Học sinh đang gặp khó với môn Ngữ văn ở kì thi quốc gia!

09/03/2020 06:46
Phan Thế Hoài
(GDVN) - Câu nghị luận văn học, học sinh phải luyện tập cả hai dạng đề theo cấu trúc của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quá tải!

Hai dạng đề theo cấu trúc của Bộ

Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề minh họa cho kì thi trung học phổ thông quốc gia. Thay vào đó, học sinh dựa vào đề minh họa và đề thi chính thức của kì thi quốc gia năm 2019 để ôn tập.

Với môn Ngữ văn - ở câu nghị luận văn học, học sinh sẽ gặp khó vì phải luyện tập cả 2 dạng đề theo cấu trúc của Bộ.

Cụ thể, năm 2019 Bộ ra đề minh họa yêu cầu so sánh hai chi tiết trong một đoạn văn (cho sẵn) của tác phẩm.

Đề minh họa như sau:

“Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt. 

Chiều hôm trước, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ: “Thế là thị ngồi xuống ăn thật. 

Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì” và sáng hôm sau, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.”

(Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 2015)

Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.”

Tuy nhiên, khi đến kì thi quốc gia, đề lại yêu cầu cảm nhận về một đoạn văn cho sẵn của tác phẩm. Từ đó, nhận xét về sự phát hiện độc đáo của tác giả về một nội dung được nói đến khiến thí sinh rất bất ngờ vì ít được luyện tập.

Học sinh đang gặp khó với môn Ngữ văn ở kì thi quốc gia. (Ảnh minh hoạ: Cdmiennam.edu.vn)
Học sinh đang gặp khó với môn Ngữ văn ở kì thi quốc gia. (Ảnh minh hoạ: Cdmiennam.edu.vn)

Đề thi chính thức như sau:

“Trong những dòng sông đẹp ở các nư­ớc mà tôi thư­ờng nghe nói đến, hình như­ chỉ sông Hư­ơng là thuộc về một thành phố duy nhất. 

Trư­ớc khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản tr­ường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như­ cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. 

Giữa lòng Trư­ờng Sơn, sông Hư­ơng đã sống một nửa cuộc đời của mình như­ một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. 

Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải đ­ược về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở ng­ười con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành ng­ười mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. 

Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông H­ương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vư­ợt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như­ không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khoá trong những hang đá d­ưới chân núi Kim Phụng.” 

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Ngữ văn 12, tập 1, Nhà xuất bản giáo dục)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.”

Cách làm bài của mỗi dạng khác nhau

Với hai dạng đề này (đề minh họa và đề chính thức), dĩ nhiên cách làm bài của mỗi dạng cũng khác nhau.

Cảnh báo cấu trúc giả mạo đề thi trung học phổ thông quốc gia
Cảnh báo cấu trúc giả mạo đề thi trung học phổ thông quốc gia

Thứ nhất, với đề minh họa, thầy cô và các em học sinh có thể tham khảo theo dàn ý sau:

* Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả Kim Lân, tác phẩm “Vợ nhặt” và khái quát nhân vật thị qua hai lần thay đổi cung cách ăn uống từ hai chi tiết.

* Thân bài: Làm rõ bối cảnh nhân vật xuất hiện, tình huống nhặt vợ của Tràng (lần gặp Tràng thứ nhất, thứ hai và sáng hôm sau khi nhận được bát “chè khoán” từ mẹ chồng. 

So sánh miếng ăn lần thứ nhất và miếng ăn lần thứ hai để nhận xét những phẩm chất tốt đẹp của thị được đặt vào nạn đói năm 1945.

* Kết luận: Khẳng định giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm từ hai chi tiết. Tài năng của Kim Lân trong việc khắc họa và miêu tả tâm lí nhân vật.

Thứ hai, với đề chính thức, thầy cô và các em học sinh có thể tham khảo theo dàn ý sau:

* Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” và đoạn trích.

* Thân bài: Cảm nhận hình tượng sông Hương mang vẻ đẹp phong phú cùng với cách miêu tả tài hoa, độc đáo của tác giả.

Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở góc nhìn tự nhiên, văn hóa.

* Kết luận: Khái quát được vấn đề nghị luận.

Một số đề xuất cho kì thi quốc gia năm 2020

Như đã phân tích, với đề minh họa, học sinh khó triển khai dàn ý vì yếu kĩ năng và thiếu ý để viết (so sánh) về hai chi tiết. Dạng đề này chỉ phù hợp với học sinh có lực học khá và giỏi vì có tính phân hóa rất cao.

Vài ý kiến về cuốn sách Bồi dưỡng kiến thức môn Ngữ văn trung học cơ sở
Vài ý kiến về cuốn sách Bồi dưỡng kiến thức môn Ngữ văn trung học cơ sở

Với đề chính thức, học sinh làm bài dễ hơn so với đề minh họa và khả năng phân hóa điểm thi cũng khá cao.

Ngoài ra, đề thi dự trữ lần 2 (dành cho thí sinh Sơn La và Lào Cai) cũng có cấu trúc tương tự đề thi chính thức.

Đề thi dự trữ như sau:

“Trong bài thơ “Tây Tiến”, Quang Dũng Viết:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Ngữ văn 12, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lính trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về bút pháp lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng.”

Có thể nhận thấy, dạng đề dự trữ có cấu trúc giống với đề thi chính thức, phù hợp cho mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học.

Theo ý kiến của chúng tôi, kì thi quốc gia năm nay, Bộ nên ra đề theo cấu trúc của đề thi chính thức và đề thi dự trữ.

Bởi, dạng đề này phù hợp với nhiều đối tượng học sinh và có khả năng phân hóa cao đúng với tinh thần của kì thi “hai trong một”.

Hơn nữa, thời gian học sinh lớp 12 nghỉ dịch Covid-19 khá dài, nếu tính mốc 16/3 các em đi học lại thì việc ôn thi còn khoảng 3 tuần (mất 4 tuần so với năm 2019).

Chính vì vậy, nếu học sinh buộc phải ôn tập cho cả hai dạng đề của câu nghị luận văn học thì vừa khó, vừa quá tải, gây trở ngại cho các em trong thời gian sắp tới.

Phan Thế Hoài