Học sinh hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Làm gì để không bị bỏ lại trong thời 4.0?

23/04/2021 09:30
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta đang được thừa hưởng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 cùng với nhiều thách thức. Các em hãy chuẩn bị thật kỹ hành trang để tự tin bước chân vào.

Ngày 16/01/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường Trung học phổ thông Nhã Nam (Tân Yên, Bắc Giang) tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tham dự buổi hội thảo có các thầy cô giáo và gần 1.000 học sinh của Trường Trung học phổ thông Nhã Nam say sưa lắng nghe, giao lưu chia sẻ cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Là một người am hiểu sâu rộng về lĩnh vực khoa học, công nghệ, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã đưa các em đi từ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đến những công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách đầy thú vị, bất ngờ.

Trong buổi hội thảo này, nhiều học sinh của trường Trung học phổ thông Nhã Nam cũng thể hiện sự quan tâm đến những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà vị diễn giả nói tới.

Gần 1000 học sinh Trường Trung học phổ thông Nhã Nam (Bắc Giang) hào hứng tham dự buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng

Gần 1000 học sinh Trường Trung học phổ thông Nhã Nam (Bắc Giang) hào hứng tham dự buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng

Em Nguyễn Thị Thanh Thu học sinh lớp 10 A6 đặt ra câu hỏi cho giáo sư Nguyễn Lân Dũng rằng: “Thưa thầy, với vị thế và sự phát triển của đất nước ta hiện nay thì làm thế nào để chúng em không bị tụt lại phía sau trong guồng quay mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?”

Trước câu hỏi khá thú vị này của 1 học trò lớp 10, vị diễn giả tỏ ra khá bất ngờ vì với độ tuổi mới bước vào cấp 3 của các em mà đã sớm có ý thức về tương lai, chứng tỏ các em cũng đã sớm nhận thức được rằng, trong cuộc cách mạng lần này các em không phải là những người đứng ngoài cuộc.

Về câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã đưa ra những dẫn chứng thiết thực cùng với cách trả lời đầy hóm hỉnh: “Khi các em tiếp cận với công nghệ và biết tìm hiểu các thông tin từ các thiết bị di dộng thì lúc đó cũng chính là các em đang hoà mình vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi đó các em cũng dễ nhận thấy cuộc cách mạng này đang diễn ra mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của con người trên khắp thế giới như thế nào.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên các học sinh hãy chuẩn bị hành trang để tự tin bước vào cuộc cách mạng lần thứ 4. Ảnh: Trung Dũng

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên các học sinh hãy chuẩn bị hành trang để tự tin bước vào cuộc cách mạng lần thứ 4. Ảnh: Trung Dũng

Tôi năm nay đã 84 tuổi, cuộc đời cống hiến cho công việc, tôi được thưởng lớn nhất đó là mình đã đi được hơn 30 nước trên thế giới để mở mang kiến thức. Những nơi tôi đến đều có những điều mới mẻ từ các đất nước có nền khoa học tiên tiến để thấy rằng, thế giới cũng đang chuyển động không ngừng. Đó là những phát minh ra công nghệ in 3D, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối..v.v.

Chúng ta đang được thừa hưởng những thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng 4.0 nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức, phải đối mặt với nhiều xáo trộn, nỗi lo trong cuộc sống. Chính vì vậy, các em hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng những hành trang để tự tin bước chân vào thời đại 4.0.

Thứ nhất, hãy học tập những người thầy xung quanh ta, đó là các thầy cô giáo, là bố mẹ, là bạn bè,... Đặc biệt, thời đại công nghệ các em không thể bỏ qua một người thầy đặc biệt đó là “Ông thầy biết tuốt Google”. Người thầy ấy sẽ giúp các em giải đáp mọi thông tin, giúp các em trả lời vô vàn câu hỏi mà các em đang tìm đáp án.

