Học sinh giỏi không học sư phạm, có phải chỉ vì lương giáo viên quá thấp?

01/12/2017 06:53
Thùy Linh
(GDVN) - “Lương giáo viên thấp như hiện nay thì hỏi sao nhiều học sinh giỏi không vào sư phạm”, đây là ý kiến của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo mới nhất về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Theo đó, dự thảo về Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung 29 Điều và bổ sung 01 Điều mới và tập trung ở 4 nội dung: 

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo. 

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
 
Thứ ba, bổ sung một số quy định thể chế các chính sách của Đảng và phù hợp với các quy định hiện hành và giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường cho phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Thứ tư, sửa đổi các quy định, điều về kỹ thuật. 

Ngày 30/11, tại Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục” để lấy ý kiến chuyên gia, đội ngũ giáo viên về dự thảo này. 

Ngày 30/11, tại Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục” để lấy ý kiến chuyên gia, đội ngũ giáo viên về dự thảo này (Ảnh: Xuân Trung)
Ngày 30/11, tại Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục” để lấy ý kiến chuyên gia, đội ngũ giáo viên về dự thảo này (Ảnh: Xuân Trung)

Tại đây, hầu hết đại diện 11 Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên các trường mầm non, tiểu học, phổ thông, giáo dục thường xuyên khu vực miền núi phía Bắc có mặt đều tập trung góp ý ở 3 nhóm vấn đề. 

Đó là nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng; miễn học phí đến bậc học Trung học cơ sở và lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là hoàn toàn hợp lý. 

Bởi lẽ theo báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thấy, hiện nay số lượng giáo viên tiểu học trên chuẩn (tức có trình độ từ cao đẳng trở lên) đạt 86,7%. Do đó, nâng chuẩn giáo viên từ trung cấp lên cao đẳng sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. 

Lương giáo viên đã được quy định trong Nghị quyết 29 điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên – những người đang trực tiếp đứng lớp. 

Từ đó, bà Huyền nêu quan điểm: “Việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp không chỉ tạo động lực cho đội ngũ giáo viên mà còn thu hút được học sinh, sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. 

Và khi nâng cao được chất lượng đầu vào thì chất lượng tuyển dụng, đội ngũ sẽ được nâng lên. Chứ nếu lương thấp như hiện nay thì hỏi sao nhiều học sinh giỏi không vào sư phạm
”.

Đồng ý với quan điểm này, ông Sầm Văn Du - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng:

Khi tiền lương nhà giáo tăng sẽ tạo được động lực để giáo viên cố gắng hơn và thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm chứ mấy năm gần đây đầu vào ngành sư phạm thấp nhất trong các ngành nghề nên nếu chất lượng yếu là điều dễ hiểu”. 

“Tương quan chung về mặt bằng kinh tế hiện nay cho thấy, lương giáo viên đang rất thấp bởi lẽ lương khởi điểm của giáo viên tốt nghiệp cao đẳng ra trường chỉ ở mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng, tốt nghiệp đại học khoảng 4 triệu đồng/ tháng”.  

Quân đội, công an cũng là các ngành đặc thù, có hệ thống bảng lương riêng thì đối với ngành giáo dục cũng là ngành đặc thù nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên xem xét đề xuất về bậc lương cho giáo viên
”, bà Huyền thông tin. 

“Lương giáo viên thấp như hiện nay thì hỏi sao nhiều học sinh giỏi không vào sư phạm”, đây là ý kiến của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Xuân Trung)
“Lương giáo viên thấp như hiện nay thì hỏi sao nhiều học sinh giỏi không vào sư phạm”, đây là ý kiến của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Xuân Trung)

Còn về vấn đề miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cho rằng, toàn dân sẽ rất đồng tình vì  tinh thần này quán triệt thực hiện Hiến pháp 2013 về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng bậc học này.

Điều này vừa có ý nghĩa nhân văn lớn vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học và người có con đi học. 

Vì hiện nay mức thu học phí vẫn khi đang thực hiện theo Nghị định 86 của Chính phủ thì mức thu không lớn: miền núi chỉ từ 8.000- 60.000 đồng/ tháng, nông thôn: 30.000 – 120.000 đồng/ tháng và thành thị 60.000 – 300.000 đồng/ tháng. Mức thu này không cao. 

Riêng về bậc mầm non, ông Mạc Đức Hạnh - Thanh tra viên của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng góp ý, tại Điều 25, Luật Giáo dục năm 2005 có quy định trường lớp mẫu giáo nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi và trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại khoản 7 có nêu vấn đề này.

Tuy nhiên theo ý kiến của tỉnh Cao Bằng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định về việc các cơ sở giáo dục mầm non công lập phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi cụ thể như thế nào. 

Bởi qua quá trình thanh tra, ông Hạnh cho hay, đa số các trường mầm non tại tỉnh Cao Bằng thường chỉ nhận nhóm trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên chứ nhóm trẻ 3 tháng tuổi thì Cao Bằng chưa thực hiện được như trong Luật. 

Từ thực tế, ông Hạnh nhìn nhận, hiện nay sau thời gian nghỉ thai sản các bà mẹ phải đi làm có những gia đình không có người trông trẻ nên phải thuê người trông rất tốn kém.

Việc này ảnh hưởng đến công việc của các đơn vị sử dụng lao động có các bà mẹ mới sinh… đặc biệt các bà mẹ mới sinh là giáo viên hết thời gian nghỉ thai sản, hầu hết phải thuê người để trông con thì họ mới hoàn thành được công việc giảng dạy.

Do đó, ông Hạnh đề xuất, Luật Giáo dục sửa đổi nên có quy định bắt buộc đối với việc nhận trẻ 6 tháng tuổi. 

Tuy nhiên còn một điều mà Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn băn khoăn đó chính là trong dự thảo lần này có quy định về các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh nhưng không còn quy định cho trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Như vậy, khi không còn quy định trong dự thảo Luật giáo dục thì các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện có còn được tồn tại nữa không?...

Thùy Linh