Học sinh giỏi, học sinh nổi trội cũng... xin điểm

15/05/2019 06:43
Ngô Sương
(GDVN) - Vẫn còn không ít học sinh đạt danh hiệu nhờ có sự trợ giúp của một số thầy cô giáo chủ nhiệm nhưng chính các em và gia đình đôi khi không biết được.

Học sinh giỏi là danh hiệu dành cho học sinh ở bậc học trung học cơ sở.

Học sinh nổi trội là cách gọi mới của học sinh giỏi bậc tiểu học hiện nay.

Học sinh đạt những danh hiệu này được xem là rất vinh dự cho các em, cho gia đình.

Bệnh thành tích ăn sâu vào máu nhiều giáo viên (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Bệnh thành tích ăn sâu vào máu nhiều giáo viên (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Trong thực tế, khá nhiều học sinh hoàn toàn xứng đáng với những danh hiệu thế này.

Nhưng vẫn còn không ít học sinh đạt danh hiệu nhờ có sự trợ giúp của một số thầy cô giáo chủ nhiệm nhưng chính các em và gia đình đôi khi không biết được.

Khi giáo viên tình nguyện xin điểm

Nói đến xin điểm không ít người nghĩ ngay rằng, học yếu mới cần phải xin điểm.

Thế nhưng không ít học sinh giỏi hiện nay nhờ đi xin điểm mới có được danh hiệu ấy.

Đôi khi chính học sinh không biết mình được xin điểm. Chính phụ huynh không hay con mình nhận danh hiệu cao quý ấy hoàn toàn nhờ công thầy cô đã ngoại giao với đồng nghiệp mới có được.

Nếu ở bậc trung học, để đạt học sinh giỏi không chỉ cần điểm kiểm tra cuối năm cao (nhân hệ số 3) mà điểm thành phần (miệng, 15 phút, một tiết) cũng phải khá cao.

Xin điểm cuối năm học- câu chuyện buồn lại tái diễn

Bởi thế, nếu học sinh nào đạt điểm trung bình môn cận giỏi (7.9) vẫn thường được một số giáo viên nhiệt tình, tình nguyện đi xin cho 0.1.

Có em đạt điểm trung bình môn 8.0 nhưng 2 môn Toán, Văn không đạt 8.0. Trường hợp này, thầy cô sẽ xin nâng điểm cho một trong 2 môn học ấy.

Với học sinh có 1 trong 2 môn Toán, Văn đạt 8.0 nhưng có những môn chỉ đạt 6.4 hoặc các yêu cầu đều đạt nhưng điểm trung bình môn chỉ có 7.9…cũng lọt vào vòng cần xin điểm.

Người đi xin điểm nói rằng “thương các em vì chỉ thiếu 0.1”. Người cho điểm đôi khi nghĩ “điểm chẳng mất gì của mình”.

Nhưng không cho sẽ mất lòng đồng nghiệp, sẽ mang tiếng là người khó khăn…Bởi thế, khi giáo viên đã đích thân xin điểm phần đông là sẽ toại nguyện.

Không rắc rối như ở bậc trung học phổ thông. Ở bậc tiểu học, các em chỉ có bài kiểm tra cuối năm là bằng điểm số.

Bởi thế, muốn đạt học sinh nổi trội thì bài kiểm tra phải đạt từ 9 điểm trở lên. Và các môn đánh giá bằng nhận xét cũng phải đạt từ tốt.

Giáo viên chủ nhiệm lại là người dạy 2 môn Toán, tiếng Việt và chịu trách nhiệm về việc chấm, vào điểm.

Thầy cô chỉ cần xin giáo viên dạy các môn chuyên như (Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công, Thể dục…) đánh giá Tốt cho những học sinh mà giáo viên chủ nhiệm đã “nhắm” trước.

Điều này vô cùng đơn giản, vì chẳng cần sửa bài thi, chỉ ghi thêm một chữ T thay bằng chữ H là kết quả hoàn toàn thay đổi.

Vậy nên, đã có một số thầy cô giáo đã tự tin cho biết “Mình muốn em nào nổi trội mà chẳng được”.

Đằng sau sự nhiệt tình đi xin điểm của một số giáo viên

Vẫn nhức nhối nạn nâng, sửa điểm cho học sinh

Không ít phụ huynh cho con đi học thêm chỉ vì lý do muốn con đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh nổi trội cuối năm.

Đặc biệt, với học sinh tiểu học một số gia đình gửi con học ở nhà giáo viên cả ngày trong tuần. Phụ huynh gần như khoán trắng việc học của con mình cho thầy cô giáo.

Vì nhận kèm cặp, dạy dỗ những học sinh ấy cả năm nên không ít giáo viên muốn cuối năm những học sinh này được nằm trong danh sách học sinh được khen thưởng như một hình thức “báo công” với cha mẹ các em.

Đây còn là một kiểu “giữ mối” dạy thêm cho những năm học tiếp theo.

Bên cạnh đó, còn muốn dành thêm danh tiếng với những phụ huynh khác.

Bởi thế, khi học sinh biết điểm, chưa cần ba mẹ các em lên tiếng, một số thầy cô giáo đã tự chủ động đi xin điểm, xin nhận xét cho những em học sinh này.

Nhờ có sự “trợ giúp” đắc lực của thầy cô những học sinh dù có “non” một tí cũng lọt vào danh sách khen thưởng của lớp.

Vì điều này, mới loạn học sinh giỏi, học sinh nổi trội. Có lớp sĩ số 40 học sinh/lớp đã có tới 38 em được khen thưởng.

Không phải do chỉ tiêu hay do thành tích của lớp, của trường mà do chính lợi ích trước mắt từ việc dạy thêm mang lại đã dẫn đến tình trạng loạn học sinh giỏi, học sinh nổi trội như một số trường học hiện nay.

Ngô Sương