi học nào các thầy cô giáo cũng cho học sinh đốt lửa ở trong phòng học để sưởi ấm. Rất tiếc là không có cơ hội ghi lại những hình ảnh này gửi các anh, các chị báo chí. Học sinh Kim Bon đang phải trải qua 1 mùa đông khắc nghiệt và lạnh cóng…”, thầy Nghĩa chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký Pả Vi

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Hồ sơ HS Lớp học Hy vọng

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Chân dung GV tình nguyện Lớp học Hy vọng

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Bữa cơm có thịt

Thu Hòe