Cách dẫn chuyện hóm hỉnh của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khiến các học sinh trường Nhã Nam đầy phấn khích. Ảnh: Trung Dũng

Cách dẫn chuyện hóm hỉnh của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khiến các học sinh trường Nhã Nam đầy phấn khích. Ảnh: Trung Dũng

Thứ hai, các em phải làm ngay những việc cần làm. Nếu chỉ biết ỷ lại, nếu lười biếng, các em sẽ bị bỏ lại phía sau giữa guồng quay phát triển của thế giới”.

Trong buổi hội thảo, chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến em Nguyễn Minh Tuấn học sinh lớp 11A3. Vì háo hức muốn đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng mà giơ tay mấy lần nhưng cậu vẫn bị gọi tên “hụt”.

Học sinh hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Làm sao để không bị bỏ lại trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Trung Dũng

Học sinh hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Làm sao để không bị bỏ lại trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Trung Dũng

Vì thế khi có cơ hội trao đổi với vị diễn giả nổi tiếng em Tuấn đã đặt ngay câu hỏi: “Thưa Giáo sư, hiện tại em đang rất phân vân trong việc chọn ngành học. Bố mẹ muốn em theo học một ngành, còn em lại yêu thích ngành khác. Vậy, bây giờ em phải làm sao ạ?”

Câu hỏi vừa dứt, cả sân trường “ồ” lên, có lẽ đây không chỉ là câu hỏi của riêng Tuấn nữa mà nó là thắc mắc của rất nhiều bạn ở trường. Về câu hỏi này, vị diễn giả đã có những chia sẻ rất thật: “Có lẽ các em ở đây không biết, hiện tại tôi biết 4 ngoại ngữ bao gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc.

Không những thế, tôi còn tham gia viết sách giáo khoa, đặc biệt là cuốn sách 600 trang dùng cho các trường đại học về môn vi sinh vật học. Không dừng lại ở đó, tôi cũng bắt đầu thực hiện nghiên cứu khoa học, xây dựng nguồn lực nghiên cứu từ nhỏ đến lớn, ban đầu là Phòng Nghiên cứu chuyên đề về Vi sinh vật học, tiếp theo là Trung tâm Vi sinh vật ứng dụng, tiếp đến là Trung tâm Công nghệ sinh học và cuối cùng là Viện Quốc gia Vi sinh vật học và Công nghệ sinh học.

Phần thưởng các em có khi trả lời được những câu hỏi của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là những cuốn sách có chữ ký của "thần tượng". Ảnh: Trung Dũng

Phần thưởng các em có khi trả lời được những câu hỏi của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là những cuốn sách có chữ ký của "thần tượng". Ảnh: Trung Dũng

Vì thế, với tôi học tập là một hành trình không có điểm dừng nên tôi mong các em học sinh sẽ học tập suốt đời và làm việc có ích cho xã hội. Còn câu hỏi nên học đại học hay theo nguyện vọng của bố mẹ là đi làm sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tôi cho rằng các em hãy học tập để làm con người tự do, tự quyết định con đường, cuộc đời mình.

Nếu em có đam mê theo đuổi con đường học tập, hãy bước đi với niềm tin, ý chí, không sợ hãi, không nhụt chí trước khó khăn. Nhưng các em phải phân tích được cho bố mẹ hiểu rằng, nếu chỉ vì ước muốn của bố mẹ mà bắt các em đi theo con đường nhiều khiên cưỡng thì cuối cùng cũng sẽ đổ vỡ. Làm một việc không có đam mê thì đâu có thành công được”.

Khi được biết nguyện vọng học sinh thi vào ngành du lịch, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng có lời khuyên em phải trang bị đầy đủ kiến thức, phải có phong thái tự tin, phải học ngoại ngữ và bồi đắp những cảm xúc trong tâm hồn.

Thầy Dương Văn Duy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nhã Nam tặng hoa và cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng

Thầy Dương Văn Duy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nhã Nam tặng hoa và cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng

Đồng thời Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng chỉ ra rằng, có mỗi kiến thức vẫn chưa đủ, các em phải có bản lĩnh, ý chí, kiên cường vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống. Đó chính là sức mạnh lớn lao để mỗi người chinh phục thành công ước mơ của chính mình.

Còn bạn Cao Thị Cẩm Vân học sinh lớp 12A7 thì lại mong Giáo sư có thể truyền lửa nghị lực nhiều hơn khi trong cuộc giao lưu Vân luôn bày tỏ rằng mình đang thiếu đi những động lực để phấn đấu. Cẩm Vân đặt câu hỏi:

“Thưa thầy, em thấy một thực trạng là các anh chị sinh viên học đại học ra trường tỉ lệ thất nghiệp còn rất nhiều. Sự việc này có lúc làm chúng em thấy nản chí, thầy có thể tạo động lực gì để em và các bạn ở đây có thêm năng lượng để tự tin bước trong thời gian sắp tới không ạ?”

Các thầy cô giáo Trường Trung học phổ thông Nhã Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng

Các thầy cô giáo Trường Trung học phổ thông Nhã Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng

Về câu hỏi này vị Giáo sư nổi tiếng không ngần ngại mà trả lời ngay, có lẽ trong thời gian làm diễn giả ông đã gặp quá nhiều câu hỏi tương tự.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Để tôi kể cho các em nghe một số tấm gương đầy nghị lực, khi họ không có đầy đủ các điều kiện về vật chất, thể chất giống như các em nhưng họ vẫn vươn lên thành những người nổi tiếng, cả xã hội phải trân trọng. Sau đó các em sẽ tự biết cách mình phải làm thế nào.

Đó là câu chuyện về Lê Thị Thắm, dù không có hai tay nhưng đã tập viết bằng chân, đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa. Thắm còn trở thành giáo viên Tiếng Anh dạy học miễn phí cho các em trong làng mình.

Tấm gương em Trần Hồng Giang, dù liệt cả tay cả chân nhưng lại trở thành nhà thơ nổi tiếng, có khả năng đánh máy cực nhanh chỉ bằng nửa chiếc đũa ngậm ở miệng, trở thành diễn giả truyền cảm hứng tới bao người.

Đặc biệt, anh Trịnh Xuân Mười dù nhà nghèo và mới học đến lớp 6 nhưng trở thành tỉ phú nhờ ý tưởng trồng cây Bơ thay cây muồng che bóng mát cho cây cà phê ở Tây Nguyên. Anh cũng là người mang giống bơ Úc về Việt Nam, giúp người nông dân thay đổi cuộc sống từ việc trồng bơ.

Các học sinh Trường Trung học phổ thông Nhã Nam chụp ảnh cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sau buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng

Các học sinh Trường Trung học phổ thông Nhã Nam chụp ảnh cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sau buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng

Vì thế, chỉ cần có ước mơ và ý chí, học lối sống khiêm nhường, không tự cao tự đại, giàu lòng yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mọi người, lạc quan, bao dung, biết kiềm chế cảm xúc nóng giận… Các em sẽ tránh được các tệ nạn xã hội và trở thành những con người thành công trên con đường đời đầy bão tố”.

Kết thúc buổi hội thảo, thầy Dương Văn Duy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nhã Nam đã bày tỏ sự xúc động khi lắng nghe những chia sẻ chân tình và ý nghĩa của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Mỗi câu chuyện, mỗi bài học chính là hành trang quan trọng và động lực giúp các em học sinh vững bước trên con đường tương lai.

Thầy Duy cũng thay mặt Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô và các em học sinh, gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã mang đến cho các em học sinh cơ hội được học hỏi, mở rộng kiến thức, giúp các em có thêm định hướng trong việc chọn ngành, chọn nghề.

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các trường trung học phổ thông, các trường đại học cao đẳng trong cả nước tổ chức tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trung Dũng